Truyện cổ tích Nhật Bản – Kachikachi-yama

Ngày xưa ở Nhật Bản, Chồn (tanuki) và Cáo (kitsune) được cho là có khả năng biến hình và bị coi là những động vật xấu xa chuyên đánh lừa con người. Ngay cả bây giờ, cũng vẫn có những từ như “Tanuki-oyaji" (tạm dịch: lão chồn hôi) và “Megitsune" (tạm dịch: ả cáo già), v.v… (những từ vựng có chứa chữ “cáo" & “chồn"), nhưng tất cả những từ này đều có nghĩa xấu là những người chuyên đi lừa đảo người khác. Khi nói đến truyện cổ tích, Chồn và Cáo vẫn xuất hiện như những nhân vật phản diện lừa dối con người, và trong số đó, con chồn xuất hiện trong câu chuyện “Kachikachi-yama" chính là “ác chồn" nổi tiếng hơn tất thảy.

Tóm tắt câu chuyện

Ngày xửa ngày xưa, ở một nơi nọ có một cặp vợ chồng nông dân già hằng ngày sống rất chan hòa với những con vật xung quanh mình. Tuy nhiên từ đâu lại xuất hiện một con chồn mà cứ vào ban ngày là nó lại đến chỗ ông lão đang làm việc trên cánh đồng rồi lớn tiếng nói xấu ông, đến tối thì nó lại đánh cắp các loại cây trồng và phá hủy cánh đồng.Ông lão giận lắm, nên đã đặt bẫy và bắt được nó. Sau đó, ông đưa con chồn cho bà lão, bảo bà “Lấy thịt nó làm súp chồn đi!" rồi đi ra đồng.Chồn ta thấy vậy bèn gào khóc và giả vờ hối lỗi, khiến bà lão mủi lòng nên đã tháo sợi dây trói ra. Ngay khi thoát ra, nó đã đánh chết bà lão bằng một cây gậy.Ông lão về nhà thấy sự tình nên đau khổ dằn vặt, và một người bạn thỏ tốt bụng đã đến và nói: “Hãy để tôi trả thù cho ông!". Sau đó, thỏ bày cho chồn cách kiếm tiền. Khi nghe thỏ bảo bán củi trên rừng để lấy tiền, chồn hớn hở làm theo. Trên đường về nhà, thỏ đã đập đá đánh lửa kêu kachi-kachi (“tách tách" trong tiếng Việt) để tạo lửa sau lưng con chồn đang mang đầy ắp củi.Con chồn nghe âm thanh lạ bèn tò mò, nhưng không thể quay lại vì bị củi cản trở. Nó hỏi thỏ rằng “Có tiếng động gì thế?". “Vì đây được gọi là Núi Kachikachi-yama nên đó là tiếng chim Kachikachi đó.". Và chồn đã bị thuyết phục bởi câu trả lời đó. Một lúc sau, củi đeo sau lưng chồn cũng cháy lên và phát ra âm thanh “boubou" (“phừng phừng" trong tiếng Việt). Thỏ lại tiếp tục lừa rằng “Đó là chim Boubou ở núi Boubou đang kêu đấy!".Và rồi con chồn đã bị bỏng lớn trên lưng. Nhưng sự trả thù của thỏ không kết thúc ở đó. Ngày hôm sau, thỏ đến thăm chồn nói rằng nó có một loại thuốc có tác dụng tốt, và bôi mù tạt vào vết bỏng trên lưng chồn. Thỏ nói với chồn đang gào khóc vì đau rát rằng “Thuốc tốt nên mới đau vậy đó!". Cuối cùng chồn đau quá cũng ngất đi. Nhưng lưng chồn cũng dần hồi phục sau khi bị bỏng. Thỏ bắt đầu đi vào kế hoạch trả thù cuối cùng. Lần này, thỏ gợi ý chồn câu cá để kiếm tiền. Thỏ hỏi chồn một con tàu lớn làm từ bùn và một con tàu nhỏ làm từ gỗ thì chọn cái nào tốt hơn. Con chồn tham lam đã chọn một con tàu lớn để có thể chở được nhiều cá và ra biển, nhưng vì đó là một con tàu bằng bùn nên nó nhanh chóng bị tan chảy ngoài khơi. Chồn chìm dần xuống biển và thấm thía nghe giọng của thỏ vang lên “Ta đã trả thù được cho ông lão rồi!".

Bài học

Bài học mà câu chuyện này nói đến là nếu bạn làm điều gì đó xấu, bạn sẽ bị trừng phạt. Mặc dù vậy, cách làm của thỏ có vẻ tàn nhẫn về mặt đạo đức xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc con chồn giết chết bà lão là điều ác không thể so sánh được với những trò nghịch ngợm tinh quái ở những câu chuyện khác. Tuy rằng hiện tại đã bị cấm, nhưng việc trả thù đã từng hợp pháp tại Nhật Bản từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Có những trường hợp mà nếu không trả thù thì sẽ không thừa kế được tài sản. Thế nên cũng đã từng có những gia tộc võ sỹ chuyên đi bảo vệ và trả thù cho những người phụ nữ, trẻ em hay người bệnh v.v… Và những hình phạt dành cho tội phạm thời đó chính là bị thiêu trong lửa hoặc làm cho chết đuối. Nói cách khác, con thỏ trong câu chuyện này đại diện cho một thẩm phán và dạy bài học rằng nếu bạn phạm tội, bạn sẽ luôn bị pháp luật xét xử. Tất nhiên, nó vẫn hoàn toàn khác với luật pháp và lẽ thường của Nhật Bản hiện tại, vì vậy cuốn sách tranh dành cho trẻ em hiện nay đã được viết lại để bà lão sẽ chỉ bị thương, và con chồn vẫn sẽ được cứu khi đang đuối nước để nó có cơ hội hoàn lương. Vì nếu vẫn giữ nguyên bản gốc thì câu chuyện sẽ quá bạo lực đối với trẻ em hiện tại.

Những nơi liên quan đến Kachikachi-yama

Trong bản gốc của câu chuyện thì không đề cập đến một địa điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, tiểu thuyết gia nổi tiếng Dazai Osamu trong nửa đầu thế kỷ 19 đã viết một cuốn tiểu thuyết về núi Kachikachi-yama. Và ông đã lấy ngọn núi Tenjou ở tỉnh Yamanashi làm bối cảnh cho tiểu thuyết.Đi cáp treo đến Công viên Kawaguchiko Tenjo-zan và ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của núi Phú Sĩ và hồ Kawaguchi được tô sắc theo mỗi mùa hoa. Có rất nhiều tượng thỏ và tượng chồn trên đường mòn đi bộ nên bạn có thể tận hưởng thế giới của câu chuyện cũng như mỹ cảnh nơi đây.

Địa danh Núi Tenjo-zan (天上山) (Ropeway núi Fuji)
Trang chủ https://www.mtfujiropeway.jp/
Số điện thoại 0555-72-0363
Địa chỉ 1163-1 Asakawa, Fuji-kawaguchikomachi, Minamitsuru-gun, tỉnh Yamanashi
Bản đồ
Giờ mở cửa 9:00 ~ 17:00 (tháng 12 ~ tháng 2 sẽ mở đến 16:30)
Phí cáp treo Chuyến khứ hồi: Học sinh THCS trở lên: 900 yên Học sinh tiểu học: 450 yên Chuyến một chiều: Học sinh THCS trở lên: 500 yên Học sinh tiểu học: 250 yên (miễn phí cho trẻ em dưới độ tuổi tiểu học nếu có người lớn đi kèm)