Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Onomichi Beccha đầu tháng 11 ở tỉnh Hiroshima

Thông thường, tại các buổi diễu hành ở Nhật Bản sẽ xuất hiện những người đeo mặt nạ truyền thống. Tiêu biểu là mặt nạ quỷ Oni và mặt nạ con lân Shishimai, nhưng mặt nạ của lễ hội “Onomichi Beccha" là độc đáo hơn cả, đến mức còn được gọi là “Kỳ Tế" (lễ hội kỳ ảo).

Nguồn gốc lễ hội Onomichi Beccha

Vào đầu thế kỷ 19, vùng đất này bị bệnh dịch hạch hoành hành, nên người ta bắt đầu thực hiện nghi lễ xua đuổi tà ma và rước miếu thần.

Mặt nạ của lễ hội Onomichi Beccha

Ở lễ hội Onomichi Beccha, có 3 chiếc mặt nạ sẽ xuất hiện. Người đeo mặt nạ sẽ mang cây trượng dùng cho nghi lễ gọi là “Iwaibou", và một loại nhạc cụ độc đáo gọi là “Sasara", và có một truyền thuyết nói rằng nếu được những người này đánh, chọt hoặc cắn thì cả năm sẽ không mắc bệnh gì.

Mặt nạ Beta

Đầu tiên là mặt nạ phẳng, ít lồi lõm gọi là “Beta". Tiếng Nhật có một từ đọc là “Hirabettai" (nghĩa là “phẳng"), và “beta" là từ tượng thanh diễn tả sự bằng phẳng. Từ đó, người ta nói chệch đi thành “Beccha", rồi trở thành tên của lễ hội này.

Nói cách khác, mặt nạ “beccha" này là nhân vật chính của lễ hội.

“Beta" giống với mặt nạ “Buakumen" xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống “Kyogen" (kịch ca vũ) của Nhật Bản. Nhìn có vẻ giống quỷ Oni, nhưng đôi lúc lại trông buồn cười và có cảm giác yếu ớt. Mặt nạ này xuất hiện trong kịch Kyogen như một con quỷ, nhưng lại là vai hài hước và tươi sáng, thân thiết với nhân vật chính.

Mặt nạ Soba

Mặt nạ màu trắng mọc sừng này được gọi là “Soba". Mặt nạ này cũng vậy, nó vốn xuất hiện trong những vở kịch Kyogen, gọi là “Ja". “Ja" là dáng hình người phụ nữ hoá quỷ bởi lòng ghen tuông mù quáng.

Lý do tại sao lại gọi là “Soba", là bởi người mang đã chiếc mặt nạ này lần đầu tiên ở lễ hội Beccha vốn kinh doanh quán mì soba.

Mặt nạ Shoki

Mặt nạ với chiếc mũi cao cao này là mặt nạ yêu quái mũi dài Tengu gọi là “Shoki". Nguồn gốc cái tên của mặt nạ này là bởi tên người mang mặt nạ này lần đầu tiên là “Shokichi".

Ở lễ hội Beccha, người ta sẽ hướng về 3 người mang mặt nạ đi diễu hành trên phố, hô gọi “Beta!", “Soba!", “Shoki!" và xuất hiện trước mặt họ để được họ đánh, chọc bằng cây trượng. Trông thấy quang cảnh lạ kỳ ấy, tất thảy người lớn và trẻ con ai cũng cười giòn tan và vui vẻ.

Tên Lễ hội Onomichi Beccha (尾道ベッチャー祭り)
Trang chủ http://onomichi.main.jp/betcha/index.html
Địa điểm chính Đền Ikkyu (一宮神社) (đền Kibitsuhiko (吉備津彦神社))
9-16 Higashitsuchido-cho, thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima
Bản đồ
Thời gian diễn ra Ngày 1 – 3/11

Hướng dẫn tham quan khu vực lân cận

Onomichi hướng ra biển nội địa Seto, từ xưa đã phát triển mạnh mẽ như một trung tâm giao thông và lưu thông hàng hoá. Hầu như không có vùng đồng bằng và dân cư tập trung ở bề mặt núi, nên nơi đây còn được gọi là “Saka no michi" (thị trấn của những con dốc).

Đó là những con dốc với dãy phố mang không khí cổ kính, thấy được biển nơi những chiếc thuyền trôi lênh đênh. Và đâu đó có chú mèo trong hẻm dáo dác nhìn sang bên kia đường… quả thật là phố cảng đậm chất Nhật Bản.

Quang cảnh xinh đẹp như vậy đã được chọn làm địa điểm xuất hiện trong các tác phẩm văn học, những bộ phim điện ảnh và phim truyền hình, trên anime và cả quảng cáo nữa, là quang cảnh ai cũng ước ao được chiêm ngưỡng.

Có rất nhiều đài quan sát nhìn xa ra thị trấn và cả những cửa hiệu ăn uống sang trọng cũng có cảnh quan cực kỳ đẹp. Nếu có cơ hội đến nơi đây, bạn nhất định hãy thưởng thức phong cảnh vùng đất này nhé!

Cảnh quan tại Onomichi