S.O.S – Các hộ gia đình Nhật chuẩn gì để bảo vệ trẻ em và gia đình an toàn khi có thảm hoạ?

Ở chuyên mục lần trước với tựa đề “Lần đầu tiên ở Nhật Bản: “Sữa nước cho trẻ sơ sinh" gây sốt cộng đồng mạng" cũng đã từng đề cập đến rằng, ở Nhật Bản có rất nhiều thảm hoạ như động đất, bão, núi lửa phun trào… Và bài viết này sẽ giới thiệu cách phòng bị để bảo vệ trẻ em và gia đình khỏi thảm hoạ. Mong rằng đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho những độc giả đang sống ở Nhật và những người đang có ý định sống ở Nhật nhé!

Lệnh di tản thường đến bất ngờ. Nên chuẩn bị trước để an tâm hơn!

Khi thảm hoạ xảy ra và cần phải di tản, chính quyền địa phương sẽ phát lệnh theo trình tự 1) chuẩn bị di tản, 2) thông báo di tản, 3) chỉ thị di tản. Có nhiều hình thức phát lệnh khác nhau như tivi, radio, sóng vô tuyến hành chính phòng chống thiên tai tại thành phố trị trấn, mail khẩn cấp, và kêu gọi từ hàng xóm xung quanh,…

Phải di tản vào thời điểm nào?

Nếu có trẻ nhỏ, thời điểm bắt đầu di tản nên là vào giai đoạn khi chỉ thị đầu tiên (chuẩn bị di tản) được phát lệnh. Vì khi có trẻ nhỏ, thì vào giai đoạn 2 (thông báo di tản) và 3 (chỉ thị di tản), đường phố sẽ rất đông người nên khó mà di dời nhanh chóng được

Phải tìm kiếm sẵn những địa điểm lánh nạn lúc nguy cấp

“Địa điểm di tản khẩn cấp chỉ định" được xác nhận bởi chính quyền địa phương. Về cơ bản, đó là những nơi nhiều người hay lui tới và có thể tập trung an toàn như trường tiểu học, trung học, công viên dựa theo địa chỉ của từng nhà. Trước khi thiên tai xảy ra, hãy kiểm tra xem đâu là địa điểm di tản khẩn cấp ở nơi mình sống. Hơn nữa, có những đoạn đường không lưu thông được khi thiên tai xảy ra. Vì vậy, tốt hơn hết chúng ta nên tìm kiếm nhiều địa điểm lánh nạn gần nơi mình ở. Những nơi chốn này được công bố trên website của chính quyền địa phương, ở các mục “Chỉ định nơi lánh nạn", “Bản đồ phòng chống thiên tai" hay “Bản đồ lúc nguy cấp", các bạn hãy tham khảo những thông tin này nhé!

Hãy chuẩn bị “túi khẩn cấp"

Khi người ta phát chỉ thị “Mau! Phải di tản ngay lập tức!", chắc các bạn cũng hoảng loạn không biết phải mang theo cái gì đúng không nào? Để tránh trường hợp mất quá nhiều thời gian chuẩn bị rồi mới bắt đầu đi lánh nạn, nhiều gia đình đã chuẩn bị “ba lô phòng chống thiên tai" hoặc “túi mang theo khi khẩn cấp".

Bên trong “balo chống thiên tai" và “túi mang theo khi khẩn cấp"?

Những vật dụng liệt kê dưới đây là các vật phẩm tối cần thiết:

・Nước uống (1 ngày 1 người 1 lít), thức ăn khẩn cấp (món ăn giữ được dài ngày)
・Đèn pin, pin, radio, bộ sạc smartphone
・Tiền mặt (cả tiền giấy lẫn tiền xu)
・Túi cấp cứu (khẩu trang, thuốc khử trùng, thuốc, bông băng, …)
・Quần áo để thay, khăn tắm…
・Giấy vệ sinh
・Dụng cụ dùng để ghi chép
・Túi nylon
・Găng tay lao động
・Tấm bạt
・Áo mưa

Nếu có trẻ nhỏ thì phải mang theo cả sổ tay mẹ và bé, sổ thuốc, tã lót, khăn lau em bé, sữa bột, bình sữa, áo choàng cho con bú và đồ ăn dặm.

Việc tự chuẩn bị tất cả mọi thứ như thế này tốn khá nhiều thời gian và công sức hơn bạn nghĩ đấy!

Vì vậy, nhiều gia đình cứ đi ra trung tâm mua sắm hoặc lên mạng mua hẳn “balo phòng chống thiên tai". Nhật Bản gặp nhiều thảm hoạ nên “balo phòng chống thiên tai" bao giờ cũng đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng. Thông thường một cái balo như vậy dao động từ 10 ~ 15kg, nhưng cũng có loại nhỏ gọn có trọng lượng dưới 5kg phù hợp cho phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em.

Về “balo phòng chống thiên tai", các bạn hãy tham khảo bài viết “Cùng chuẩn bị túi thoát hiểm khẩn cấp cho trường hợp thiên tai" nhé!

Tất nhiên, không ai muốn xảy ra thảm hoạ để mà dùng tới túi khẩn cấp cả. Nhưng Nhật Bản là quốc gia gặp nhiều thiên tai, nên bạn hãy ghi nhớ câu nói “Có phòng bị sẽ không có đau thương" nha! Để yên tâm bảo vệ gia đình và trẻ em, các bạn hãy chuẩn bị thật chu đáo nhé!