Sự kiện truyền thống Nhật Bản – Lễ 7-5-3
Lễ hội Bảy-Năm-Ba (七五三) là phong tục cầu chúc cho sự trưởng thành của trẻ em. Lễ hội này bắt đầu ở vùng Kanto từ thế kỷ 17. Ngày nay, phong tục này được thực hiện vào ngày 15/11 ở tất cả các địa phương trên nước Nhật.
Khi nào tiến hành Lễ Bảy-Năm-Ba?
Lễ Bảy-Năm-Ba tuy dành để cầu chúc cho trẻ em nhưng không phải tất cả các bé mà đặc biệt dành cho các bé gái 3 hay 7 tuổi và các bé trai 5 tuổi (mặc dù vậy, quy định ngày nay cũng không quá chặt chẽ, nhiều gia đình vẫn tổ chức lễ cho bé trai 3 hay 7 tuổi hoặc bé gái 5 tuổi).
Đồng thời, vì bắt nguồn từ thế kỷ 17 nên cách tính tuổi của trẻ như thời bấy giờ là tính theo tuổi âm (数え年, nghĩa là “tuổi cộng thêm"): trẻ sinh ra đã được tính là 1 tuổi, cứ qua ngày 1 tháng 1 hàng năm lại tăng thêm một tuổi – thay vì theo cách tính tuổi dương (満年齢, nghĩa là “tuổi tròn năm"): trẻ sinh ra tính là 0 tuổi, đến sinh nhật hàng năm lại tăng thêm một tuổi.
Vì vậy, “Bảy-Năm-Ba" ở đây ám chỉ tuổi âm của trẻ khi tổ chức lễ là “bảy tuổi – năm tuổi – ba tuổi" (cả quy định này ngày nay cũng không còn chặt chẽ, có những gia đình tính tuổi dương khi tổ chức cho trẻ).
Trẻ em trong ngày lễ của mình sẽ diện kimono xinh đẹp để đến đền thờ Thần đạo tiến hành nghi lễ. Sau đó cả gia đình cùng chụp ảnh kỷ niệm ở studio, thưởng thức một bữa tiệc ngon lành ở nhà hàng tương đối sang trọng. Đó là lịch trình chung cho lễ Bảy-Năm-Ba của người Nhật ngày nay.
Cũng có những nơi người ta tổ chức lễ long trọng ở khu nhà hàng – khách sạn, công bố và mời khách khứa đông đúc y như một tiệc cưới.
Vì sao lại là ba, năm hay bảy tuổi?
Ngày xưa, trình độ y học còn thấp, tỷ lệ trẻ em tử vong cao hơn hiện nay rất nhiều. Ở Nhật cũng không ngoại lệ, nuôi một đứa bé đến năm 7 tuổi thời đó thật sự không phải chuyện đơn giản.
Vì vậy, bắt nguồn từ quan niệm tuổi số lẻ là tuổi tốt, lễ Bảy-Năm-Ba ra đời với ý nghĩa mừng cho đứa bé lớn đến độ tuổi đó và cầu chúc cho trẻ tiếp tục lớn lên mạnh khoẻ.
Ngày nay, nền y học Nhật đã phát triển, tỷ lệ trẻ em tử vong giảm xuống thấp nhưng lễ Bảy-Năm-Ba vẫn được lưu giữ như một phong tục truyền thống.
Chuyện dịp lễ Bảy-Năm-Ba
Vào lễ Bảy-Năm-Ba, thông thường các gia đình sẽ đến đền thờ Thần đạo gần nhà nhất để làm lễ. Ngày nay có rất nhiều đền thờ phù hợp cho nghi lễ và cũng không cần phải đặt chỗ trước. Ngoài ra, không nhất thiết phải đúng ngày 15, chỉ cần sang tháng 11 là mỗi ngày đều có người đến đền thờ Thần đạo để tổ chức lễ cho con. Vì vậy vào ngày cuối tuần, các đền thờ luôn nhộn nhịp nhà nhà, người người đến viếng thăm.
Tuy vậy, chỗ thuê trang phục, trang điểm và chụp ảnh lại cần phải đặt trước. Cứ đến tháng 11 là các dịch vụ này lại kín chỗ, do đó chuyện tranh thủ tổ chức lễ trước ngày không phải là hiếm.
Đặc biệt, có những studio nhận chụp ảnh lễ Bảy-Năm-Ba quanh năm. Thế nên có nhiều nhà tranh thủ thuê đồ và chụp ảnh từ trước, đến hôm đi lễ ở đền thờ chỉ cần mặc âu phục thông thường. Kimono vốn dĩ khó thay, cho trẻ mặc suốt cũng làm chúng thấy mệt mỏi!
Kẹo Chitose (千歳飴)
Một món ăn không thể thiếu trong lễ Bảy-Năm-Ba là thanh kẹo dài có tên là “Chitose".
“Chitose" (千歳) có nghĩa là “nghìn năm tuổi" (vạn tuế) nên thanh kẹo này mang ý nghĩa cầu chúc đứa trẻ sẽ lớn lên và trường thọ.
Kẹo Chitose có màu hồng – được xem là màu sắc mang đến điều tốt lành ở Nhật, và được đựng trong túi thon dài gọi là “túi kẹo Chitose" (千歳飴袋). Trên túi này có trang trí hình chim hạc và rùa, cả hai đều tượng trưng cho tuổi thọ trong quan niệm của người Nhật (ngày xưa, người ta tin rằng chim hạc sống đến ngàn năm còn rùa sống đến vạn năm).
Chúc mừng lễ Bảy-Năm-Ba của trẻ em Nhật
Vào tháng 11, đến bất kỳ đền thờ Thần đạo lớn nhỏ nào bạn cũng sẽ thấy các em bé mặc trang phục vô cùng đáng yêu đang cố hết sức để trèo lên các bậc thang dẫn vào đền – một hình ảnh làm tan chảy trái tim con người.
Mặc dù vậy, các bé không phải là búp bê mua vui cho khách du lịch mà cũng là người đến viếng đền thờ như các du khách khác. Dù chúng có đáng yêu đến mấy, xin đừng đột ngột vây đến gần và tự ý chụp ảnh bọn trẻ mà hãy xin phép trước người giám hộ của bọn trẻ, bạn nhé!
Khi chụp ảnh, cũng đừng quên chúc mừng trẻ: “Shichi-Go-San, Omedetou!" (七五三、おめでとう- nghĩa là “Chúc mừng ngày Bảy-Năm-Ba!").