Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (10) – Cuộc chiến giữa Thiên Hĩoàng và giới võ sĩ

Ở “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 9)“, tôi đã kể cho các bạn về việc giới võ sỹ nắm trong tay quyền lực chính trị, và Minamoto no Yoritomo – người được phong là Tướng quân vào thế kỷ thứ XII đã lập nên một kinh đô của giới võ sỹ tại thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa.

Đền Tsurugaoka Hachimangu, nay vẫn nằm ở trung tâm Mạc phủ Kamakura

Hệ thống chính trị do Yoritomo lập ra ở Kamakura được gọi là Mạc phủ Kamakura (Kamakura Bakufu), và thời đại sau đó gọi là “Thời đại Kamakura".

Những võ sỹ thân phận thấp có được quyền lực

Tuy nhiên, Yoritomo đột ngột qua đời, những người con của ông cũng đều chết trẻ.
Vì vậy, người có vị trí cao thứ 2 ở Mạc phủ Kamakura, người phụ tá cho Tướng quân là Hojo Yoshitoki đã cho gọi một đứa trẻ trong gia đình quý tộc từ Kyoto đến Kamakura và phong làm Tướng quân.

Tuy nhiên, Hoàng gia và giới quý tộc tại Kyoto đã quá chán ghét việc những võ sỹ có địa vị thấp kém lại nắm quyền lực trong tay rồi. Hơn nữa, họ cũng không thể chịu đựng việc Hojo Yoshitoki – kẻ có thân phận còn thấp hơn Yoritomo – tiếp xúc với họ với vai vế ngang bằng như thế được.

Bên cạnh đó, ở Kamakura có những võ sỹ phản đối việc gia tộc Hojo coi thường hậu duệ của Yoritomo và luôn cố gắng giữ chặt quyền lực trong tay. Họ cùng Hoàng gia và giới quý tộc ở Kyoto bí mật tiến lên lật đổ Hojo Yoshitoki.

Cuối cùng, Thượng Hoàng Gotoba đã ban lệnh truy sát Hojo Yoshitoki. Tuy nhiên, phía gia tộc Hojo đã nói rằng “Nếu không có Yoshitoki thì kinh thành Kamakura được xây dựng từ quyền lực của võ sỹ cũng sẽ biến mất!", ông động viên thuộc hạ và lên đường quyết tử.

Bức tranh chân dung của Thượng Hoàng Gotoba

Đây chính là trận chiến xảy vào năm 1221, được đặt tên theo niên hiệu của Nhật Bản thời bấy giờ là “Cuộc chiến Jokyu". Đây là cuộc chiến duy nhất trong lịch sử Nhật Bản mà quân đội của Thiên Hoàng và quân đội của võ sỹ chiến đấu trực diện với nhau.

Cuộc chiến Jokyu – Bước ngoặt của Nhật Bản

Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng “Đội quân Kamakura sẽ bại trận mất!". Và chính quân Kamakura cũng đã có suy nghĩ rằng mình sẽ chết một cách đường đường chính chính và chiến đấu trong tinh thần sẵn sàng đối mặt với cái chết.

Thế nhưng, Kyoto thời đó đã trải qua 40 năm liền không có chiến tranh, vì vậy mà tất cả chỉ huy lúc đó đều là những người chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Hơn nữa, những người có xuất thân quý tộc với sự tự cao tự đại đã xem thường những võ sỹ có địa vị thấp kém.

Ngược lại, quân đội Kamakura vốn đã quen với việc chiến đấu. Hơn thế nữa, họ còn chiến đấu với một tinh thần đồng lòng “Có chết cũng phải bảo vệ Kamakura – Kinh đô của võ sỹ". Thế nên ngay từ đầu, đây đã không còn là một cuộc chiến nữa rồi.

Kết quả là đội quân Kamakura giành thắng lợi. Hojo Yoshitoki lưu đày Thượng Hoàng Gotoba cùng họ hàng đến đảo Oki, tỉnh Shimane và trừng phạt những quý tộc, võ sỹ thuộc phe của Thiên Hoàng.

Ngôi mộ của Thượng Hoàng Gototba ở đảo Oki

Và để Kyoto không tấn công Kamakura nữa, ông đã cho xây dựng một trụ sở phụ của Mạc phủ Kamakura tại Rokuhara, Kyoto, lấy tên là “Rokuhara Tandai". Bên cạnh đó, ông phong một thành viên Hoàng gia đã ủng hộ Mạc phủ Kamakura trở thành Thiên Hoàng và ban chức Đại thần cho các quý tộc đồng minh.

Kể từ đó, võ sỹ nắm trong tay quyền điều khiển chính trị, quyền lực của Thiên Hoàng thì ngày một yếu đi. Sau cuộc chiến này, thời đại Kamakura tồn tại thêm khoảng 100 năm nữa.