Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (4) – Tham vọng của dòng họ Soga

Trong bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 3)“, tôi đã giới thiệu đến các bạn về vị Đại thần Soga no Umako đầy tham vọng, Nữ hoàng anh minh Suiko và Thái tử Shotoku, một vị thái tử vô cùng thông minh tài giỏi.

Cái chết của Thái tử Shotoku và sự độc tài của dòng họ Soga

Đó là khoảng thời gian mà Nhật Bản được Trung Quốc trả lại độc lập và được công nhận là một quốc gia. Có lẽ Nhật Bản đã thái bình nếu Thái tử Shotoku lên ngôi Thiên Hoàng.

Tuy nhiên, Thái tử Shotoku đã qua đời vào năm 622 vì bạo bệnh. Và mặc dù trước đây đã cùng hợp tác nhưng Thái tử Shotoku và Umako vẫn giữ mối quan hệ thù địch. Sau cái chết của Thái tử Shotoku, Thiên Hoàng Suiko tiếp tục kiềm hãm tham vọng của Umako. Cuối cùng, năm 626, Umako qua đời, và Thiên Hoàng Suiko cũng băng hà vào năm 628.

Thiên Hoàng thứ 35, Jomei, được chính con trai của Soga no Umako – Emishi đưa lên ngôi. Tuy nhiên, người nắm quyền thực sự lại chính là Emishi, và một lần nữa, quyền lực của cả triều đình lại lọt vào tai dòng họ Soga.

Sau khi Thiên Hoàng Jomei qua đời, do vẫn chưa quyết định được người nối dõi nên vợ – và cũng là cháu họ của vị Thiên Hoàng này – đã lên nối ngôi, được gọi là Thiên Hoàng Kogyoku. Trong thời kỳ này, một sự kiện lớn đã xảy ra. Iruka, con trai của Soga no Emishi, cũng là người tiếp tục đảm nhận vị trí của ông, đã thông đồng với các vị Thái tử khác, âm mưu phá hủy gia đình con trai của Thái tử Shotoku – người cản trở tham vọng của ông.

Thất bại của dòng họ Soga và cải cách Taika

Thế nhưng, một Thái tử khác là Naka no Ooe đã hợp tác với kẻ thù của dòng họ Soga, chính là Trung thần Nakatomi no Kamatari, ám sát Soga no Iruka vào năm 645. Từ đó, quyền lực được trao trả lại cho Thiên Hoàng, và Thiên Hoàng Kogyoku cũng đã trao lại ngôi vị cho em trai, thời đại của vị Thiên Hoàng Kotoku cũng bắt đầu từ đó.

Bức tranh cổ mô tả việc ám sát Soga no Iruka

Thiên Hoàng Kotoku dự định trao lại ngai vàng cho Thái tử Naka no Ooe, người thực sự có công trong vụ ám sát Soga no Iruka, nhưng ông đã từ chối và muốn phò tá cho Thiên Hoàng với vai trò là Thái tử như hiện tại. Trung thần Nakatomi no Kamatari cũng trở thành người phụ tá của Thái tử Naka no Ooe.

Và đối với chính trị từ trước đến nay vẫn nhuốm đầy quyền lực của dòng học Soga, ông cũng đã thực hiện một cuộc cải cách lớn.

Một trong những cải cách lớn chính là việc Nhật Bản bắt đầu sử dụng “niên hiệu" phỏng theo Trung Quốc. Từ trước đến nay, từng thời kỳ của từng Thiên Hoàng vẫn luôn được gọi theo cách lấy năm mà Thiên Hoàng lên ngôi: “Thiên Hoàng … năm …". Cải cách lần này được lấy tên theo tên của niên hiệu đầu tiên: Cải cách Taika.

Từ đó cho đến nay, Nhật Bản không chỉ sử dụng năm dương lịch mà còn sử dụng năm theo niên hiệu nữa. Cứ mỗi khi có tai họa hoặc những chuyện không hay xảy ra, Nhật bản lại thay đổi niên hiệu với ý nghĩa thay đổi nhân gian. Tuy nhiên, từ năm 1968 trở đi, mỗi niên hiệu sẽ gắn với một vị Thiên Hoàng.

Vào ngày 1/5/2019 sắp tới đây, vị Thiên Hoàng đương nhiệm sẽ từ ngôi. Vì vậy mà niên hiệu hiện tại cũng sẽ được thay đổi sau 31 năm.
Niên hiệu mới này sẽ là niên hiệu thứ 232 kể từ niên hiệu Taika đầu tiên, và sẽ được công bố vào ngày 1/4/2019, vì vậy mà người dân khắp Nhật Bản đang rất háo hức.

Đọc tiếp tại “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 5)".