Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Soma Nomaoi cuối tháng 7 tại tỉnh Fukushima

Khi nhắc tới võ sĩ Nhật Bản, bạn sẽ nghĩ tới hình ảnh như thế nào? Những bộ giáp sắt mà các võ sĩ mặc trên người được trưng bày tại các bảo tàng trên khắp Nhật Bản, và chúng ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh này tại các lễ diễu hành trong các lễ hội đấy.

Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ rằng chỉ có thể nhìn thấy cảnh võ sĩ mặc giáp, cưỡi ngựa, đánh trận ở trong phim không? Ấy thế mà trên thực tế, ngay cả trong thời hiện đại này, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy cảnh “võ sĩ đánh trận" trong lễ hội được tổ chức tại thành phố Soma, tỉnh Fukushima.

Nguồn gốc của Lễ hội Soma Nomaoi (đuổi bắt ngựa hoang tại Souma)

“Noma" là từ dùng để chỉ ngựa hoang. Vào thế kỷ thứ 10, các võ sĩ hay thả ngựa hoang trên đồng cỏ, coi đó như quân địch để tập đánh trận, và Nomaoi (đuổi ngựa hoang) cũng bắt đầu từ đó. Bước vào khoảng thế kỷ thứ 13, các hoạt động huấn luyện trong quân đội được tổ chức tại các địa phương dần bị hạn chế, tuy nhiên Nomaoi tại Soma được tổ chức dưới hình thức “nghi lễ trong đền thờ thần đạo" thì vẫn được duy trì.

Vào thế kỷ thứ 19, khi có giao tranh giữa Mạc phủ Edo và chính quyền Minh Trị, tỉnh Fukushima đã đứng về phía Mạc phủ để đấu tranh nhưng lại bại trận. Lúc đó, toàn bộ ngựa hoang bị săn bắt hết, nên lễ hội cũng biến mất một thời gian.

Tuy nhiên sau khi bước vào thời kỳ Minh Trị, được sự cho phép của chính phủ, lễ hội được phục hồi và hiện tại được chỉ định là tài sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản.

Ngày nay, ngựa được dùng trong Nomaoi không còn là ngựa hoang nữa, tuy nhiên những chú ngựa này cũng được tập dợt kỹ càng cho lễ hội dưới bàn tay của các kỵ sỹ để có thể tái hiện lại cảnh tập trận thời xưa một cách an toàn.

Những điểm nổi bật của lễ hội Soma Nomaoi

Do vốn là huấn luyện quân sự, nên tại lễ hội, quân lính được chia làm 3 đội quân với 3 doanh trại đặt tại 3 đền thờ lớn, đó là Soma Nakamura, Soma Oota và Soma Odaka.

Trong ngày đầu tiên của lễ hội, các đền thờ tiến hành nghi lễ xuất quân, sau đó các đội quân tập hợp tại Hibarigahara Saijouchi, nơi tổ chức lễ hội, và tiến hành đua ngựa theo kiểu cổ xưa.

Ngày thứ hai, sau khi tổ chức diễu hành toàn quân, cuộc đua ngựa lại được diễn ra. Ngày hôm đó, các võ sỹ sẽ được mặc giáp. Áo giáp được chế tạo lại khá nhẹ để dễ cưỡi ngựa, tuy nhiên cờ mà các võ sĩ mặc giáp cầm lại là đồ được truyền từ đời này qua đời khác. Hình ảnh cờ phần phật tung bay và tiếng áo giáp leng keng thực sự gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.

Sau đó cuối cùng cũng tới nghi lễ lớn nhất – giành cờ thần “Shinkisoudatsusen". 500 kỵ sỹ của toàn quân tập trung lại trên đồng cỏ, cùng tranh lấy cờ rơi xuống sau khi được bắn ra từ pháo hoa. Họ hoàn toàn không dùng gươm kiếm, nhưng cảnh tượng ấy thật giống như cảnh đánh trận xưa kia.

Sau mỗi phát pháo hoa sẽ có hai lá cờ rơi xuống. Các kỹ sỹ sẽ giành nhau tổng cộng 40 lá cờ cho 20 phát pháo hoa.

Ngày cuối cùng chỉ được tổ chức tại đền Odaka. Các kỵ sỹ dồn đuổi ngựa không mang yên vào bên trong sân đền thờ, tái hiện lại lễ bắt ngựa thuở xưa. Trong những con bị dồn vào sân đền, họ lấy một chiếc bút dài làm bằng tre đánh dấu lên con ngựa hoang dã nhất, sau đó thanh niên trai tráng trẻ tuổi mặc đồ trắng (Shiroshouzoku) bắt ngựa bằng tay không và tế lên đền thờ.

Tên gọi Soma Nomaoi (相馬野馬追)
Trang chủ http://soma-nomaoi.jp/
Số điện thoại 0244-22-3064 (phòng giao lưu du lịch thành phố Minamisoma)
Địa điểm Địa điểm tổ chức chính: Hibarigahara Saijouchi, 4-13-27 Hashimoto-cho, Haramachi-ku, thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima
Bản đồ
Thời gian tổ chức Ngày thứ 6, thứ 7, Chủ Nhật cuối cùng của tháng 7

Những lưu ý khi tới xem lễ hội

Ngày thứ nhất và ngày thứ ba tổ chức lễ hội, ai cũng có thể tự do tới xem, tuy nhiên ngày thứ hai diễn ra đua ngựa và giành cờ thần thì có tính phí. Vé dành cho các đoàn thể được bán ra từ tháng 4, và vé dành cho cá nhân được bán ra từ tháng 6. Vé cho cá nhân cũng có thể mua được trong ngày diễn ra lễ hội. Vì không có ghế ngồi nên sẽ không có chuyện bán hết vé, nhưng nếu bạn từ xa tới thì nên chọn tour nghỉ đêm có kèm vé xem hội nhé!

Khu vực dành cho khách xem lễ hội là các bậc thoai thoải nên dù ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể nhìn bao quát, nhưng bạn nhớ mang theo bạt trải nhé. Ngoài ra cũng không có mái che nên bạn nhớ chuẩn bị cả các biện pháp tránh nắng nhé.

Thêm vào đó, việc chụp hình cần được cấp phép trước, và có tính phí nên bạn cũng cần lưu ý nhé! Nếu bạn xin được phép và mua được giấy phép thì bạn có thể chụp những tấm hình vô cùng ấn tượng ở cự ly rất gần đấy!