Kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản: di sản văn hoá phi vật thể

Nếu có dịp đến thăm xứ sở hoa anh đào hoặc đi du lịch Nhật Bản qua màn ảnh nhỏ, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng với kiến trúc gỗ của những công trình kiến trúc truyền thống như đền chùa, thành quách do bàn tay khéo léo của các miyadaiku (宮大工 – những người thợ làm nhà gỗ thủ công). Hôm nay, bạn hãy cùng WAppuri tìm hiểu đôi nét về kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá vào 17/12/2020 nhé!

Đôi nét về kiến trúc truyền thống Nhật Bản

Kiến trúc Nhật Bản phong phú và cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhật Bản vốn là một đảo quốc có rừng che phủ khoảng 70% diện tích đất nước, quanh năm thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất nên vật liệu bằng đá sẽ không đáp ứng được nhu cầu an toàn cho các công trình kiến trúc. Do đó, gỗ đã trở thành lựa chọn tối ưu trong xây dựng, kiến trúc vì là loại vật liệu tự nhiên, bền chắc và tốt trong việc chống chịu thiên nhiên từ thời xa xưa. Điểm nổi bật của các công trình này là các kiến trúc sư đã xây dựng mà không cần sử dụng đến đinh, vì đinh sử dụng lâu ngày sẽ bị rỉ sét, gây mục nát, hư hại đến các cấu trúc xung quanh. Đặc biệt, gỗ được dùng trong kiến trúc Nhật Bản hiếm khi được sơn vì như vậy sẽ che đi vẻ đẹp của những thớ gỗ. Nội thất trong nhà được xây đơn giản với cửa giấy trượt giúp việc gỡ bỏ dễ dàng và sắp xếp lại tạo ra những bố cục khác nhau cho nhà. Các kiến trúc này với trần nhà mở và tường bê tông trần cũng được áp dụng trong kiến trúc hiện đại trên toàn thế giới.

Sản phẩm gỗ không dùng đinh

Kiến trúc gỗ truyền thống thường được thấy trong các đền chùa, lăng tẩm và thành quách. Trong đó có nhiều kiến trúc nổi tiếng phải kể đến như đền Kumano Hongū Taisha, một trong những điểm đến cuối cùng trên tuyến đường hành hương Kumano Kodō, công trình bằng gỗ lâu đời nhất thế giới: chùa Hōryū-ji ở Nara được xây dựng từ đầu thế kỉ thứ VII, hay lâu đài Himeji.

Kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản

Với truyền thống văn hoá lâu đời, đến nay Nhật Bản đã có nhiều di sản văn hoá được công nhận như washoku, washi, gagaku, v.v.. Washoku (和食) là tên gọi chung của văn hoá ẩm thực Nhật Bản với hương vị amami đặc trưng, gây ấn tượng bởi sự tinh tế và sáng tạo trong cách bài trí và phong cách thưởng thức đầy tao nhã, nghệ thuật, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12 năm 2013. Nghề làm giấy truyền thống washi (和紙) có từ thế kỉ thứ XVIII. Loại giấy này được sử dụng đa dạng trong đời sống để in ấn, dùng làm màn che, rèm hay trong hội hoạ, vinh dự được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2014.

Tại kỳ họp trực tuyến lần thứ 15 diễn ra từ ngày 14 đến 19/12/2020, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh kỹ thuật gỗ truyền thống Nhật Bản vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên chính thức: Các kỹ năng, kỹ thuật và tri ​​thức truyền thống về bảo tồn và trao truyền kiến ​​trúc bằng gỗ ở Nhật Bản (「伝統建築工匠の技:木造建造物を受け継ぐための伝統技術」 – Traditional skills, techniques and knowledge for the conservation and transmission of wooden architecture in Japan).

Kỹ thuật kiến trúc truyền thống gồm có 17 hạng mục thủ công được dùng để sửa chữa và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, trong đó có các hạng mục như kỹ thuật lợp mái bằng cỏ, làm cột nhà, và lợp mái. Các kỹ thuật này sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên như cây, cỏ, đất giúp tạo nên vật liệu xây dựng sẵn có và bền chắc, hiệu quả trong việc chống chịu thiên tai, phục hồi các cấu trúc bị tàn phá do thiên tai. Cùng với mái nhà, đồ nội thất, chiếu tatami, v.v. tạo nên một tổng thể hài hoà và đậm chất thiên nhiên,

Kỹ thuật lợp mái tranh kayabuki (茅葺)

Mái tranh là kiểu mái truyền thống Nhật Bản, được sử dụng rộng rãi trong khu vực nông nghiệp và miền núi. Hiện nay chỉ còn lại một phần nhỏ kỹ thuật lợp mái tranh được truyền lại như một nghề phụ vì khó khăn trong việc đào tạo những người thợ lợp mái tranh toàn thời gian. Mái tranh dần được cải tiến từ phương pháp mototsuri có từ xa xưa. Phương pháp này đã được sử dụng trong thời kỳ đầu hiện đại, nhưng vẫn còn một số nét khác biệt về kỹ thuật lợp mái giữa các khu vực, vốn được lưu giữ theo truyền thống như màu sắc địa phương của mái tranh. Công nghệ lợp mái tranh là một kỹ thuật quan trọng và không thể thiếu để duy trì cấu trúc mái tranh hiện đang được bảo tồn như một tài sản văn hóa quan trọng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Kỹ thuật tách vỏ cây hiwada-saishū (檜皮採取)

Kiểu lợp mái tranh thường thấy ở các đình chùa của Nhật Bản cần đến việc bóc vỏ của những cây bách có tuổi đời từ 80 đến 100 tuổi. Vỏ cây bách sau khi thu hoạch cần khoảng 10 năm để hình thành lớp vỏ mới, do đó cần kỹ thuật bóc vỏ cây tốt để phần thân cây không bị hư hại. Những người thợ thu hoạch vỏ cây khéo léo sử dụng dây gai dầu và một chiếc móc để leo lên những cây tùng có chiều cao lên đến 20m. Sau đó, họ sẽ sử dụng một chiếc thìa và đưa từ dưới lên trên một cách cẩn thận. Từ tháng 4 đến tháng 7 là thời gian hình thành vỏ cây nên sẽ không bóc trong thời gian này. Do môi trường làm việc trong rừng sâu và phải leo cây, địa hình lại dốc, việc mang những tấm vỏ cây tùng thu hoạch xong xuống dưới chân núi cũng rất quan trọng. Đây là một kỹ thuật truyền thống quan trọng cần được bảo tồn và tiếp nối.

Kỹ thuật sản xuất tấm lợp nhà itayane-seisaku (屋根板製作)

Đây là những loại tấm lợp được sử dụng cho các mái tranh. Các loại gỗ như bách và tuyết tùng được xẻ bằng tay và chỉnh, tạo hình phù hợp cho việc lợp mái nhà. Có các loại tấm ván như ván phẳng lợp tranh trên mái nhà, ván lạng mái hiên được sử dụng cho mái hiên. Có các thông số kỹ thuật cho những tấm lợp như tấm trên, tấm góc được sử dụng cho bề mặt cong, v.v. và độ dày của tấm. Độ dài cũng đa dạng. Điều quan trọng là xác định chất lượng của gỗ nguyên liệu và để sản xuất ván chất lượng cao với số lượng lớn, đòi hỏi phải có kỹ năng và kỹ thuật sản xuất. Thời gian sử dụng của mái tranh khoảng 20 đến 30 năm. Đây là công nghệ quan trọng không thể thiếu và cũng cần kế thừa hay tiếp nối.

Những công trình tiêu biểu

Kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản trải qua thời gian đã ghi dấu ấn của mình qua những công trình nổi tiếng còn đến ngày nay. Một trong số đó phải kể đến:

Kumano Hongū Taisha (熊野本宮大社): một trong ba đền thờ lớn trong quần thể di sản Kumano Sanzan, nằm ẩn sâu bên trong dãy núi Kii của tỉnh Wakayama. Cấu trúc gỗ của ngôi đền từ lâu đã trở thành một cảnh tượng tráng lệ, làm cho những người hành hương cảm thấy bõ công sau quá trình leo trèo gian khổ qua những bậc đá cuối cùng lên đây.

Hōryū-ji (法隆寺): một ngôi chùa Phật giáo ở tỉnh Nara, tương truyền được xây dựng vào thế kỷ thứ VII bởi thái tử Shōtoku. Suốt hơn 1.400 năm, ngôi chùa đã chứng kiến biết bao thăng trầm theo dòng lịch sử Nhật Bản. Khuôn viên chùa trải dài theo hướng Đông – Tây, toà tháp năm tầng và gian chính điện bên phía Tây cùng với dãy hành lang bao quanh nổi tiếng là công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất thế giới. Được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO vào năm 1993. Quần thể kiến trúc trong khu vực chùa đều là kiệt tác bằng gỗ. Kết cấu vững chãi, ổn định như thể chỉ cần ngắm là thấy lòng bình an.

Di sản thế giới của Nhật Bản – Chùa Hōryū-ji

Thành Himeji (姫路城) ở tỉnh Hyogo là di sản thế giới duy nhất trong số các thành cổ Nhật Bản. Được xây dựng lần đầu vào giữa thế kỷ XIV, thành Himeji là kiệt tác kiến trúc bằng gỗ tuyệt mỹ của Nhật Bản có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của bức tường vôi trắng và chức năng bảo vệ của một toà thành. Ngoài ra, toà thành còn tượng trưng cho xã hội phong kiến trước thời Nhật Bản cận đại nên được chọn là di sản thế giới. Còn có tên gọi là thành Diệc Trắng bởi vẻ đẹp của bờ tường thành trắng.

Di sản thế giới của Nhật Bản – Thành Himeji “thành cổ Nhật bản" từ thế kỷ 14

Quần thể di sản văn hoá Nara gồm 8 công trình ở Nara, trong đó nổi bậc nhất là chùa Tōdaiji với chính điện là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara. Cổng chùa có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20m với đường kính hơn 1m.

Di sản thế giới của Nhật Bản – Những di sản văn hoá ở cố đô Nara

Tổng kết

Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc trong bài này hẳn sẽ làm tăng thêm sự phong phú cho chuyến du lịch Nhật Bản của bạn. Càng khám phá kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống, chúng ta càng thêm thán phục sự khéo léo và kì công của các nghệ nhân ở Nhật Bản. Trong thời gian sắp tới, Nhật Bản hi vọng điệu múa dân gian Fūryū-odori (風流踊り) sẽ được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể năm 2022. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo trên WAppuri để cùng nhau khám phá vẻ đẹp của xứ sở Phù Tang các bạn nhé!