Tiết kiệm, tránh lãng phí theo tinh thần mottainai của người Nhật

Bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ “mottainai” chưa? Xuất phát từ giáo lý Phật giáo, mottainai là thuật ngữ nói về triết lý sống tiết kiệm và tránh lãng phí của người Nhật từ xưa đến nay. Trải qua bao thăng trầm, mottainai ngày nay đã trở thành phong cách sống tiết kiệm đáng ngưỡng mộ lan toả khắp thế giới và là niềm tự hào của người dân Nhật Bản.

Bạn biết gì về mottainai?

Thuật ngữ mottainai (もったいない) xuất phát từ quan niệm trong giáo lý Phật giáo, thể hiện cảm xúc tiếc nuối trước sự lãng phí, làm mất đi giá trị ban đầu của đồ vật. Triết lý đề cao tính nhân văn rằng thiên nhiên hay tất cả đồ vật xung quanh ta đều mang linh hồn và giá trị vốn có của chúng. Do đó chúng ta cần phải biết học cách biết ơn, trân trọng giá trị đó và không được lãng phí giá trị bất kỳ đồ vật nào.

Sau Thế chiến II, Nhật Bản trải qua thời kỳ khó khăn và khan hiếm vì eo hẹp tài nguyên và bị tàn phá trong chiến tranh, mottainai đã trở thành kim chỉ nam trong lối sống của người Nhật, triết lý chân phương đưa quốc gia này vượt qua giai đoạn khó khăn ấy và vươn lên trở thành cường quốc kinh tế lớn trên thế giới.

Mottainai tồn tại từ lâu trong đời sống của người Nhật, nhưng bắt đầu được thế giới biết đến vào năm 2005. Wangari, một nhà hoạt động môi trường được nhận giải Nobel hoà bình (năm 2004) người Kenya đã đến thăm Nhật Bản và đặc biệt ấn tượng với thuật ngữ này cũng như phong cách sống tiết kiệm của người Nhật nên đã phát động chiến dịch kêu gọi mọi người sống tiết kiệm, tránh lãng phí với tên gọi là “Chiến dịch Mottainai". Kể từ đó, mottainai được lan rộng trên toàn thế giới và trở thành thông điệp về lối sống tiết kiệm nổi tiếng của người Nhật.

Nguồn: FACEBOOK MOTTAINAI

Nhắc đến mottainai, không thể không nhắc đến một nhân vật đình đám là Marie Kondo – thánh nữ dọn nhà đã từng gây sốt cộng đồng mạng với những video về tip dọn nhà thần thánh. Chúng ta có thể thấy qua các video, cô luôn dành lời cảm ơn đến từng đồ vật trước khi xếp chúng và gửi đi từ thiện.

Mottainai, triết lý sống tiết kiệm chân phương đã đưa Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu về giải pháp môi trường 3R (Reduce – Reuse – Recycle tạm dịch là tiết giảm – tái sử dụng – tái chế).

Người Nhật vận dụng mottainai vào cuộc sống thế nào?

Không chỉ riêng Nhật Bản, trên thế giới cũng có rất nhiều quốc gia cũng áp dụng lối sống tiết kiệm. Nhưng, vì sao thông điệp Mottainai của người Nhật lại trở nên đặc biệt và được thế giới ngưỡng mộ? Chính là nhờ vào cách tiếp cận đặc biệt sáng tạo và tinh tế của người Nhật trong đời sống hằng ngày.

Cách kiểm soát rác thải

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với hệ thống xử lý chất thải hiện đại và quy định nghiêm ngặt về rác thải. Để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường, người Nhật rất coi trọng việc phân loại rác thải để tái chế, tái sử dụng lại đồ vật.

Ảnh: eco.coop-kobe.net

Mottainai,“khẩu hiệu sinh thái” trong cộng đồng

Tại Nhật, có rất nhiều toà nhà ở Tokyo thay vì trực tiếp dội bồn cầu bằng nước sạch nối từ bể chứa, người ta đã liên kết trực tiếp với hệ thống bể chứa nước thải đã qua xử lý để thay thế.

Chưa dừng lại, người Nhật ngày nay vẫn giữ thói quen tận dụng những tấm vải đã qua sử dụng để bọc đồ đạc thay cho bao nilon.

Năm 2005 từng có phong trào kêu gọi nhân viên văn phòng mặc trang phục cool đi làm thay vì đồng phục để giúp cơ thể cảm thấy mát mẻ và cắt giảm sử dụng điều hoà. Chiến dịch đã phát huy tát dụng: năm 2006 lượng khí CO₂ thải ra đã giảm 1,14 triệu tấn.

Lấy mottainai làm phương châm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hoá tại Nhật Bản luôn hướng đến việc sản xuất các sản phẩm cho nền kinh tế tuần hoàn. Nơi mà mọi thứ đều có thể tái sử dụng hoặc tái chế.

Tinh thần mottainai còn thể hiện rõ rệt trong kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympic tại Tokyo năm 2020. Bên cạnh năng lượng tái tạo, ban tổ chức còn sử dụng các thiết bị cần thiết khác được tái chế từ nhựa, 5000 huy chương cũng sẽ được làm hoàn toàn 100% từ kim loại tái chế…

Chợ trời – thiên đường đồ cũ thể hiện lối sống Mottainai của người Nhật

Chợ trời từ lâu nay đã trở thành thiên đường mua sắm đồ cũ lý tưởng, quen thuộc của người dân Nhật Bản. Mô hình này chính là một giải pháp tối ưu để tiết kiệm và tránh lãng phí, nơi thể hiện rõ quan điểm sống mottainai của người Nhật. Với một mức giá hợp lý, bạn có thể tìm cho mình được rất nhiều món đồ cũ ưng ý. Các gian hàng ở chợ trời luôn thu hút rất nhiều khách mua và đặc biệt là các bà nội trợ, du học sinh.

Ngoài ra còn có trang web mottainai.info, nơi các bà nội trợ có thể tìm kiếm các mặt hàng tái chế và chia sẻ bí quyết nấu ăn từ đồ thừa trong nhà hiệu quả.

Những hình thức tiết kiệm khác

Triết lý mottainai luôn khắc sâu trong tư tưởng của người Nhật ở mọi khía cạnh cuộc sống. Trong phạm vi hộ gia đình, người Nhật cũng có những cách tiếp cận với mottainai riêng để thực hành lối sống tiết kiệm.

Các bà nội trợ Nhật luôn biết cách tiết chế chi tiêu cho gia đình bằng cách không mua sắm phung phí và luôn vạch sẵn những thứ cần mua trước khi đi chợ.

Bằng cách giảm lượng thịt trong bữa ăn và thay thế bằng rau củ, người Nhật tiết kiệm chi tiêu cho bữa ăn hằng ngày.

Tối giản đồ vật trong không gian sống và hạn chế đồ vật không cần thiết cũng là một yếu tố then chốt để tiết kiệm.

Đặc biệt, thói quen tích luỹ tài chính cho thế hệ sau cũng phản ánh rõ nét lối sống tiết kiệm của người Nhật.

Mottainai, Việt Nam cũng có!

Không chỉ riêng Nhật Bản, Việt Nam cũng là đất nước đã từng trải qua thời kỳ khó khăn và đói nghèo trong chiến tranh. Người Việt Nam từ xưa cũng có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ đề cao tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí như: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm; Ăn phải dành, có phải kiệm; Ăn giả làm thật, v.v..

Ngày nay, triết lý sống mottainai của người Nhật đã lan toả mạnh mẽ tại Việt Nam và trở thành một thông điệp nhân văn của nhiều chiến dịch vì cộng đồng.

Điển hình là chương trình mottainai Trao yêu thương – Nhận hạnh phúc do báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức và vận hành với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lớn tại Việt Nam như Toyota, Mizuno, Tanita, v.v..

Hội chợ đồ cũ cũng được phát động mạnh mẽ trong chiến dịch và thu hút rất nhiều sự quan tâm.

Nguồn: mottainai.com.vn

Quá trình hội nhập đã giúp các quốc gia trên thế giới kết nối với nhau về nhiều mặt như kinh tế và văn hoá. Đâu đó tại Việt Nam, cũng có những gian hàng quần áo phụ kiện cũ, sách cũ phảng phất tinh thần mottainai từ Nhật Bản.

Tổng kết

Mottainai – đừng lãng phí bất kỳ thứ gì xung quanh chúng ta không chỉ là thuật ngữ về lối sống tiết kiệm mà còn là thông điệp nâng cao ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, với đất nước. Bạn đã thử áp dụng thông điệp từ xứ sở hoa anh đào này vào cuộc sống của mình chưa?