Kurazukuri – kiến trúc nhà kho đặc trưng ở phố cổ Kawagoe

Nhắc đến Nhật Bản có lẽ mỗi chúng ta đều có một niềm yêu thích riêng. Liệu bạn có như tôi, dễ bị thu hút bởi những công trình kiến trúc truyền thống và các câu chuyện xung quanh chúng không?

Trong các di sản đầy tự hào của Nhật Bản có khu phố cổ Kawagoe nổi bật với không gian hoài niệm cùng giá trị kiến trúc quan trọng chính là kurazukuri (蔵造り), kiến trúc xây dựng nhà kho chống cháy truyền thống.

1. Đôi nét về khu phố cổ Kawagoe

Thành phố Kawagoe, tỉnh Saitama là một trung tâm thương nghiệp hình thành dưới thời Edo (1603 – 1868), cách thủ đô Tōkyō khoảng 35km về phía Tây Bắc.

Đến thời Meiji (1868 – 1912), Kawagoe trở thành đầu mối cung cấp hàng hoá hàng đầu cho Edo (tên cũ của thủ đô Tōkyō). Đây cũng là lý do nhiều thương nhân xây dựng các khu nhà kho tại đây để bảo quản gạo, ngũ cốc cũng như các vật phẩm khác.

Ngày nay, vùng đất này đặc biệt nổi tiếng với hình ảnh phố cổ Kawagoe dài khoảng 430m với khoảng 70 ngôi nhà kho chống cháy theo lối kiến trúc kurazukuri truyền thống còn hiện diện.

Cùng WAppuri khám phá khu phố cổ ngay tại nhà qua phần mềm trực tuyến:
https://kawagoe-ichibangai.com/virtual-tour/

Hành trình Kawagoe tựa chuyến ngược dòng thời gian về với bầu không khí Edo đầy hoài niệm. Vì vậy nơi đây còn được ví von là Tiểu Edo của Nhật Bản.

(nguồn: photoAC, tác giả)

2. Kiến trúc nhà kho Kurazukuri

Lịch sử hình thành

Kiểu nhà kho kurazukuri tại Kawagoe ra đời từ trận đại hoả hoạn năm 1893.

Tháng 3 năm 1893, thành phố Kawagoe đã hứng chịu một trận hoả hoạn lớn khiến 1.300 căn nhà bị tàn phá và gần một phần ba thành phố biến mất hoàn toàn.

Trước nỗi lo thường xuyên về nguy cơ hoả hoạn tái diễn, cư dân địa phương bắt tay vào xây dựng lại thành phố đã cực kì chú tâm đến khả năng chống cháy cho các nhà kho tại đây.

Khảo sát sau trận đại hoả hoạn cho thấy chỉ có nhà kho xây dựng theo kiến trúc kurazukuri của gia tộc Osawa là vững vàng vượt qua đám cháy năm đó. Từ minh chứng cụ thể này, cư dân địa phương đã đồng thuận áp dụng kiến trúc kurazukuri để tái thiết toàn bộ khu nhà kho với tường đen, mái ngói lộng lẫy và khả năng chống cháy cực cao.

Đặc điểm kiến trúc

Ngày từ ánh nhìn đầu tiên, ta dễ dàng cảm nhận sự cầu kì và chắc chắn trong kỹ thuật xây dựng nhà kho kurazukuri. Được biết, hai đến ba năm là thời gian cần để hoàn thành một căn nhà theo lối kiến trúc này.

(nguồn: photoAC)

Chúng ta cùng điểm qua những đặc điểm của lối kiến trúc mang giá trị lịch sử quan trọng này bạn nhé!

Tường thạch cao

Kurazukuri có cấu trúc tường thạch cao đáp ứng được nhu cầu quan trọng nhất của các nhà kho tại Kawagoe là khả năng chống chọi với hỏa hoạn.

Tường thạch cao cũng giúp hạn chế khả năng ẩm mốc xuất hiện. Đây là mối nguy thường xuyên đối với các nhà kho sử dụng lâu năm.

Tường được phủ đen để không nhận ra các vết bẩn in bên trên, đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn nhà. Qua thời gian, những bức tường đen đã trở thành dấu ấn của toàn bộ khu phố cổ này.

Hakomune – tường bảo vệ trên cùng của mái ngói

Bộ phận cao nhất của mái ngói nhà kho kurazukuri là hakomune, tạo ra bằng cách trét nhiều lớp thạch cao bên ngoài một lõi gỗ hình hộp. Đây là bộ phận bảo vệ phần chóp ngói tránh bị bào mòn theo thời gian.

(nguồn: photoAC)

Onigawara – Ngói trang trí hai đầu hakomune

Onigawara là kiểu mái trang trí hay gặp trong các kiến trúc nhà truyền thống của Nhật Bản. Oni trong tiếng Nhật có nghĩa là quỷ và người Nhật tin rằng khi khắc khuôn mặt dữ tợn của oni lên mái nhà có thể xua đuổi những linh hồn quái ác, bảo vệ gia đình.

Tuy nhiên, tại Kawagoe những mái ngói này lại có biểu tượng nước. Phải chăng vì mong muốn bảo vệ căn nhà khỏi những trận hỏa hoạn mà hình ảnh mây hoặc xoáy nước đã được lựa chọn thay thế?

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra các onigawara với kích thước to lớn, nổi bật trên hầu hết các mái nhà tại khu phố cổ.

(nguồn: photoAC)

Kannonbiraki Tobira – cửa sổ mở kép dày

Một chi tiết nổi bật khác của các căn nhà kho là cửa sổ kannonbiraki tobira. Phần cánh cửa được thiết kế độc đáo mô phỏng hình dạng bậc tam cấp. Đặc điểm này giúp tạo cảm giác chắc chắn và tăng sự riêng tư cho chủ nhà khi đóng cửa lại.

(nguồn: photoAC)

Đinh móc và bệ tsubu – chi tiết không thể thiếu trong kết cấu nhà kho

Bên hông các nhà kho kurazukuri, bạn dễ dàng nhìn thấy các đinh móc kích thước lớn gắn trên tường. Những chiếc móc này giúp cố định thang và treo dây thừng khi sửa chữa tường.

Phần bệ thạch cao nhô lên ngay dưới chân các đinh móc được gọi là tsubu. Hình dạng thường thấy của bệ đỡ là hình tròn hoặc hình thoi. Chúng có công dụng giảm hư hại cho thân tường như hạn chế các vết nứt do việc sử dụng đinh móc gây ra cũng như giảm thiểu ảnh hưởng của gỉ đinh theo thời gian.

(nguồn: Flickr)

Udatsu – tường ngăn lửa

Nghĩa gốc của udatsu là bức tường ngăn lửa được xây trên ranh giới giữa hai nhà liền kề, thế nhưng ở những căn nhà kho Kawagoe, bộ phận này lại nằm bên ngoài tầng hai và được cố định với tầng một. Udatsu không chỉ hỗ trợ phòng chống hoả hoạn mà còn là chi tiết trang trí tạo nét riêng cho khu phố cổ.

(nguồn: photoAC)

3. Công tác bảo tồn

Có thể nói chính ý thức chủ động bảo tồn di sản địa phương của mỗi cư dân thành phố Kawagoe đã giúp Tiểu Edo lưu giữ được nét riêng và phát triển rực rỡ như ngày hôm nay.

Kawagoe Kura no Kai (川越蔵の会) là một tổ chức do chính cộng đồng địa phương khởi xướng với mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị của thị trấn cổ Kawagoe, ra đời năm 1965.

Cư dân địa phương cùng tham gia thực hiện dự án quảng bá phố cổ Kawagoe (nguồn: Facebook 川越蔵の会)

Trong số các nguyên tắc được hội thông qua, nổi bật có quy định giới hạn xây dựng thành phố (街づくり規範) đặt ra các tiêu chuẩn trong việc xây mới, sửa chữa và cải tạo nhà trong phố, góp phần duy trì cảnh quan khu vực song song với đảm bảo chất lượng cuộc sống. Những công trình hiện đại xuất hiện tại Kawagoe đều được thiết kế sao cho dung hoà với cảnh quanh tổng thể của địa phương.

Cửa hàng cà phê Starbucks nổi tiếng tại phố cổ Kawagoe cũng được thiết kế mô phỏng kiến trúc kurazukuri (nguồn: website Starbucks)

Nhưng chỉ tập trung bảo tồn các giá trị vật thể liệu đã đủ?

Tổ chức bảo tồn địa phương tại Kawagoe cũng nhấn mạnh quan điểm: các di sản tồn tại không chỉ để bảo tồn mà còn cần thổi hồn vào chúng, làm sống dậy những giá trị phi vật thể vốn có.

Với bối cảnh lịch sử là trung tâm buôn bán sầm uất từ thời Edo, các cư dân địa phương – thế hệ tiếp nối của những thương nhân tại đây đã cùng hồi sinh vai trò này khi chuyển đổi nhà kho cổ thành những cửa tiệm kinh doanh mặt hàng truyền thống như rượu sake, rau củ muối hay các món ăn từ khoai lang, loại nông sản nổi tiếng của vùng. Cũng có những căn nhà kho kurazukuri được tận dụng làm cửa hàng mì soba, cửa hàng cơm lươn hay quán cà phê kiểu cổ.

Vừa phát triển kinh tế vừa duy trì nếp sống truyền thống qua bao đời của mỗi gia đình là phương châm được các cư dân Kawagoe tích cực thực hiện cho đến ngày nay. (nguồn: Flickr)

Bảng hiệu của những cửa hàng kurazukuri cũng được thiết kế bằng gỗ với phong cách xưa cũ, tránh ảnh hưởng đến quang cảnh khu phố cổ.

(nguồn: photoAC)

Cách làm này cũng thay đổi suy nghĩ của cư dân địa phương về bảo tồn di sản, góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị kinh tế vốn có, tạo tiềm lực kinh tế cho việc bảo tồn về lâu dài.

Một ví dụ khác cho ta thấy phố cổ Kawagoe đang được gìn giữ đến những chi tiết nhỏ nhất là cách gọi tên nhà kho theo chính tên dòng tộc sở hữu như: nhà kho Osawa của gia đình Osawa, nhà kho Miaoka của gia đinh Miaoka, v.v..

Hoạt động quảng bá văn hóa địa phương cũng được thực hiện tích cực khi một bảo tàng về Kurazukuri đã được thiết kế ngay bên trong một nhà kho cổ trên phố, đồng thời lễ hội truyền thống Kawagoe cũng được tổ chức hằng năm nhằm quảng bá nghệ thuật Kyokusui no En.

Năm 1999, khu phố cổ Kawagoe được chỉ định là khu bảo tồn quần thể kiến trúc truyền thống quan trọng cấp quốc gia (国の重要伝統的建造物群保存地区). Đây là kết quả lần đầu tiên cộng đồng địa phương hợp tác với chính phủ cùng bảo tồn di sản quan trọng này.

4. Tổng kết

Kurazukuri, kiến trúc xây dựng nhà kho chống cháy truyền thống, trở thành một trong các biểu tượng cho kỹ thuật khéo léo và tỉ mỉ của người Nhật. Công tác gìn giữ nhà kho cổ này đồng thời là bài học quý giá cho các quốc gia đang thực hiện bảo tồn phố cổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam với di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An.

(nguồn: Flickr)

Cũng như Kawagoe tại Nhật Bản, ta hiểu rằng công tác bảo tồn Phố cổ Hội An không chỉ dừng lại ở quần thể gần 1.000 di tích kiến trúc đa dạng từ phố xá, nhà cửa, hội quán, chùa, nhà thờ tộc, giếng cổ, v.v. mà còn ở món ăn truyền thống, lối sống tâm hồn của người dân nơi đây.

Những thành quả mà Kawagoe đạt được trong việc bảo tồn phố cổ phần nào cho thấy tầm quan trọng của các cộng đồng địa phương. Bởi lẽ chính mỗi cư dân mới là người sinh sống gần gũi với các di sản, hiểu rõ các vấn đề mà khu vực mình đang đối mặt, để từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất cho việc giữ gìn và khôi phục các giá trị tuyệt vời mà họ nắm giữ.

Thêm vào đó, việc duy trì nếp sống thường nhật, cung cách, thái độ và lối sống của mỗi người dân bản địa cũng giúp giữ lại phần hồn cho các quần thể di sản.

(nguồn: Flickr)

Không gian Kawagoe tuy được chuyển đổi sang hình thức thương mại nhưng vẫn lưu giữ được nét đẹp xưa, thu hút du khách vì sự hấp dẫn của những giá trị hữu hình lẫn vô hình, chứ không chỉ là các công trình đơn lẻ còn tồn tại.