Truyện cổ tích Nhật Bản – Áo cánh tiên

Trong truyền thuyết của Nhật Bản luôn tồn tại bóng hình của các nàng tiên nữ. Có những nàng tiên nhiều lần hạ trần để truyền tải thông điệp đến loài người, hay để dẫn đường cho linh hồn những người đã khuất về trời, về điểm này thì vai trò của tiên nữ rất giống với các thiên thần của phương Tây.

Trong mỹ thuật Phật giáo, hình ảnh của các nàng tiên nữ luôn được họa trong tư thế đang đứng trên mây, hay như đang bay lượn nhẹ nhàng trên không trung, nhưng điểm khác với thiên thần phương Tây là tiên nữ không hề có cánh trên lưng. Lý do tiên nữ có thể bay được trên không trung là nhờ có “áo cánh tiên Amano Hagoromo". Và các truyền thuyết về áo cánh tiên đến nay vẫn luôn được lưu truyền ở khắp nơi trên đất Nhật.

Tóm tắt về truyền thuyết “Áo cánh tiên Amano Hagoromo"

Ngày xửa ngày xưa, có những nàng tiên nữ giáng trần bên 1 bờ hồ nọ. Trước khi xuống bơi trong hồ, các nàng tiên nữ đã cởi bỏ áo cánh tiên của mình và để bên gốc cây gần đó.

Lúc đó có 1 thanh niên trẻ đi ngang qua và trông thấy các nàng, rồi chàng đem lòng yêu 1 nàng tiên nữ, và lén giấu đi áo cánh tiên của nàng để nàng không thể quay về trời được nữa.

Mất đi áo cánh tiên, nàng tiên nữ không thể bay về trời được, khi nàng đang khóc thì chàng cất tiếng gọi rồi đưa nàng về nhà. Một thời gian sau thì hai người kết hôn và sống hạnh phúc cùng nhau.

Nhưng 1 ngày nọ, trong khi chồng đang đi vắng, nàng tiên nữ ngày nào bỗng tìm thấy chiếc áo cánh tiên những tưởng đã mất của mình. Lúc đó nàng mới nhận ra rằng không phải áo cánh tiên của mình bị mất, mà là bị chồng mình cất giấu bấy lâu, điều này khiến nàng không khỏi ngỡ ngàng. Khi người chồng trở về, nàng đã nói lời từ biệt với chàng rồi khoác áo cánh tiên và bay về trời.

Người chồng đau khổ vừa khóc vừa gọi tên nàng tiên nữ, nhưng không cách nào níu giữ được nàng ở lại.

Những địa điểm có liên quan đến áo cánh tiên

Những truyền thuyết có liên quan đến áo cánh tiên có ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, đến mức có những địa danh ở Nhật được đặt tên là Hagoromo. Và nổi tiếng nhất trong số đó chính là 3 địa danh sau đây.

1. Miho no Matsubara (三保の松原)

Đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất của nước Nhật, thậm chí cũng đã được đăng ký là di sản thế giới.

Di sản thế giới của Nhật Bản – Núi Phú Sỹ – Biểu tượng của Tín ngưỡng và suối nguồn của Nghệ thuật

Cây thông nơi các nàng tiên nữ từng để áo cánh tiên đã từng được thờ phung trong ngôi đền Miho-jinja (御穂神社), nhưng vào năm 1707 đã có 1 vụ phun trào núi lửa rất lớn ở núi Phú Sỹ, khiến cây thông này bị nhấn chìm xuống biển.

Sau đó tuy cũng có cây thông Hagoromo (tạm dịch là “cây thông áo cánh tiên") khác được thờ phụng nhưng cũng đã chết mất rồi, nên từ năm 2010, trong khuôn viên đền đã có cây thông áo cánh tiên đời thứ 3.

Địa chỉ 1073 Miho, Shimizu-ku, thành phố Shizuoka, tỉnh Shizuoka (địa chỉ đền Miho-jinja)
Cách đi Đi xe buýt từ ga Shimizu (清水駅) của tuyến chính JR Tokaido (JR東海道本線), xuống ở trạm Miho no Matsubara Iriguchi (三保松原入口) sau đó đi bộ thêm 10 phút

2. Hồ Yogo (余呉湖)

Hồ Yogo là 1 hồ nhỏ nằm ngay cạnh hồ nước ngọt lớn nhất nước Nhật – hồ Biwa (琵琶湖). Mặt hồ luôn phẳng lặng không hề gợn sóng, nước lại trong vắt như gương phản chiếu vạn vật xung quanh, nên hồ này còn được mệnh danh là “Cánh đồng muối Uyuni của Nhật Bản" (danh xưng để chỉ những hồ nước với mặt nước tĩnh và độ trong suốt cũng như độ phản chiếu cao, giống như cánh đồng muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni nằm tại Bolivia).

Nơi đây được cho là xuất phát điểm của truyền thuyết áo cánh tiên, rồi từ đây mới lan truyền khắp mọi vùng miền ở Nhật Bản.

Địa chỉ Yogo-cho, thành phố Nagahama, tỉnh Shiga
URL http://yogokanko.jp/
Cách đi Đi bộ thêm 10 phút từ trạm Yogo (余呉駅) của tuyến chính JR Hokuriku (JR北陸本線)

3. Đền Nagu-jinja (奈具神社)

Truyền thuyết áo cánh tiên được lưu truyền ở ngôi đền Nagu-jinja của tỉnh Kyoto thì có hơi khác 1 chút, đó là người giấu đi chiếc áo cánh tiên không phải là người thanh niên mà là 1 cặp vợ chồng già.

Nàng tiên nữ đã ở lại đền ơn cho đôi vợ chồng già sau khi họ đã cứu giúp nàng khỏi nghịch cảnh, nhưng sau khi có được vinh hoa phú quý thì họ lại trở nên kiêu ngạo và buông lời cay nghiệt với nàng rằng “Ngươi không phải con gái ruột của bọn ta!" rồi đuổi nàng đi. Sau khi bị đuổi đi thì nàng đi lang thang khắp nơi rồi dừng chân trú lại tại mảnh đất này.

Khi nàng qua đời, người dân trong làng đã thờ phụng nàng trong 1 ngôi đền ở đây. Và ngôi đền đó chính là ngôi đền Nagu-jinja.

Địa chỉ 273 Nagu, Funaki, Yasaka-cho, thành phố Kyotango, Kyoto
Cách đi Đi xe buýt từ ga Mineyama (峰山駅) của tuyến Miyadzu (宮津線) thuộc đường sắt Kyotango (京都丹後鉄道), xuống xe tại trạm Yasaka-bunkou Mae (弥栄分校前, nghĩa là “trước trường trung học nhánh Yasaka"), đi bộ thêm 13 phút

Nàng vũ công bị mê hoặc bởi truyền thuyết về áo cánh tiên

Câu chuyện “Áo cánh tiên" mang sắc màu đượm buồn này luôn làm rung động rất nhiều người được nghe kể. Câu chuyện này không chỉ có sức hấp dẫn ở riêng Nhật Bản, mà còn rất cuốn hút đối với người nước ngoài.

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20, có 1 nữ vũ công người Pháp tên Elaine Juglaris (エレーヌ・ジュグラリス) đã đem lòng ngưỡng mộ cái tinh túy của nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống kịch Noh của Nhật Bản. Cô đặc biệt bị mê hoặc bởi vở Hagoromo (羽衣) – 1 vở kịch được dựng nên dựa trên truyền thuyết về chiếc áo cánh tiên, và vì muốn được biểu diễn vở kịch đó mà cô đã dày công nghiên cứu.

Khi đó, ở Pháp vẫn chưa có Lãnh sự quán hay Đại sứ quán Nhật, nên công việc điều tra và nghiên cứu của cô gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều đó lại càng thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong cô. Đến năm 1949, cô đã có thể tự mình diễn vở Hagoromo, và gặt hái được thành công lớn từ đấy.

Elaine lúc đó có nguyện vọng muốn được nhìn thấy Miho no Matsubara, nhưng trong 1 màn biểu diễn (3 tháng sau buổi diễn đầu tiên), cô bị ngã khỏi sân khấu khi bộ phục trang bị vướng cuốn trên người. Cô qua đời 2 năm sau đó ở tuổi 35.

Chồng của Elaine đã thay cô thực hiện ước mơ “đến thăm Miho no Matsubara" còn đang dang dở của mình. Và 4 tháng sau khi cô ra đi, chồng cô cuối cùng cũng đã có thể mang theo phục trang và tóc của Elaine đến vùng đất này.

Nhật Bản thời bấy giờ vẫn còn đang phải oằn mình chịu đựng những vết thương lớn sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, người dân ở Miho khi đó cũng như mất đi hoàn toàn sức sống. Thế nhưng, câu chuyện về cuộc đời cũng như nhiệt huyết của Elaine khi cô luôn hết mình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản ở tận nước Pháp xa xôi ấy đã truyền thêm lửa và vực dậy tinh thần cho rất nhiều người.

Tóc của Elaine được lưu giữ bên dưới tượng đài kỷ niệm được xây dựng ở Miho no Matsubara, những di vật khác như trang phục thì hiện đang được trưng bày ở thư viên trung tâm Shimizu (清水中央図書館).

Cứ vào mùa Thu hàng năm sẽ lại tổ chức Lễ hội Hagoromo, trong lễ hội sẽ tổ chức “Lễ tuyên dương vợ chồng Elaine" và biểu diễn vở Hagoromo như để tri ân nữ vũ công Elaine Juglaris.