Hãy nuôi dưỡng năng lực diễn đạt ngôn từ cho con bằng trò chơi chữ!

Hơn 1000 năm về trước, ở Nhật Bản, những người có giáo dục và tri thức sẽ được gọi là “quý tộc", họ đã liên lạc và giao tiếp với nhau bằng cách sáng tác các bài thơ ngắn 31 âm được gọi là thơ Waka.

Vì khi sáng tác “Waka", người sáng tác phải thể hiện tình trạng và cảm xúc của chính mình với một số lượng âm hạn chế, do vậy mà rất nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ khác nhau đã được sinh ra. Một trong số đó là biện pháp nghệ thuật “engo". “Engo" (縁語) là một kỹ thuật sử dụng các từ “B" và “C" có liên quan đến từ “A" trong cùng một bài Waka, làm cho hình ảnh mà những từ đó truyền tải được cộng hưởng và có hiệu ứng lan tỏa hơn. Ở Nhật Bản, từ lâu, kỹ thuật này đã được thực hiện nhằm truyền đạt chính xác đến người nghe những gì người nói muốn truyền tải mà vẫn trân trọng hình ảnh của từng từ ngữ.

Trong bài viết lần này, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một cách chơi chữ tương tự như nghệ thuật “engo" này. Tùy vào từng địa phương và thời kỳ mà nó có tên gọi khác nhau, nhưng tôi biết được 2 cách gọi là “Sayounara Sankaku" (tạm dịch: Tạm biệt tam giác – là tiêu đề của một cuốn sách tranh) và “Majikaru Banana" (tạm dịch: Quả chuối ma thuật – Tên của một gameshow rất nổi tiếng trên TV vào những năm 1990). Cách chơi chữ này bắt nguồn từ việc thể hiện một cách ngắn gọn các đặc trưng của sự vật được thể hiện qua từ ngữ theo dạng “〇〇 là △△", “△△ là □□", sau đó kết nối chúng tạo và liên tiếp tạo ra những từ liên quan. Chẳng hạn như: “Sayounara sankaku (tạm biệt tam giác) – Mata kite shikaku (tứ giác đến rồi) – Shikaku wa toufu (mà tứ giác là đậu hủ) – Toufu wa shiroi (đậu hủ thì màu trắng) – Shiroi wa usagi (màu trắng lại là thỏ) – Usagi wa haneru (thỏ lại nhảy) – Haneru wa kaeru (nhảy thì có ếch nữa) – Kaeru wa midori (ếch lại màu lục) – Midori wa yanagi (màu lục lại có cây liễu) – Yanagi wa yureru (cây liễu sẽ phất phơ) – Yureru wa yuurei (bay phất phơ còn có ma nữa) – Yuurei wa kieru (ma sẽ biến mất) – Kieru wa denki (điện cũng hay mất) v.v…

Tiếng Nhật, tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác đều có những hình ảnh truyền tải những đặc trưng riêng. Vì vậy mà bạn có thể cùng con cái chơi trò chơi chữ này dù ngôn ngữ có khác biệt. Hãy thử xem sao nhé!

Bố hoặc mẹ sẽ bắt đầu bằng: “Nếu nói về mặt trời thì… “, sau đó con sẽ đáp lại như “Sáng", “Ấm áp", “Ban ngày", …

Hoặc các bé có thể bắt đầu bằng “Con mèo thì… “, và bố mẹ sẽ trả lời “Đáng yêu", “Ngủ", “Kêu", …

Các từ “sáng", “ấm áp" và “đáng yêu" được đề cập ở trên là các tính từ – thể hiện trạng thái của sự vật sự việc, rất cần thiết cho việc cải thiện khả năng diễn đạt, đọc và hiểu. Ngoài ra, “ban ngày" là “tên của một sự vật/hiện tượng", hay các từ “ngủ" và “kêu" là động từ – thể hiện cho hành động đúng không nào? Khi số lượng từ vựng càng tăng thì khả năng tư duy của bạn cũng tăng lên (bạn có thể suy nghĩ bằng nhiều từ khác nhau), vì vậy chúng ta thường được dạy nhiều từ và cách diễn đạt một cách có ý thức.

Chơi chữ là một trò chơi không yêu cầu bất kỳ đạo cụ nào, và người chơi có thể chơi ở bất kỳ đâu vào bất kỳ lúc nào miễn là rảnh rỗi.

Vì đây là một trò chơi nên trẻ em sẽ vô cùng hứng thú, và sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng sâu sắc hơn. Thật tuyệt vời khi bạn có thể vừa chơi đùa thật vui vẻ với con cái, vừa mở rộng vốn hiểu biết về ngôn ngữ của mình! Tôi cũng chơi trò này với con trai tôi khi cậu nhóc khoảng 5 tuổi.

Một ngày nọ, khi tôi nói “Điều gì đáng sợ nhỉ?", con trai tôi liền trả lời “Là mẹ!" mà không cần suy nghĩ. Thật thú vị khi biết con bạn nắm bắt mọi thứ như thế nào nhỉ!