Kiến thức văn hóa Nhật Bản – Hành lễ ở đền (jinja) và chùa (otera)

Khi tìm đến “Phong cảnh Nhật Bản", sẽ thật thiếu sót nếu không đến thăm đền thờ (神社, jinja) và chùa (寺, tera). Tuy nhiên, khác với các địa điểm tham quan du lịch thông thường, đối với mọi người thì đền thờ và chùa là các cơ sở của Thần Đạo và Phật Giáo, nhiều nơi đến hiện tại vẫn là chốn thờ phụng và cầu nguyện linh thiêng.

Đền thờ và chùa ở Nhật không chỉ tiếp đón những người theo đạo mà còn cả những người có tôn giáo khác nữa các bạn ạ! Các bạn không cần quá lo lắng về các lễ nghi chi tiết, miễn là các bạn hiểu đây là nơi tôn nghiêm để cầu nguyện, và tuân theo các phép tắc cơ bản “Yên lặng, thanh tịnh và không xả rác" là đủ. Thế nhưng, nếu các bạn nắm bắt được các lễ nghi căn bản thì sẽ trải nghiệm văn hóa Nhật Bản được sâu sắc hơn đấy!

Hành lễ ở đền Thần đạo

Đền Thờ là cơ sở của Thần đạo từ xa xưa. Người theo đạo coi tự nhiên như là Thần Thánh, và thờ phụng.

Đối với các đền thờ lâu đời, trên đường vào đền thờ, sẽ có các bảng chỉ dẫn như là “Lối vào bên tay phải", “Xin hãy hành lễ ở đây", nhưng với các đền thờ bình thường thì không cần phải quá đa lễ.

Tuy nhiên, sẽ có các nghi lễ cơ bản “có làm thì càng hay" sau đây.

Khi đi qua cổng torii thì cúi đầu chào

Cổng Torii là cổng với các cột lớn dựng trước Đền Thờ, và là lối đi vào đền thờ. Hướng vào trong cổng sẽ trở thành lãnh thổ của các Thần.

Các thần của đền thờ có vai trò bảo vệ con người và khu vực đất đai ở đó. Theo niềm tin của người Nhật, đến thăm đền thờ cũng giống như là bạn đi thăm thủ lĩnh hoặc giám đốc của bạn, và người đi thăm thì ở 1 vị trí thấp hơn.

Do đó, bạn sẽ đứng cúi đầu trước cổng Torii và nói “ojama shimasu" (nghĩa là “Xin phép làm phiền"), và khi ra về bạn cũng phải ngoái lại, cúi chào ngôi đền và nói “ojama shimashita" (nghĩa là “Tôi đã làm phiền ạ!").

Không đi chính giữa lối đi

Khu vực bên trong, sẽ có lối đi cho các tín đồ hướng về chính điện nơi thờ Thần, nhưng mọi người sẽ đi ở hai bên.

Bởi vì lối đi chính giữa được quan niệm là lối đi của các vị Thần. Mặc dù mắt thường không thể nhìn thấy họ, nhưng mọi người cho rằng nếu đi chính giữa sẽ cản trở lối đi của Thần và như vậy là thất lễ.

Không có quy định là đi bên trái hay bên phải, nhưng tại các đền thờ có nhiều tín đồ thì sẽ có bảng chỉ dẫn “Lối đi bên trái" hoặc “Lối đi bên phải", vì thế các bạn hãy làm theo nhé! (Đây cũng là cách để đi qua các tín đồ một cách thuận lợi đấy.)

Rửa tay

Trước điện thờ Thần Đạo, có một đài phun nước nhỏ để rửa tay. Đây được gọi là “Chouzusha" (Thủ Thủy Xá), là nơi rửa tay thật sạch trước khi thờ phụng.

Trong các đền thờ cổ, có khi bạn phải thoát y, trầm mình xuống dòng sông để thanh tẩy cơ thể (đây là lý do vì sao có nhiều con sông trong khuôn viên các đền thờ lớn). Nhưng việc này đã được giản lược hóa theo thời đại, hiện nay chỉ cần rửa tay sạch là OK rồi.

Cách thức là lấy vá múc một ít nước, rồi rửa tay trái, rửa tay phải, tay trái đưa nước vào trong miệng xúc, rửa tay trái lại một lần nữa.

Có nhiều đền thờ sẽ có bảng chỉ dẫn, các bạn chỉ việc làm theo thôi nè!

Đối với các đền thờ nhỏ, nước không chảy, hoặc bẩn, hoặc vốn không có nghi thức rửa tay, lúc đó các bạn có thể bỏ qua bước này nhé.

Hành lễ: nhị bái, nhị phách, nhất bái

Không có quy định nghiêm ngặt nào về nghi lễ thờ bái Thần Đạo. Nghi thức được coi là đúng nhất hiện tại thực ra là vào cuối thế kỷ 19, vào thời điểm người ta lập ra các nghi thức hành lễ thống nhất trên khắp cả nước.

Điều quan trọng là bạn phải một lòng hướng về tâm của bạn và các vị Thần, cho nên dù bạn hành lễ thế nào cũng không quan trọng, nhưng chắc bạn đang nghĩ làm thế nào thì mới “Đúng kiểu Nhật" đúng không nào?

Trước hết, bạn nên bỏ tiền vào Hòm công đức (Saisenbako). Số tiền này như là một lời cảm tạ Thần linh đã thực hiện những nguyện cầu trước đây của bạn, và cũng có khi mang ý nghĩa là “tôi gửi tiền rồi, xin thần linh đáp ứng ước nguyện của tôi".

Tiền được bỏ vào hầu như là các đồng xu nhỏ, thường thấy nhất là đồng 5 yên. Vì trong tiếng Nhật, đồng 5 yên đọc là “go-en", chơi chữ đồng âm với “Duyên" – cũng đọc là “go-en" – mang ý nghĩa gắn kết mọi người.

Ngoài ra, nếu có chuông, bạn cũng có thể rung chuông nữa nhé. Việc này là để thông báo cho các vị thần là “Tôi đã đến, thưa ngài!". Sau đó cúi lạy 2 cái, vỗ tay 2 cái thật to. Sau khi cầu nguyện, vẫn tư thế chắp tay như thế, bạn cúi đầu lần nữa rồi rời đi.

Hành lễ ở chùa

Cũng giống như đền thờ Thần Đạo, rất nhiều đền chùa Nhật Bản cũng hoan nghênh mọi người từ mọi giáo phái. Tuy nhiên, hành lễ của họ có một chút khác biệt.

Không bước chân lên ngưỡng cửa Chùa

Khi bạn tới cổng ở lối vào của ngôi đền, bạn sẽ thấy có một miếng gờ cao phía dưới. Đây được gọi là ngưỡng cửa, được gắn vào để đóng mở cánh cổng khá là nặng được dễ dàng.

Có quy định là bạn đi qua ngưỡng cửa mà không được bước lên nó đấy nhé. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng lý do chính nhất là “Nếu bước lên, nó sẽ bị mòn và cánh cổng sẽ trở nên khó đóng mở hơn".

Trong trường hợp ngưỡng cửa có bậc thang, thì vui lòng đừng bước chân lên bậc cao nhất nhé!

Khi hành lễ ở Chùa thì không nên vỗ tay

Khi đến cầu nguyện ở Chùa, bạn đừng nên vỗ tay như ở đền thờ thần đạo, chỉ cần chắp tay trong yên lặng. Đối với Chùa ở Nhật, cách hành lễ cơ bản là giữ im lặng mà thôi.

jinja,otera,torii

Posted by Taru