Để xây dựng thói quen giúp đỡ

Sự giúp đỡ trong gia đình tôi

Chủ đề của bài viết lần này sẽ là sự “giúp đỡ". Trong gia đình, các bạn hiện đang cho con “giúp đỡ" mình như thế nào ?

Hiện tại, nhiệm vụ của cậu con trai học lớp 5 (10 tuổi) của tôi là xếp quần áo sau khi giặt. Nói thẳng ra thì cu cậu hầu như không gấp được. Nhưng với tôi như vậy đã tốt lắm rồi.

Tại “Lớp học cho các bà mẹ" mà tôi tham gia trước khi sinh con, tôi đã nghe rằng “Nếu trẻ có thói quen đi ngủ và thức dậy sớm ngay từ khi còn nhỏ, điều đó sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt và trở thành đứa trẻ tích cực trong học tập và rèn luyện sức khỏe". Đã 10 năm trôi qua kể từ đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì thói quen cho con lên giường ngủ lúc 20:30, đọc sách cho con và sau đó đi ngủ.

Khi con bước vào các cấp lớn hơn thì số lượng tiết học buổi chiều tăng lên, đến bốn giờ rưỡi chiều con mới về. Từ lúc ở trường về cho đến giờ đi nghỉ chỉ có vỏn vẹn 4 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó, con phải làm bài tập, chuẩn bị cặp sách cho ngày hôm sau, ăn tối, đi tắm, sau đó chơi game hoặc xem tivi, nên không còn thời giờ cho việc “giúp đỡ". Vì vậy, trong lúc đi học, tôi quyết định chỉ cho con “giúp" vào những ngày nghỉ cộng với việc xem xét tâm trạng của con lúc đó.

Hãy khen, và dạy cho trẻ biết “giúp đỡ" là một việc tốt

Nếu chúng ta nghĩa vụ hóa việc giúp đỡ công việc nhà cửa thì lúc trẻ không làm sẽ nảy sinh việc chúng ta la mắng trẻ rằng “Hãy giúp mẹ mau lên!", “Tại sao con không làm?". Điều chúng ta muốn dạy cho trẻ thông qua việc “giúp đỡ" suy cho cùng đó là để khẳng định bản thân và tinh thần trách nhiệm. Những tố chất này không được dạy bằng cách la mắng. Thay vào đó, hãy “nhờ" trẻ vào ngày cuối tuần, dùng những câu nói nhẹ nhàng không mang tính bắt buộc để đánh động vào suy nghĩ của trẻ ví dụ như “Tắm xong mẹ giao quyền cho con xử quần áo chưa gấp đấy nhé.", hay “Hôm nay là Chủ Nhật, không biết có nhân vật nổi tiếng nào đến xếp quần áo dùm mẹ không nhỉ?".

Con trai tôi phụ trách những công việc đơn giản như xếp khăn tắm và khăn tay vì chỉ cần chập các mép của chúng lại. Nhưng gần đây, cu cậu đã có thể xếp cả những thứ có hình dạng phức tạp như áo phông thành một hình chữ nhật dài theo chiều dọc. Khi đó tôi đã dành một lời khen cậu con trai đang đắc ý của mình: “Chà, con giỏi hơn mẹ luôn rồi nha! Xếp y như nhân viên cửa hàng bán quần áo luôn.". Khi đó chính là tôi đang thực hiện “chiến lược khen ngợi" với niềm hy vọng nó sẽ giúp con tự tin và có động lực.

“Giúp đỡ" không phải gánh nặng cho trẻ

Nhà tôi còn thay đổi loại công việc “giúp đỡ" theo mùa. Vào thời gian nghỉ hè, khi nước làm chúng ta dễ chịu và quần áo dù có ướt cũng nhanh khô, bên cạnh việc xếp quần áo tôi còn nhờ con vệ sinh bồn tắm. Vừa làm vừa vọc nước nên con cũng rất vui vẻ làm.

Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cũng nhờ con giúp đột xuất. Nếu tôi đưa cho cậu con trai vừa rửa tay trước bữa ăn các đĩa thức ăn đã được chuẩn bị và nhờ: “Đúng lúc quá! Con mang thức ăn ra bàn giúp mẹ nhé!", con sẽ bưng ra bàn một cách rất tự nhiên và còn vừa đi vừa nói: “Nóng nóng". Từ đó trở đi, mỗi khi con trai hỏi tôi: “Dĩa thức ăn này con mang đi được chưa mẹ ?", tôi đã bí mật tung hô chiến thắng của mình trong đầu nhưng ngoài mặt không quên khen ngợi con với một nụ cười: “Có con đỡ quá. Con chu đáo ghê đó nha."

Nuôi dưỡng “trái tim" bằng sự “giúp đỡ"

Những sự giúp đỡ nho nhỏ trong việc nhà là “xây dựng nền tảng" để sau này con lớn lên ra ngoài xã hội làm việc.

Các bạn hãy giao cho trẻ một vai trò phù hợp với khả năng, tính cách và nhịp sống của trẻ, giúp trẻ có được cảm giác hoàn thành khi xong việc gì đó cũng như gia tăng cơ hội giúp trẻ cảm nhận niềm vui hơn khi được người khác cảm ơn. Tôi nghĩ rằng thói quen giúp đỡ cũng sẽ được hình thành khi trẻ dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn cho mình.