Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Fukagawa vào giữa tháng 8 tại Tokyo

Lễ hội Fukagawa được tổ chức tại khu vực sông Fukagawa của Koto-ku, Tokyo. Lễ hội này cùng với lễ hội Kanda và lễ hội Sanno gộp thành “Tam đại lễ hội của Edo", được tổ chức vô cùng hoành tráng và sôi động hằng năm.

Người Nhật có câu “Fukagawa có Mikoshi, Kanda có Dashi, còn Sanno có quy mô vô cùng hoành tráng". Nếu như đặc trưng của lễ hội Kanda là xe Dashi, tâm điểm của lễ hội Sanno là ngôi đền Hie – nơi thu hút rất nhiều người đến, thì “ngôi sao" của lễ hội Fukagawa chính là chiếc kiệu Mikoshi được trang trí lộng lẫy và cầu kì.

Lễ hội với chu kỳ 3 năm

Mặc dù được tổ chức hằng năm, nhưng nghi lễ từng năm của lễ hội Fukugawa lại có sự khác biệt.

Cứ 3 năm 1 lần, nghi lễ Honmatsuri (本祭) sẽ được tiến hành. Trong nghi lễ này, một đoàn người khiêng kiệu Mikoshi được trang trí lộng lẫy (gọi là Horen 鳳輦) – nơi các vị thần đang ngự toạ – đi diễu hành trên phố. Vào ngày hôm trước, người ta sẽ tụ họp khoảng hơn 120 chiếc kiệu Mikoshi lớn nhỏ khác nhau để tổ chức cuộc diễu hành với quy mô lớn. Chỉ riêng Mikoshi lớn cũng đã hơn 50 chiếc, vì thế, ai có dịp chiêm ngưỡng cũng đều sẽ kinh ngạc với mức độ hoành tráng của đoàn diễu hành.

Vào năm tiếp theo sau năm diễn ra Honmatsuri, người ta sẽ diễu hành trên đường phố cùng với một chiếc kiệu Mikoshi rực rỡ đính vô số ngọc ngà mà người dân gọi là Ninomiya Mikoshi (二宮神輿).

Thuở xưa, người dân nơi đây sử dụng 3 chiếc kiệu lộng lẫy do Kinokuniya Bunzaemon (紀伊国屋文左衛門) – một thương nhân nổi tiếng giàu có sống vào nửa sau thế kỷ 17 – quyên tặng, tuy nhiên những chiếc kiệu này đã bị thiêu rụi trong Đại thảm hoạ động đất Kanto xảy ra tại vùng Kanto vào năm 1923.

Đến hơn nửa thế kỉ sau, vào năm 1991, chiếc Mikoshi bằng vàng lớn nhất Nhật Bản được quyên tặng cho lễ hội. Tuy nhiên, với sức nặng 4.5 tấn, người ta không thể khiêng nổi nó. Vì vậy, người dân đã làm một chiếc kiệu Ninomiya Mikoshi khác dành cho lễ hội.

Năm tiếp theo sau đó, tức là năm thứ 3 trong chu kỳ sẽ có buổi diễu hành đường phố với chiếc kiệu Mikoshi “phiên bản nhí" mà người khiêng kiệu không ai khác chính là trẻ em trong thành phố.

Như đã trình bày, lễ hội Fukagawa được tổ chức theo chu kỳ 3 năm với nghi thức khác nhau theo từng năm của chu kỳ. Theo đó, năm 2019 là năm có đoàn diễu hành kiệu Mikoshi “phiên bản nhí", năm 2020 – năm có Thế vận hội Olympic Tokyo – cũng là năm diễn ra Honmatsuri, và năm 2021 sẽ là năm có Ninomiya Mikoshi.

Lễ hội tát nước

Ngoài đặc trưng nổi bật nhất của lễ hội Fukagawa là chiếc kiệu Mikoshi xa hoa lộng lẫy, lễ hội còn có nghi lễ tát nước vào đoàn khiêng kiệu, vì vậy nó có biệt danh là “Lễ hội tát nước". Người khiêng kiệu được tuyển chọn từ dân địa phương và các tình nguyện viên, nhưng việc tát nước thì ai cũng có thể tham gia được.

Khi tát nước, người ta múc nước vào các xô đựng rồi dùng xô tạt vào đoàn người khiêng kiệu, thậm chí ở những nơi có lắp đặt vòi cứu hoả người ta còn dùng chúng để tạo dòng nước mạnh. Mặc dù tháng 8 là thời điểm nóng nhất trong năm tại Nhật, nhưng cảnh tượng tại nơi diễn ra lễ hội lại không khác gì như có trận mưa lớn vậy.

Khi dự hội, có thể bạn sẽ bị ướt sũng từ đầu đến chân, vì vậy hãy chuẩn bị sẵn sàng trước khi đến nhé! Lễ hội, đến cuối cùng vẫn là một nghi lễ thiêng liêng diễn ra tại đền thờ Thần xã – vùng đất của các vị thần, nên việc mặc đồ tắm đến tham dự lễ hội là điều không nên đâu! Bạn hãy chuẩn bị trang phục đến dự hội sao cho có ướt cũng không sao nhé!

Tên lễ hội Lễ hội Fukagawa (深川祭)
Trang chủ http://www.baynet.ne.jp/fukagawamatsuri/
Địa điểm tổ chức chính Đền Tomioka Hachiman (富岡八幡宮), số 1-20-3 Tomioka, Koto-ku, Tokyo
Bản đồ
Thời gian diễn ra Vài ngày trước và sau ngày 15/8