Văn hóa truyền thống Nhật Bản – Thiệp chúc mừng năm mới

Cứ đến tháng 12, người Nhật sẽ chuẩn bị rất nhiều thứ để đón chào năm mới trong một tâm trạng sảng khoái. Một trong số đó là “Nengajo", phong tục gửi lời hỏi thăm đầu năm bằng bưu điện.

Nengajo là gì?

Tôi không biết tường tận nguồn gốc, nhưng từ thời xa xưa đã có phong tục chào hỏi nhau vào năm mới, và khi giao thông và lưu thông phát triển, người Nhật bắt đầu chào hỏi những người ở xa bằng những lá thư.

Khi hệ thống bưu chính được thành lập vào thế kỷ 19 và có thể gửi bưu thiếp với giá rẻ thì phong tục này lại càng lan truyền rộng rãi trong dân chúng.

Ban đầu, Nengajo là việc bỏ thư vào thùng thư trong ngày 1/1.

Nhưng để có được dấu bưu điện ngày 1/1, không ít người đã gửi thư vào ngày hôm đó, nên bưu điện không thể xử lý hết được tất cả bức thư đó.

Vì vậy, họ bắt đầu ưu tiên xử lý trước tất cả Nengajo, và các tấm bưu thiếp được ghi chú là Nengajo bỏ vào thùng thư từ 15 ~ 25/12 sẽ được gửi vào ngày 1/1 với dấu bưu điện ngày 1/1.

Cách gửi Nengajo

Những tấm bưu thiếp được dùng làm Nengajo sẽ được bán tại bưu điện hoặc cửa hàng tiện lợi từ tầm tháng 11. Dù không phải là bưu thiếp chuyên dùng làm nengajo, thì cũng sẽ được đối xử giống vậy nếu viết “nenga" (mừng năm mới) bằng mực đỏ dưới chỗ dán tem.

Thêm vào đó, người Nhật sẽ bỏ thư vào thùng thư trong khoảng thời gian bỏ thư nengajo. Vì cũng có những hộp thư gắn thêm ngăn dành riêng cho nengajo, nên bạn hãy xem kỹ lưỡng rồi mới bỏ thư vào nhé.

Nhân tiện, trong những thiệp năm mới được bán tại các bưu điện thì cũng sẽ gắn kèm theo một mã xổ số. Giữa tháng 1 sẽ có thông báo kết quả xổ số. Bạn có thể nhận được đến 300.000 yên nếu may mắn trúng vào giải nhất đấy nhé!

Cách viết Nengajo

Thông thường thì trong hình minh họa trên Nengajo với con giáp của năm đó sẽ kèm theo một dòng chữ “あけましておめでとうございます" (chúc mừng năm mới), “今年もよろしくおねがいします" (năm nay mong được bạn chiếu cố tiếp), và ghi ngày tháng “Ngày 1 tháng 1 năm 202X", hoặc “令和〇年元旦" (Ngày mùng 1 Tết năm *** Lệnh Hòa). “元旦" (ganten) hay “元日" (ganjitsu) đều là những từ chỉ ngày 1/1.

Đối với những người có tuổi hoặc bậc tiền bối thì sẽ dùng những từ tiếng Nhật cung kính một chút, như “謹賀新年" (Kinga shinnen – Chúc mừng năm mới), hay “謹んで新春のお慶びを申し上げます" (kính chúc một năm mới hạnh phúc), v.v… Nhưng nếu đối với người nước ngoài, thì chỉ cần kèm theo từ ngữ tương ứng với “Chúc mừng năm mới" bằng ngôn ngữ của người đó thì cũng khiến cho họ cảm thấy rất vui rồi.

Ngoài ra, với những người đã kết hôn hoặc đã sinh con thì cũng có khi gửi kèm cả bức ảnh về lễ cưới hay đứa con.

Những điểm lưu ý khi gửi Nengajo

Nengajo không chỉ được gửi từ những người thân thiết mà còn từ cả những người thường không mấy khi gặp nhau, hay những người gửi chỉ để hỏi thăm về cuộc sống của nhau. Trong những năm gần đây, khi cái gì cũng có thể giải quyết bằng email, thì cũng có nhiều người cảm nhận được sự ấm áp trong phong tục truyền thống Nengajo.

Ngay cả với những người cảm thấy phiền phức khi viết Nengajo, thì có lẽ họ cũng sẽ thấy vui khi gửi Nengajo vào ngày 1/1.

Nhưng trong đó có những người lại cảm thấy không thoải mái dù được nhận Nengajo. Đó là người đã mất người thân hoặc họ hàng. Có phong tục là nếu có người nhà mất thì trong vòng 1 năm sẽ phải chịu tang, nên phải hạn chế mỗi dịp chúc mừng.

Dù hiện nay họ không quá khắt khe khi đến dịp năm mới, nhưng có lẽ cũng không ít người cảm thấy không thoải mái chút nào khi cùng nói “chúc mừng" vào lúc người thân của họ vừa mất.

Vậy nên những người có người thân mất trong năm đó sẽ sử dụng tấm bưu thiếp đơn giản gọi là “Mochu nengajo" (thiệp có tang), và nói qua email hoặc nói miệng để thông báo rằng “年始の挨拶をご遠慮ください" (Xin vui lòng không hỏi thăm đầu năm mới). Với những người nói như vậy thì không chỉ Nengajo mà ngay cả trả lời miệng hoặc email rằng “Chúc mừng năm mới" thì cũng không nên, bạn nhé!