Đặc trưng mùa thu Nhật Bản – Các sự kiện gắn liền mùa thu thơ mộng

Phần tiếp theo của loạt bài về “Đặc trưng mùa Thu Nhật Bản" xin được phép tiếp tục! Ở phần 1, tôi đã giới thiệu về những sinh vật khiến chúng ta liên tưởng đến mùa Thu rồi, nên lần này, bài viết sẽ giới thiệu về “Các sự kiện" của mùa Thu nhé!

Iwashigumo (đám mây cá mòi)

Người Nhật thường đặt tên cho rất nhiều hiện tượng tự nhiên, những đám mây cũng không phải là ngoại lệ. Vì hình dáng của nó rất giống với đàn cá mòi đang bơi nên được đặt tên là “đám mây cá mòi", và đám mây này được xem như một dấu hiệu báo mùa Thu đến. Đám mây này còn được gọi là “đám mây vảy cá" vì nhìn cũng giống vảy cá, hoặc “đám mây cá thu" vì nhìn giống lưng đàn cá thu nữa chứ!

Như đã giới thiệu ở “Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Phần khác“, đám mây khiến ta liên tưởng đến mùa Hè nhiều nhất chính là Nhập đạo vân. Nhưng khi mùa hè kết thúc, các khối không khí chuyển sang Thu thì nhập đạo vân cũng dần biến mất, thay vào đó sẽ là những đám mây cá mòi phủ kín bầu trời. Mỗi ngày, việc đưa tầm mắt lên trời ngắm những đám mây và cảm nhận sự chuyển giao giữa các mùa là một phần trong cuộc sống thường ngày của người dân Nhật Bản.

Bão – điều không mong đợi

Những hiện tượng tự nhiên được thấy vào mùa Thu chắc chắn không phải cái gì cũng êm đềm cả. Ở Nhật Bản, cứ đến mùa Thu, mỗi năm đều có rất nhiều cơn bão ập đến. Bão là hiện tượng mà áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Philippines dần tiến lên phía bắc, tiếp cận vào quần đảo Nhật Bản thì phát triển thành những áp thấp lốc xoáy lớn, tạo ra khu vực có gió to và gió lớn, hoặc đi ngang qua quần đảo gây ra các thiệt hại không hề nhỏ. Gần đây, do sự nóng lên của trái đất mà mùa Hè đã dần trở thành thời điểm nhiều cơn bão xuất hiện còn hơn cả mùa Thu. Năm nay có vẻ như là một minh chứng rõ ràng nhất, khu vực Kyushu và Osaka đã thiệt hại rất lớn.

Dù có như thế nào, đối với người Nhật thì những cơn bão vẫn là những “phong cảnh không vui". Mỗi khi bão đến gần, mọi người chỉ còn cách là khoá kín cửa và ở trong nhà, cầu mong cho cơn bão chóng đi qua.

Ngắm trăng – khoảnh khắc thơ mộng

Ngắm trăng là điều mà người Nhật xưa thường hay làm, họ ngắm vầng trăng tròn và tận hưởng những thời khắc đẹp đẽ đó. Khoảng 2000 năm trước ở thời Jomon, người ta đã hay nói rằng yêu trăng cũng là một phần phong tục tại Nhật Bản. Thế nhưng, 1 năm có đến 12 hoặc 13 lần trăng tròn, nghĩa là quanh năm đều có thể ngắm được, vậy tại sao ngắm trăng lại là một phong cảnh của mùa Thu? Thật ra theo góc độ của mặt trời và mặt trăng, trăng tròn chính là thời khắc có thể xem được một cách to và rõ nhất, và thời điểm đó tại Nhật chính là vào chính Thu (giữa tháng 9). Vì thế, ánh trăng tròn lúc này gọi là “trăng Trung Thu" (nghĩa là có thể nhìn thấy ánh trăng đẹp nhất vào chính Thu), nên chính Thu đã trở thành thời gian ngắm trăng thích hợp nhất.

Thêm vào đó, mùa Thu cũng chính là mùa thu hoạch các nông sản như gạo, khoai, đậu, hồng và hạt dẻ. Người Nhật vào thời khắc này sẽ dùng những nông sản họ thu hoạch được như một món quà để dâng lên các vị thần. Nó như một niềm vui mà nếu chỉ bản thân mình hưởng thụ thì sẽ cảm thấy có lỗi. Chẳng phải nhờ phong tục ngắm trăng này mà ta càng thấy rõ được tính cách khiêm nhường của Nhật hay sao?

Hội thi thể thao

Cho đến bây giờ, tại các trường học ở Nhật Bản thì tổ chức cuộc thi vận động đã là một thông lệ mỗi mùa Thu. Nguồn gốc của nó có lẽ chính là sự quay lại của Olympic Tokyo năm 1964. Ở Nhật Bản thì đó là lần đầu tiên Olympic được tổ chức vào mùa Thu. Buổi khai mạc năm ấy là ngày 10 tháng 10, nhưng cho đến tận bây giờ ngày này vẫn được gọi là ngày thể thao, được xem là ngày nghỉ lễ thường niên tại Nhật Bản. Từ đó trở đi, cụm từ “mùa Thu thể thao" được sinh ra và được người Nhật cho rằng “mùa Thu là mùa tận hưởng các môn thể thao". Theo quá trình quan sát của Nhật Bản, tỉ lệ trời đẹp của ngày 10 tháng 10 là 70%, cao nhất trong năm. Chính vì lí do này, rất nhiều các trường học đã tổ chức lễ vận hội vào mùa Thu. Từ đó, hội thao luôn được xem là một trong những đại diện cho mùa Thu.

Nói như vậy nhưng gần đây, số trường tổ chức hội thao vào mùa Xuân đang tăng lên. Có khá nhiều lí do ví dụ như:

・Vì mùa nhập học của Nhật bản bắt đầu vào tháng 4 nên nếu tổ chức vào tháng 5 sẽ khiến tình bạn của cả lớp sẽ sâu đậm hơn và tính đoàn kết cũng sẽ cao hơn
・Có rất nhiều hoạt động trong năm cùng tập trung vào mùa Thu, vì vậy nên chia đều các hoạt động ra
・Vì khi lên cấp 3, mùa Thu sẽ là mùa bận rộn cho kì thi cử nhất
・Vì mùa thu có thể có bão ập đến dễ làm thời tiết xấu đi, nên sẽ tốt hơn nếu tổ chức vào lúc có thời tiết ổn định như mùa xuân

Hiện tại vẫn còn khá nhiều người liên tưởng đến mùa Thu khi nhắc đến hội thao nhưng có vẻ nó sẽ dần thay đổi theo thời gian.

Hồng diệp (lá đỏ, lá vàng) – bức tranh đặc sắc và lãng mạn

Vào mùa thu, hiện tượng lá cây chuyển sang màu đỏ, vàng hoặc cam được gọi là “Hồng diệp". Bức ảnh trên là Hồng diệp tại Arashiyama ở Kyoto, lá cây màu lục đổi sang những màu đẹp như thế này luôn là lí do khiến du khách tham quan mỗi năm ngày càng đông.

Không cần leo núi, ta vẫn có thể xem được Hồng diệp.

Bức ảnh này là Hồng diệp của hàng cây bạch quả tại Jingugaien ở trung tâm Tokyo. Hàng loạt các cây bạch quả hơn 100 năm tuổi như nhuộm màu vàng như thế này khiến người xem tập trung rất tấp nập. Đây là thời điểm từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12.

Thế nhưng, cơ chế nào đã khiến lá cây màu xanh lại có thể biến đổi thành màu đỏ và màu vàng như thế này nhỉ? Nó được giải thích là cơ chế mang tính hoá học, nhưng tôi vẫn chưa hiểu lí do vì sao lại có hiện tượng này và nó có ích lợi gì ở những cây đó. Vì thế chúng ta luôn cho rằng đây là một món quà thiên nhiên mà thượng đế ban tặng trước khi chúng ta phải chịu đựng một mùa Đông khắc nghiệt. Hồng diệp kết thúc, lá đỏ lá vàng cũng biến mất chỉ còn cành cây khẳng khiu thì cũng đồng nghĩa với sự bắt đầu của một mùa đông lạnh và dài. Những cái cây vận hết sức lực cuối cùng như một lời động viên với những ai đón chờ mùa Đông.

Loạt bài về “Đặc trưng mùa Thu Nhật Bản" vậy là đã kết thúc rồi. Nếu có dịp ghé đến Nhật Bản vào mùa Thu, nhất định các bạn hãy trải nghiệm nhiều điều đậm chất Thu Nhật Bản nhé!