Vài nét về văn hoá cà phê Nhật Bản

Mỗi buổi sáng của bạn có thường bắt đầu bằng một ly cà phê, như hàng triệu người khác trên trái đất này không? Cà phê đã và đang hấp dẫn con người không chỉ bằng hương vị mà còn bằng những câu chuyện về sự xuất hiện và quá trình phát triển ở mỗi nền văn hóa khác nhau. Vậy cà phê đã được tiếp nhận và ghi dấu ấn như thế nào tại Nhật Bản – quốc gia vốn nổi tiếng về văn hóa trà xanh và rượu sake từ bấy lâu nay? Hãy cùng lật mở những điều thú vị mà văn hóa cà phê Nhật Bản đã đóng góp cho quyển sách lớn về cà phê của nhân loại nhé!

Người Nhật uống cà phê từ bao giờ?

Cà phê lần đầu xuất hiện tại Nhật Bản vào cuối thế kỉ 18, thông qua những thương nhân Hà Lan. Tuy nhiên, người Nhật không thật sự thích thú với thức uống có vị đắng và đậm màu này trong những ngày đầu tiên. Đến thế kỉ 19, sự ra đời của các kissaten – quán chủ yếu phục vụ trà đen, cà phê cùng thuốc lá, một lần nữa đã đưa văn hóa cà phê đi vào đời sống của người Nhật Bản. Số lượng các kissaten không ngừng tăng lên, trở thành địa điểm quen thuộc của tầng lớp thượng lưu và đưa cà phê thành thức uống sành điệu, đắt đỏ nhất thời bấy giờ. Thế nhưng, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, việc Nhật Bản ngừng nhập khẩu cà phê đã khiến cho trào lưu này rơi vào giai đoạn khó khăn.

Mãi cho đến năm 1969, người Nhật đã phát minh ra dòng cà phê lon đầu tiên trên thế giới. Sự kiện này nhanh chóng trở thành bước ngoặt trong văn hóa cà phê tại quốc gia này. Cà phê trở nên phổ biến với nhiều đối tượng khách hàng, được bày bán với giá phải chăng tại tất cả cửa hàng tiện lợi và máy bán hàng tự động trên khắp cả nước. Lịch sử phát triển cà phê tại Nhật Bản lại tiếp tục đánh dấu một bước chuyển đặc biệt, khi các chuỗi cà phê như Doutor Coffee, Starbucks hay Tully’s xuất hiện vào thế kỉ 20, mang đến làn sóng mới về cà phê Espresso – cà phê pha máy kiểu Ý. Các quán cà phê này nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu thời đại và sự tiện lợi mà người Nhật đang tìm kiếm.

Trong hành trình phát triển văn hóa cà phê tại quê hương mình, người Nhật đã học hỏi và sáng tạo nhiều cách pha chế khác nhau, định hình cho mình những khẩu vị cà phê riêng biệt. Phương pháp nổi bật phải nhắc đến chính là phương pháp Syphon – phương pháp pha chế dựa trên nguyên lý thẩm thấu ngược. Mặc dù được phát minh bởi người Scotland nhưng phương pháp Syphon lại được hoàn thiện tại Nhật Bản. Ngoài ra, pha cà phê bằng giấy lọc cũng được coi là điểm đặc trưng trong cách thưởng thức của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật vốn có thói quen uống cà phê rang mộc, đậm vị. Sau này, khi các dòng cà phê đóng lon, cà phê pha sẵn xuất hiện, đặc biệt, sự góp mặt của các cửa hàng cà phê Espresso đã tạo ra thói quen mới, mang đến cho người Nhật sự hứng thú bên những ly cà phê pha máy.

Đặc trưng của quán cà phê Nhật: bầu không khí!

Xuất phát từ tinh thần Trà đạo – nghệ thuật thưởng thức trà truyền thống của Nhật Bản , người Nhật luôn coi bầu không khí là yếu tố then chốt, cần được để tâm và trau chuốt, từ đó mang đến những trải nghiệm cá nhân khác biệt và tuyệt vời nhất cho khách hàng. Chính vì vậy, dù văn hóa cà phê được du nhập từ bên ngoài vào Nhật Bản, nhưng người Nhật vẫn khéo léo lồng ghép yếu tố này vào bên trong, tạo ra một phong cách cà phê rất Nhật.

Khi đặt chân vào các kissaten truyền thống, chúng ta sẽ cảm nhận được một không gian ấm cúng với gam màu tối, đậm nét cổ điển. Những bản nhạc Jazz hay Blue du dương liên tục được phát ra, tạo bầu không khí nhẹ nhàng, chậm rãi, đối lập với cuộc sống thường nhật bên ngoài ô cửa sổ. Trong không gian ấm cúng phảng phất mùi khói thuốc, người Nhật sẽ từ tốn nhâm nhi ly cà phê thượng hạng vừa được rang xay và pha thủ công theo khẩu vị của từng người. Đặc biệt, các kissaten luôn chu đáo và cẩn trọng lựa chọn bộ ly tách riêng cho từng vị khách sao cho phù hợp với tính cách của người dùng nhất.

Những chuỗi cà phê pha máy xuất hiện tại Nhật Bản sau này, cũng coi bầu không khí là yếu tố quan trọng, là đặc trưng của văn hóa cà phê Nhật Bản, từ đó xây dựng và phát triển dịch vụ của mình tại quốc gia này. Tư duy này đã mang đến thành công cho các chuỗi cửa hàng, khi người Nhật dần coi các quán cà phê là chốn quen thuộc, là một trong ba nơi quan trọng của mỗi người, sau chỗ ở và nơi làm việc.

Người Nhật cũng đồng thời nổi tiếng bởi “chủ nghĩa hoàn hảo", không ngừng sáng tạo để mang đến sự thỏa mãn cao nhất cho bản thân. Vì vậy, những quán cà phê theo chủ đề như cà phê thú cưng, cà phê sách, cà phê người hầu hay cà phê âm nhạc… được ra đời nhằm tạo ra bầu không khí phù hợp nhất với nhu cầu của mỗi khách hàng. Các quán cà phê độc, lạ theo chủ đề như vậy dần trở thành thương hiệu của người Nhật, khiến không ít khách du lịch tò mò và thích thú khám phá.

Có thể thấy, dù ra đời ở giai đoạn nào thì các quán cà phê Nhật Bản đều chỉn chu và tỉ mỉ trong việc tạo ra bầu không khí để lại nhiều ấn tượng cá nhân, đồng thời thỏa mãn cả vị giác lẫn thị giác của người dùng.

Người Nhật chuộng cà phê Việt Nam!

Ngày nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất trên thế giới. Đồng thời, cũng là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng nhập khẩu cà phê hằng năm. Vượt qua những yêu cầu cao của quốc gia nổi tiếng về tính cầu toàn trong ẩm thực, và những đối thủ nặng kí khác trong thị trường sản xuất hạt cà phê, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác xuất khẩu lâu năm loại hạt này đến Nhật Bản.

Trong nhịp sống hiện đại, thói quen thưởng thức cà phê của người Nhật cũng dần thay đổi, xu hướng sử dụng cà phê hòa tan tại nhà hoặc sử dụng các dòng cà phê đóng lon có hương vị nguyên bản ngày càng tăng cao tại quốc gia này. Giữa các loại hạt cà phê, hạt Robusta, với đặc tính khó mất vị khi pha cùng kem béo hoặc sữa tươi, đã được các nhà sản xuất hàng đầu lựa chọn để cho ra những dòng cà phê tiện lợi, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Vượt qua nhiều đối thủ, hạt cà phê Robusta sản xuất tại Việt Nam với chất lượng ổn định và giá thành cạnh tranh, đã được người Nhật tin dùng và được đánh giá mang đến hương vị cà phê thật nhất cho dòng cà phê tiện lợi. Hạt Robusta của Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị và vị thế của mình tại Nhật Bản khi Việt Nam vượt qua Brazil, trở thành quốc gia chiếm thị phần lớn nhất trong việc xuất khẩu loại hạt này đến Nhật. Hương vị và dấu ấn của cà phê Việt dần được củng cố, trở nên quen thuộc hơn với nhiều người tiêu dùng Nhật Bản. Ngoài ra, cà phê Robusta luôn nằm trong nhóm những món quà người Nhật nghĩ đến đầu tiên khi đi du lịch Việt Nam.

Trải qua một quá trình dài du nhập và phát triển, văn hóa cà phê tại Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa lâu đời của đất nước mặt trời mọc. Cà phê dần khẳng định một vị trí quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người Nhật Bản, bên cạnh những thức uống truyền thống như trà xanh hay rượu sake. Khi cà phê du nhập đến Nhật Bản, người Nhật đã kết hợp yếu tố truyền thống cùng thói quen hiện đại này, liên tục sáng tạo và mang đến những ảnh hưởng lớn trong văn hóa cà phê nhân loại.