Chuột rút trong thai kỳ: nguyên nhân và cách phòng ngừa!

Chuột rút là gì?

Ngày hôm trước, tôi bị đánh thức bởi cơn đau dữ dội do bị chuột rút.

Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ chân bất chợt mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào, khiến chân cực kỳ đau nhức. Vừa đứng dậy xoa bóp chân, tôi chợt nhớ lại thời kỳ mang bầu của mình.

Chuột rút trong thời kỳ mang thai

Ở Nhật Bản, khoảng 40~60% phụ nữ mang thai đã từng bị chuột rút, số tuần thai càng tăng thì tình trạng này càng xảy ra thường xuyên hơn. Sau khi sinh, số lần bị chuột rút cũng giảm đi nên không cần phải lo lắng, nhưng nếu có thể chắc ai cũng muốn tránh cơn đau này, đúng không?

Vì chuột rút xảy ra khá nhiều trong khi ngủ, nên mẹ bầu thật là khó chịu vì cơn đau làm mất đi giấc ngủ ngon. Sau mỗi lần bị chuột rút như thế tôi không sao nhanh chóng ngủ lại được, lại còn thấy chán nản vì cứ nghĩ rằng “Mình không muốn đau nữa đâu".

Tôi chưa từng bị chuột rút cho đến khi bắt đầu mang thai. Tôi có người bạn nọ suýt chết đuối vì đột nhiên bị chuột rút khi đang đi bơi, tôi cũng quên bẵng đi chuyện ấy đi cho đến khi cơn chuột rút thực sự xảy đến với mình.

Tại sao lại bị “chuột rút"?

Có nhiều lý do vì sao trong thời kỳ mang thai, phụ nữ hay bị chuột rút. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng cân đột ngột.

Trong trường hợp của tôi, 3 tháng kể từ sau khi biết mình mang thai thì tôi hay bị ốm nghén nên chẳng ăn được gì, nhưng ngay khi cơn buồn nôn qua đi, tôi một mình ngấu nghiến ăn hết thức ăn trong nhà. Nhờ vậy mà khoảng tháng thứ năm của thai kỳ, tôi tăng được 2kg, từ tháng thứ tám đến tháng thứ chín tôi tăng lần lượt mỗi tháng 3kg. Khi nhớ lại, tôi nhận ra rằng cơn chuột rút bắt đầu xảy ra từ khoảng tháng thứ năm, tôi nghĩ rằng cân nặng càng tăng thì tần suất bị chuột rút chân cũng càng tăng cao.

Ngoài ra, bụng to ra khiến cho trọng tâm cơ thể nghiêng về phía trước, vì thế đôi chân phải chịu áp lực không đồng đều.

Những điều này làm cho cơ chân dễ bị mỏi. Hiện tượng co cơ được cho là xảy ra khi chân làm việc quá sức, chính vì thế cơ chân của mẹ bầu càng lúc càng bị dồn nén sự mỏi mệt đó mà không hề hay biết.

Do đó, nếu chúng ta chủ động giảm bớt gánh nặng cho đôi chân và loại bỏ những mệt mỏi tích tụ mỗi ngày thì có thể ngăn chặn được chuột rút.

Nào hãy cùng ngăn ngừa cơn “chuột rút"

Tôi hay tập duỗi người nhẹ nhàng bằng cách xoay cổ chân và duỗi cơ ở phần mắt cá chân. Tôi khuyến khích các mẹ bầu thực hiện động tác này vì có thể tập được trong lúc rảnh rỗi như khi đánh răng hoặc xem tivi v.v… Mát xa bắp chân khi đang ngâm mình trong bồn tắm cũng khiến cho thể chất và tinh thần thoải mái nữa.

Sau đó, tôi chọn giày có gót thấp và gọn nhẹ hoặc mấy đôi dép slipper, sandal với chất liệu mềm mại để giảm áp lực lên đôi chân.

Trong thời kỳ mang thai, các hormone và tế bào trong cơ thể mẹ bận rộn hoạt động vì bé yêu trong bụng. Để chăm sóc được cơ thể như thế, giấc ngủ ngon là cực kỳ cần thiết. Bằng cách ngăn ngừa chuột rút, mẹ bầu có thể an tâm say giấc đến tận sáng hôm sau, đúng với câu nói “chúc ngủ ngon" mỗi tối.