Người anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Nhật Bản – Oda Nobunaga

Oda Nobunaga là một trong số những nhân vật lịch sử Nhật Bản được yêu thích nhất. Ông là thượng cấp của Tokugawa Ieyasu – người tạo nên Edo, và Toyotomi Hideyoshi – người tạo nên Osaka, và thậm chí đã đi trước họ một bước trong công cuộc thống nhất Nhật Bản. Bài này sẽ giới thiệu đôi nét về cuộc đời Nobunaga và những di sản ông để lại cho người Nhật ngày nay.

Xuất thân Oda Nobunaga

Oda Nobunaga sinh năm 1534, là con trai thừa tự của lãnh chúa xứ Owari (phía tây tỉnh Aichi ngày nay). Thời niên thiếu Nobunaga hay nói năng, hành xử khác lạ nên mọi người xung quanh thường lén gọi là kẻ đại ngớ ngẩn. Giữa lúc ấy, năm 1552 cha ông mất, Nobunaga lúc này mới 18 tuổi phải kế thừa gia nghiệp. Lên làm lãnh chúa rồi ông vẫn cứ nói năng, hành xử khác thường, kẻ trên người dưới khuyên can thế nào ông cũng vẫn chơi bời lêu lổng. Thấy vậy, thầy học của Nobunaga từ thuở ấu thơ, một nhân vật đức độ được mọi người tôn kính, đã tự sát. Một lòng muốn Nobunaga thức tỉnh, ông đã hi sinh mạng sống của mình để can gián. Trước lời khuyên đánh đổi mạng sống ấy, Nobunaga cuối cùng cũng tỉnh ngộ, từ đó quyết chí rèn luyện bản thân mạnh mẽ thành thủ lĩnh một xứ.

Nhật Bản bấy giờ đang là thời Muromachi, nhà Ashikaga nhiều đời là Tướng quân (shogun) cai trị đất nước. Song đã 200 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu thời Muromachi, quyền thế của Tướng quân đã suy yếu, những vụ việc người dưới dùng vũ lực chống lại kẻ trên liên tiếp nổ ra khắp nơi, tình thế vô cùng rối ren. Giới samurai (võ sĩ) trên toàn quốc bị cuốn vào vòng xoáy chiến loạn triền miên. Người ta gọi giai đoạn 100 năm nửa sau thời Muromachi là thời Chiến quốc.

Người Nhật Bản bấy giờ quá chán nản với chiến tranh liên miên không dứt. Mặt khác, trong xã hội một bộ phận samurai và đền chùa có thế lực tìm cách thâu tóm mọi quyền lực, của cải, đưa đến tình trạng cá nhân có cố gắng mấy cũng không gặt hái được gì, cảm giác bế tắc bao trùm cả nước. Giá như có ai đứng ra thống nhất đất nước, chấm dứt cảnh chiến loạn này… là điều mà nhiều người đều mong mỏi. Đúng lúc này nổi lên Nobunaga. Với những ý tưởng mới mẻ, linh hoạt, năng lực hành động xuất chúng, ông bắt đầu gom nước Nhật chia cắt, kiệt quệ về một mối.

Người biết đánh giá thực lực

Nobunaga nổi tiếng là biết nhìn nhận và đánh giá đúng thực lực của mỗi người chứ không dựa vào quan hệ thân thích. Ông đã liên tiếp nhìn ra nhiều người có năng lực mặc dù xuất thân thấp kém rồi tích cực trọng dụng, dẫn dắt họ thành những thuộc cấp tài ba.

Chẳng hạn như Toyotomi Hideyoshi, người bình định thời cuộc, hoàn thành thống nhất Nhật Bản sau khi Nobunaga mất, cũng là một trong số đó. Hideyoshi đi theo Nobunaga vào khoảng năm 1554. Ông vốn không thuộc tầng lớp võ sĩ mà xuất thân nhà nông thấp hèn. Ban đầu ông làm người hầu cận bên cạnh Nobunaga. Một hôm trời lạnh, ông lấy đôi dép rơm cho vào vạt áo để làm ấm rồi mới đưa cho chủ nhân. Tình cờ chứng kiến, Nobunaga không bỏ sót tài linh hoạt ứng biến ấy. Mới đầu ông giao cho một đội quân nhỏ để thử tài Hideyoshi, dần dần cho chỉ huy quân số lớn hơn, đến sau cùng thì giao chức tư lệnh thống lĩnh cả đại quân.

Đại thắng trong trận Okehazama

Lại nói… năm 1560 xảy ra một sự biến có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời Nobunaga kể từ đó về sau. Đó là Imagawa Yoshimoto, đại lãnh chúa xứ láng giềng, đem quân tiến đánh chiếm Owari. Nobunaga lúc bấy giờ thế lực còn yếu, ví như là giám đốc một “doanh nghiệp nhỏ" vậy. So với “doanh nghiệp lớn" như Imagawa, quân lực của Nobunaga chỉ như châu chấu đá xe, đụng độ chính diện tuyệt đối không thắng nổi. Ai nhìn qua cũng cho là thảm cảnh, tuyệt lộ. Nhưng Nobunaga đã rất can đảm.

Ông đưa quân mai phục trên đường núi nhỏ hẹp Okehazama chờ đại quân của Imagawa tiến đến, thực hiện nhiều kế sách tung hoả mù khiến đối phương lơ là, rồi bất thần tập kích. Imagawa Yoshimoto chỉ huy đại quân trong một địa bàn nhỏ hẹp lại thành ra bất lợi, kết quả chung cuộc Nobunaga chiến thắng oanh liệt.

Tượng đồng Oda Nobunaga (bên trái) và Imagawa Yoshimoto ở Di tích chiến trường Okehazama. Trận này Nobunaga trẻ tuổi thắng áp đảo.

Trận Okehazama vẫn được truyền tụng cho đến ngày nay là trận chiến mà quân một xứ nhỏ đánh bại tơi bời quân một xứ lớn mạnh hơn. Địa điểm diễn ra trận chiến còn lại nhiều di tích, trong số đó có công viên Di tích chiến trường Okehazama với khu vườn sa bàn tái hiện địa hình và chiến luỹ thời bấy giờ. Có tour tham quan Di tích chiến trường Okehazama có hướng dẫn, có cả tiếng Anh. Phí tham quan có hướng dẫn là 1.000 JPY một người, tối đa 15 người. Cần đặt trước ít nhất một tuần.

Tên Di tích chiến trường Okehazama (桶狭間古戦場)
Trang chủ https://okehazama.net/
Điện thoại 090-7861-8413 (Hội bảo tồn Di tích chiến trường Okehazama)
Địa chỉ Okehazama, Midori-ku, thành phố Nagoshi, tỉnh Aichi
Bản đồ
Giờ mở cửa 24/7

Sau thắng lợi trước Imagawa Yoshimoto, Nobunaga liên minh với Tokugawa Ieyasu (người
sau khi Toyotomi Hideyoshi thống nhất nước Nhật và chết đi, đã trở thành thủ lĩnh của toàn
cõi Nhật Bản, mở đầu Thời đại Edo) giờ đây đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nhà Imagawa cùng với các lãnh chúa lân cận, bành trướng thế lực của mình.

Trở thành con người quyền lực

Năm 1565, Tướng quân, người nắm quyền cao nhất, bị thuộc hạ sát hại ở Kyoto, kinh thành Nhật Bản lúc bấy giờ. Thời Muromachi vậy là đến ngày tàn. Em trai Tướng quân là Ashikaga Yoshiaki bỏ trốn khỏi Kyoto, tìm đến Nobunaga cầu cứu. Nobunaga đánh bại thế lực chống Yoshiaki ở Kyoto rồi đưa Yoshiaki lên làm Tướng quân thứ 15 thành công.

Nobunaga dốc sức khôi phục uy quyền cho Tướng quân, đánh thắng vô số trận, nhưng đến tháng 12 năm 1572, trong trận Mikatagahara ở khu vực tỉnh Shizuoka ngày nay, ông bị thua. Việc này làm Tướng quân Yoshiaki cảm thấy bất an, quan hệ với Nobunaga cũng có chiều hướng xấu đi. Năm sau đó, Nobunaga đuổi Tướng quân ra khỏi Kyoto, quay sang phò trợ Thiên hoàng lúc này đã suy vi. Về sự kiện này tôi cũng đã có bài giới thiệu.

Nhờ liên minh với Thiên hoàng, thế lực Nobunaga ngày càng lớn mạnh. Có rất nhiều người trong giới samurai bất mãn chuyện này, nhưng rồi Nobunaga qua nhiều trận chiến đã áp chế, thu phục họ về dưới trướng mình, rồi dần dần trở thành samurai hùng mạnh nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Ông chiếm lĩnh địa bàn rộng lớn ở ngay trung tâm nước Nhật, và rồi cũng bắt đầu để mắt đến việc thống nhất toàn cõi Nhật Bản.

Thành Azuchi – biểu tượng quyền lực của Nobunaga

Năm 1576, Nobunaga cho xây thành Azuchi. Nằm ven bờ hồ Biwa lớn nhất Nhật Bản, toà thành nguy nga tráng lệ như thể tượng trưng cho quyền lực to lớn của Nobunaga. Đáng tiếc là ngày nay chỉ còn sót lại bờ tường thành bằng đá, song qua các tranh ảnh và ghi chép thời bấy giờ, ta cũng có thể hình dung phần nào vẻ bề ngoài của thành Azuchi.

Chẳng hạn ở Bảo tàng khảo cổ thành Azuchi gần đó có trưng bày các hiện vật khai quật và mô hình phục nguyên của toà thành. Tại Triển lãm quốc tế Spain – Sevilla năm 1992, ở Bảo tàng thành Azuchi – Nhà của Nobunaga có mô hình toà thành bằng kích thước thật.

Thành Azuchi phục dựng kích thước thật ở Làng văn hoá Azuchi – Momoyama, thành phố Ise tỉnh Mie

Bảo tàng tư liệu thành Azuchi thì trưng bày mô hình toà thành tỷ lệ 1:20. Ở đây bạn còn có thể uống thử thứ cà phê Roma tương truyền Nobunaga từng nếm thử và mặc thử bộ giáp sao phỏng lại bộ giáp Nobunaga từng mặc.

Tên Di tích lâu đài Azuchi (安土城跡)
Trang chủ https://www.biwako-visitors.jp/spot/detail/831
Điện thoại 0748-46-4234 (Trung tâm thông tin du lịch trước nhà ga Azuchi)
Địa chỉ Shimotoira, Azuchi-cho, thành phố Omihachiman, tỉnh Shiga
Bản đồ
Giờ mở cửa 9:00 – 16:00 (thay đổi theo mùa)
Vé vào cổng Người lớn 700 JPY, trẻ em 200 JPY

Bỏ mình tại chùa Honnōji

Ngày 2 tháng 6 năm 1582, Nobunaga chiến đấu với quân địch ở vùng Shikoku. Một thuộc cấp của ông là Akechi Mitsuhide được lệnh đem quân chi viện bỗng nhiên làm phản, tấn công nơi ở của Nobunaga ở Kyoto là chùa Honnōji. Không hề lường trước việc thuộc hạ thân tính bấy lâu nay làm phản, Nobunaga bị dồn vào thế chân tường.

Mới đầu ông cũng cầm lấy vũ khí chiến đấu ngoan cường, song phía Akechi quân số áp đảo, lại chuẩn bị chiến đấu đầy đủ, còn Nobunaga đến giáp trụ cũng không có, dưới trướng chỉ vỏn vẹn dăm ba người hầu cận. Thấy rõ tình cảnh, Nobunaga đã tự tay phóng hoả chùa, thực hiện nghi thức seppuku (mổ bụng tự sát) giữa biển lửa. Bởi vì đối với người samurai lúc bấy giờ, bị kẻ thù bắt làm tù binh là điều vô cùng nhục nhã. Thế là đại nghiệp thống nhất Nhật Bản của Nobunaga nửa đường đứt gánh. Lúc đó ông mới 49 tuổi.

Dẫu vậy, vì sao Akechi Mitsuhide trung can nghĩa đảm lại trở cờ phản lại Nobunaga, cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn trong giới nghiên cứu lịch sử. Sau sự biến, Mitsuhide toan thay thế Nobunaga thống lĩnh Nhật Bản nhưng không thành công, 14 ngày sau ông bại trận trước Toyotomi Hideyoshi và bị giết. Hideyoshi nhanh chóng trả được thù cho chủ nhân nên cũng chiếm được cả lòng trung thành của các thuộc cấp của Nobunaga. Ông đánh thắng thêm nhiều trận rồi thống nhất Nhật Bản, sau cùng cũng đã đặt dấu chấm hết cho thời loạn thế kéo dài hơn 100 năm.

Chùa Honnōji còn lại đến ngày nay là do Hideyoshi di dời và xây lại. Ở vị trí chùa Honnōji ban đầu nay chỉ còn một bia đá.

Tên Di tích chùa Honnōji (本能寺跡)
Trang chủ https://ja.kyoto.travel/tourism
Điện thoại 075-343-0548 (Trung tâm thông tin du lịch Kyoto)
Địa chỉ Motohonnoji-cho, Takoyakushi, Ogawa-doori, Chukyo-ku
Bản đồ
Giờ mở cửa 24/7

Di sản của Nobunaga

Thời chiến loạn liên tiếp 100 năm nhờ công của Toyotomi Hideyoshi mà khép lại, sau đó Tokugawa Ieyasu kế tục, mở đầu thời đại Edo toàn cõi Nhật Bản hoan ca hoà bình. Thời Edo thái bình kéo dài 270 năm. Phân kỳ lịch sử Nhật Bản cho đến thời Chiến quốc gọi là trung đại, từ thời Edo trở về sau là cận đại, vậy giai đoạn này là cột mốc lịch sử trọng đại chuyển tiếp từ thời đại cũ sang thời đại mới. Song nhân vật mở ra cánh cổng thời đại mới không phải là Hideyoshi hay Ieyasu mà thực sự chính là Oda Nobunaga.

Vậy Nobunaga đã để lại gì cho người Nhật cũng như mọi người trên thế giới? Nobunaga là anh hùng lịch sử Nhật Bản, bậc hiền tài đã phát huy tài năng xưa nay hiếm trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, kinh tế và quân sự, làm thay đổi căn bản cục diện thời cuộc bấy giờ. Thế nên câu hỏi này không chỉ có một câu trả lời mà có nhiều quan điểm khác nhau. Theo cá nhân tôi, phải chăng việc chính bản thân ông cho thế gian thấy rằng “để biến hoà bình thành hiện thực, hi sinh lớn lao là xứng đáng" là điều ông gửi gắm cho chúng ta ngày nay?

Nobunaga gần như dành trọn đời mình cho chiến tranh, có lúc tận diệt quân địch bằng cách thức cực kỳ tàn bạo, khiến cho kẻ thù sợ ông như ma quỷ. Song mục đích cuối cùng của ông cũng không ngoài việc thống nhất đất nước lúc bấy giờ chia năm xẻ bảy, chiến loạn triền miên suốt 100 năm trời, đem lại hoà bình cho muôn dân. Để cho người dân Nhật thời bấy giờ được đánh giá đúng theo năng lực thay vì địa vị hay xuất thân và được sống tự hào là một thành viên của xã hội, ông đã chọn con đường dành phần lớn đời mình vào chiến tranh. Sau cùng, ông bị thuộc hạ phản bội có lẽ vì họ đã không hiểu được cái chí của ông, để rồi có một kết cục thật bi tráng. Để biến hoà bình thành hiện thực, hi sinh lớn lao cỡ nào cũng xứng đáng để bỏ ra. Cuộc đời của Nobunaga là minh chứng sống động cho điều đó.

Đã hơn 400 năm trôi qua kể từ khi Nobunaga mất đi, trên thế giới vẫn còn tràn ngập chiến tranh và sự đối địch. Tôi cảm thấy như Nobunaga qua cách sống của mình đang đặt ra cho con người hiện đại chúng ta câu hỏi rằng… Để có được hoà bình liệu chúng ta đã sẵn sàng hi sinh cái gì của bản thân hay chưa?