Nước biển sâu tại Nhật Bản

Những năm gần đây, nước biển sâu, nguồn tài nguyên thân thiện cho môi trường đang được các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. nghiên cứu và khai thác rộng rãi, phục vụ cho nhu cầu sản xuất dược phẩm, chữa bệnh trong y tế cũng như sản xuất và chế biến thực phẩm cao cấp.

Tác dụng của nước biển sâu

Nước biển sâu chỉ tầng nước nằm trong vùng biển khơi trung có độ sâu từ 200 mét trở lên, nơi ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới. Chiếm khoảng 95% lượng nước biển trên Trái đất, nguồn tài nguyên khổng lồ này thân thiện với môi trường, được tái tạo và tuần hoàn nhờ vào các hoạt động tự nhiên. Việc phát hiện ra nước biển sâu là một bước tiến trong lĩnh vực khoa học và khai khoáng, mang đến cho thế giới nhiều kỳ vọng về nguồn tài nguyên lý tưởng trong tương lai. Cũng là nước biển, nhưng tại sao nước biển sâu lại quý giá như vậy? Chúng ta cũng tìm hiểu những nét đặc trưng của nó nhé!

Đặc điểm của nước biển sâu

Độ sạch tuyệt vời

Nằm ở tầng nước có độ sâu từ 200 mét trở lên, không như lớp nước bề mặt biển chịu ảnh hưởng của nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, nước biển sâu luôn giữ được trạng thái sạch tinh khiết. Ngoài ra, ở độ sâu của tầng nước này ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới nên quá trình quang hợp cũng sẽ không xảy ra. Do đó nồng độ oxy trong nước biển sâu luôn duy trì ở mức thấp, các vi sinh vật như thực vật phù du hầu như không thể sinh sống và nếu có thì quá trình phát triển của chúng cũng sẽ bị kìm hãm lại. Theo số liệu báo cáo từ các nghiên cứu, số lượng vi sinh vật và mầm bệnh trong nước biển sâu chỉ trong khoảng 1/10 đến 1/100  so với tầng nước gần mặt biển.

Giàu dinh dưỡng và các khoáng chất

Nước biển sâu chứa nhiều chất dinh dưỡng vô cơ như nitơ, phốt pho, silic, magiê, canxi cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt chứa khoảng 60 loại khoáng chất nên được tận dụng như loại nước bổ dưỡng tăng cường sức khoẻ.Luôn ổn định ở nhiệt độ thấp

Nước biển sâu luôn ổn định ở nhiệt độ thấp không đổi so với nước tầng mặt vì mặt trời không chiếu tới. Do đó chất lượng nước ổn định quanh năm, hầu như không có sự biến đổi nào. Cũng nhờ tính ổn định này, nước biển sâu được ứng dụng trong các lĩnh vực đặc thù như ngư nghiệp, chăm sóc y tế, năng lượng, v.v..

Ứng dụng của nước biển sâu

Y tế, chăm sóc sức khoẻ

Được khai thác ở độ sâu thích hợp và trải qua quy trình tiệt trùng: lọc bằng tia cực tím, ozon một cách khoa học và hiện đại, nước biển sâu vẫn bảo toàn gần như toàn bộ sự dồi dào các nguyên tố vi lượng trong thành phần. Nước biển sâu được ứng dụng trong sát khuẩn, kháng viêm, săn se và phục hồi niêm mạc, điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như ngạt mũi, sổ mũi, viêm xoang, v.v.. Ngoài ra nước biển sâu cũng rất hữu ích khi sử dụng để điều trị bổ sung các bệnh về da như viêm da, dị ứng ngoài da. Tắm nước biển sâu có thể cải thiện đáng kể các tình trạng trên. Đối với các tình trạng viêm da theo cơ địa thì bạn có thể dùng nước biển sâu để vệ sinh vùng viêm và kết hợp các bài thuốc thông thường khác. Nói đến ứng dụng của nước biển sâu không thể không nhắc đến thalassotherapy, “liệu ​​pháp chữa bệnh bằng nước biển”. Đây là một phương pháp chữa bệnh tự nhiên sử dụng các yếu tố liên quan đến biển (khí hậu đại dương, nước biển, bùn đáy biển, sinh vật biển, v.v.) để tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh. Đến nay có khoảng 200 cơ sở trị liệu bằng nước biển như vậy ở Đức, khoảng 70 cơ sở ở Pháp, hơn 20 cơ sở ở các nước khác và chỉ có 4 cơ sở ở Nhật Bản. Tại Nhật các cơ sở trị liệu đang hướng tới xây dựng hệ thống điều trị hoàn toàn bằng nước biển sâu thay thế cho nước biển thông thường như trước đây để nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khoẻ cho người dân.

Ngành công nghiệp sản xuất & chế biến thực phẩm, hàng hoá cao cấp

Hiện nay tại Nhật có rất nhiều sản phẩm dựa trên công dụng tuyệt vời của nước biển sâu ra đời phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân như nước khoáng, trà, đồ uống, gia vị, thực phẩm, mỹ phẩm, nông sản và hải sản, v.v.. Dưới đây là một số sản phẩm phổ biến được sản xuất từ nước biển sâu của thương hiệu Deap Sea Shop nổi tiếng tại Nhật bạn có thể tìm mua. Vùng nước biển sâu Muroto với 100% nước biển sâu cung cấp nhiều khoáng chất có thể uống trực tiếp như nước bình thường.

Ảnh: murotoeco.com

Các sản phẩm lên men như rượu sake, bia, nước uống và nước sốt mặn tận dụng đặc tính của nước biển sâu, giúp cải thiện tình trạng của nấm men so với nước thông thường.

Trà đen Kochi Shimanto với thành phần được làm từ nước biển sâu
Nước tương sashimi ủ Honjo Shimanto
Dòng sản phẩm bia “Honsei” của Asahi Breweries sử dụng nước biển sâu để nuôi nấm men chứa nhiều dưỡng chất có mùi vị thơm ngon.

Sử dụng nước biển sâu dưới dạng muối không chỉ giúp bổ sung khoáng chất và dinh dưỡng cho bữa ăn mà đây cũng chính là một trong những bí quyết nấu ăn ngon, hô biến hương vị trở nên êm dịu của các bà vợ Nhật. Trên các diễn đàn nấu ăn tại Nhật, các bài viết giới thiệu công thức nấu ăn đặc sắc cùng các sản phẩm từ nước biển sâu luôn được quan tâm. Bạn cũng có thể tham khảo công thức pha trà hay cà phê bằng nước biển sâu giúp giữ được độ thơm ngon tại đây.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy rằng nước biển sâu có cấu tạo tương tự các chất dịch trong da; có độ tinh khiết; có hàm lượng chất khoáng cao và khả nắng thẩm thấu vào da cũng cao hơn nhiều so với nước thông thường. Nước biển sâu giúp giải quyết vấn đề da khô nhờ cơ chế cung cấp độ ẩm nhanh chóng, duy trì sự cân bằng ion (khoáng chất) giống với cơ thể.  Chính nhờ ưu điểm này, các dòng sản phẩm muối tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm được làm từ thành phần khoáng chất của nước biển sâu luôn được phái đẹp Nhật Bản tin dùng.

Combo muối tắm làm từ nước biển sâu có tác dụng tẩy tế bào chết, bổ sung dưỡng chất cho da.
Combo soap từ nước biển sâu cung cấp dưỡng chất và tạo ra một lớp sừng vững chắc và kích hoạt sự trao đổi chất của lớp sừng trên da.

Tham khảo thêm nhiều sản phẩm dưỡng da từ nước biển sâu tại đây.

Ngư nghiệp – Nông nghiệp

Nhiệt độ thấp ổn định, giàu dinh dưỡng và sạch của nước biển sâu là những điều kiện lý tưởng để nuôi trồng các loại tảo bẹ, rong biển, cá, hải sản, v.v. cho năng suất cao và hiệu quả về chất lượng dinh dưỡng. Sau đây là hình ảnh bào ngư được nuôi trồng trong môi trường nước biển sâu tại Cơ sở Sử dụng Nước biển sâu Nyuzen ở thị trấn Nyuzen.

Ảnh: toyama-brand.jp

Nước biển sâu còn được nghiên cứu và ứng dụng trong canh tác nông nghiệp. Cây trồng được phun nước biển sâu lên tán lá, rễ cây và bón phân bằng dung dịch dinh dưỡng trộn với nước biển sâu giúp tăng năng suất và cải thiện hàm lượng dinh dưỡng của nông sản.  Đặc biệt, tận dụng ưu điểm nhiệt độ thấp của nước biển sâu, người ta có thể canh tác các loại cây khó canh tác trong mùa hè như các loại rau cao nguyên và rau bina, v.v.. Ngoài các ứng dụng trên, nước biển sâu cũng đang được nghiên cứu và ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, sản xuất máy điều hòa không khí nhờ tận dụng nhiệt độ lạnh đặc trưng của nó.

Những khu vực nước biển sâu ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, nước biển sâu bắt đầu được chú ý kể từ năm 1980 do ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Năm 1989 một nghiên cứu với quy mô đầy đủ được tiến hành ở Vịnh Toyama. Sau đó đến năm 1995, cơ sở khai thác nước biển sâu đầu tiên của Nhật Bản chính thức được thành lập tại thành phố Muroto tỉnh Kochi và thành phố Namerikawa tỉnh Toyama, đánh dấu bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác nước biển sâu đầy tiềm năng của Nhật Bản.

Ảnh: shinsousui.com

Hiện nay, các cơ sở khai thác nước biển sâu có mặt ở khắp Nhật Bản từ phía Bắc Hokkaido đến Okinawa ở phía nam. Mỗi khu vực có những đặc điểm và mục đích riêng như nghiên cứu phát triển hay khai thác sử dụng.

Dưới đây một số địa điểm khai thác nước biển sâu nổi tiếng tại Nhật.

Cơ sở khai thác nước biển sâu Vịnh Muroto, tỉnh Kochi

Đây là cơ sở khai thác nước biển sâu đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác nước biển sâu tại Nhật Bản. Ra đời từ năm 1989, đến nay nước biển sâu của thành phố Moroto tỉnh Kochi đã mở rộng thêm 15 cơ sở ở các nơi khác và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu.

Ảnh: jalan.net

Tỉnh Kochi sử hữu thiên nhiên hoang sơ và đa dạng với đường bờ biển truyệt đẹp và những dòng sông trong vắt. Đặc biệt vịnh Muroto là nơi hầu như không có thềm lục địa, khiến nước biển sâu ở vịnh Muroto đạt chất lượng cao, dễ dàng khai thác ở các khu vực chỉ cách bờ 2km từ độ sâu 300m.

Cơ sở khai thác nước biển sâu Rausu-cho, Hokkaido

Ảnh: incorporationlive.com

Cơ sở nổi tiếng với công nghệ đặc sắc khai thác nước biển sâu giàu khoáng chất từ băng trôi tan chảy. Sản phẩm nổi tiếng của khu vực này là đá muối Shiretoko: hỗn hợp muối tự nhiên, thạch được làm từ 100% nước biển sâu của Shiretoko Rausu và các món cá hồi hun khói, sushi được chế biến qua nước biển sâu của vùng.

Cơ sở khai thác nước biển sâu Sado, thành phố Sado, tỉnh Niigata

Ảnh: sado-dsw.com

Đây là cơ sở nổi tiếng với loại nước biển sâu đặc biệt của biển Nhật Bản được lấy từ eo biển Sado. Thành phố Sado còn nổi tiếng với đặc sản tôm Nanban và các cơ sở lưu trú có bồn tắm lộ thiên sử dụng nước biển sâu.

Cơ sở khai thác nước biển sâu Izu Oshima, Tokyo

Tại Izu Oshima, người ta khai thác nước biển sâu từ độ sâu 2.500 m trở lên trong máng vịnh Sagami. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cơ sở khai thác này không cần năng lượng từ máy bơm để khai thác.

Viện nghiên cứu nước biển sâu tỉnh Okinawa, thị trấn Kumejima, tỉnh Okinawa

Viện nghiên cứu nước biển sâu tỉnh Okinawa đảo Kume tự hào là nơi cung cấp hơn 13.000 tấn nước biển sâu mỗi ngày, chiếm khoảng 28% tổng lượng nước tiêu thụ lớn nhất ở Nhật Bản. Đây cũng là nơi triển khai mô hình nuôi trồng thủy hải sản và nông nghiệp thủy canh bằng nước biển sâu. Ngoài ra, các dòng rượu sake được làm từ nước biển sâu và đường mía cũng là đặc sản nên thử của vùng.

Tổng kết

Có thể thấy rằng khai thác nước sâu tuy là ngành công nghiệp mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản.

Với tiềm năng biển cả dồi dào, Việt Nam cũng có thể kỳ vọng về tương lai phát triển kinh tế biển bằng ngành công nghiệp khai thác nước biển sâu. Mới đây, chuyến công tác tại tỉnh Kochi, Nhật Bản của đoàn đại biểu Phú Yên năm 2019 đã đánh dấu bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác Nhật – Việt và hứa hẹn một tương lai không xa Việt Nam cũng sẽ trở thành quốc gia đứng đầu về ngành công nghiệp khai thác nước biển sâu trong thế kỷ của đại dương.