Hãy cẩn thận với chứng béo phì ở trẻ sơ sinh!

Những nữ sinh trung học muốn giảm cân

Hôm nọ, một nữ sinh cấp ba đã hỏi tôi rằng “Làm thế nào để em có thể giảm cân?".

Nhìn chung có ba giai đoạn dễ tăng cân: từ trẻ sơ sinh đến một tuổi, tuổi vị thành niên như em gái này, và ba tháng cuối thai kỳ. Như một xu hướng chung, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh tiêu cực khi thấy mình béo hay bị người khác nói mình béo. Vì thế người ta không thích mình bị béo. Ngoài ra, còn có những nỗi lo lắng về các bệnh do béo phì gây ra nữa phải không nào?!

 

Béo phì là gì?

Về mặt y học, “béo phì" dùng để chỉ sự tích tụ quá nhiều chất béo trong cơ thể. “Mỡ cơ thể" là chất béo không chỉ chứa dưới da và các cơ quan nội tạng mà còn ở trong máu nữa. Chất béo trong cơ thể là một tập hợp các “tế bào mỡ trắng" sản xuất các chất như hormone cần thiết để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Những tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ nguồn năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể và bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi những cú sốc. Đặc biệt đối với phụ nữ, đây là một tế bào cần thiết để duy trì kinh nguyệt bình thường, mang thai và sinh con. Vì vậy xin đừng quá ghét bỏ chất béo trong cơ thể nhé!

Tuy nhiên, số lượng tế bào mỡ tăng lên trong một năm đầu đời ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể sau đó. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một khi số lượng tế bào mỡ đã tăng lên thì nó sẽ không giảm đi. Ngay cả khi bạn giảm cân bằng cách giảm chất béo bên trong tế bào, nếu số lượng tế bào không giảm, bạn sẽ ngay lập tức tăng cân trở lại và tiếp tục có xu hướng tăng cân cho đến cuối đời.

 

Chỉ số Kaup

Có một chỉ số vóc dáng được gọi là “BMI (Body Mass Index)" như một cách để kiểm tra xem những người trưởng thành như chúng ta có béo hay không.

Ngay cả đối với trẻ sơ sinh, “chỉ số Kaup" có thể được sử dụng để xác định tình trạng thể chất của trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi.

Cân nặng (kg) ÷ {chiều cao (cm) x chiều cao (cm)} x 10000

Tính bằng công thức trên và nếu kết quả nằm trong ngưỡng dưới đây là cơ thể trẻ trong phạm vi bình thường.

  • 3 tháng đến trước 1 tuổi: dưới 16-18
  • 1 tuổi: 15,5 – dưới 17,5
  • 1 tuổi rưỡi: 15- dưới 17
  • 2 tuổi: 15 – dưới 17
  • 3 tuổi: 14,5 – dưới 16,5
  • 4 tuổi: 14,5 – dưới 16,5
  • 5 tuổi: 14,5 – dưới 16,5

Tuy nhiên, chỉ số Kaup chỉ có giá trị tham khảo tại từng thời điểm cụ thể. Nhiều trẻ bị sụt cân do tăng cường hoạt động thể chất khi phát triển hơn và có thể bò trườn, đi lại. Nếu bạn vẫn lo lắng rằng con mình bị béo phì, tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ nhi khoa.

 

Cần lưu ý điều gì để không bị béo phì?

Để tránh béo phì ở trẻ sơ sinh, cần lưu ý khi cho trẻ bú sữa công thức. Loại sữa này có hàm lượng protein cao hơn sữa mẹ và bạn có thể dễ dàng làm thêm sữa khi con bú hết. Vì vậy, bạn có thể sẽ cho con bú quá nhiều.

Trẻ sơ sinh chưa ý thức được cảm giác no. Bạn cho bé bú bao nhiêu thì bé sẽ bú bấy nhiêu. Khi con có vẻ như muốn bú nhiều hơn lượng sữa tiêu chuẩn, bạn hãy bế bé lên và chơi cùng bé hoặc đưa bé đi dạo để đánh lạc hướng bé nhé!

 

Trong giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối ăn dặm, có thể trẻ sẽ ăn nhiều hơn nhưng do thức ăn dặm chứa nhiều nước nên đây sẽ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, cho trẻ ăn dặm mà không giảm lượng sữa công thức thì cũng có thể làm dư thừa calo.

Ngoài ra, khoảng 2 đến 3 tuổi là thời điểm hình thành thói quen ăn uống. Một khi trẻ đã quen với việc ăn quá nhiều đồ ăn nhẹ hoặc nuốt mà không nhai, hay còn gọi là “nuốt trọng", thì rất khó để dừng thói quen này.

Bạn nữ sinh tôi kể ở đầu bài viết này có tình trạng là sau giờ học sẽ lại ăn bánh ngọt. Trẻ em thì khỏi phải nói rồi nhưng cũng có nhiều người lớn không để ý rằng mình có thói quen ăn uống dẫn đến béo phì. Vì thế, những người bên cạnh như chúng ta hãy nhắc nhở và giúp họ điều chỉnh nhé!