Ba hiểu lầm phổ biến về dạy học lập trình bắt buộc tại Nhật từ 2020

Thế giới đang bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và AI (trí tuệ nhân tạo) đang có những bước phát triển vượt bậc. Trước sự thiếu hụt lớn nguồn nhân lực có tay nghề cao với kỹ năng công nghệ thông tin thành thạo, Nhật Bản đang tìm cách đào tạo bằng cách chính thức đưa giáo dục lập trình trở thành nội dung bắt buộc từ năm 2020. Lộ trình đào tạo được áp dụng cho học sinh cấp 1 từ 2020, cấp 2 từ năm 2021 và cấp 3 từ năm 2022. Trong bài viết này, WAppuri sẽ giới thiệu về 3 hiểu lầm phổ biến về đào tạo lập trình bắt buộc ở Nhật từ năm 2020.

1. Học lập trình là học viết code?

Lập trình viên được ví như những thợ coding: người gõ những đoạn mã trên máy vi tính tạo ra phần mềm, chỉnh sửa, phát triển những đoạn mã này trên các công cụ lập trình.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: học lập trình có phải là học viết code hay không?

Câu trả lời là không vì học lập trình là học cách giải quyết vấn đề bằng máy vi tính chứ không phải học viết code. Ngoài ra, đối với lứa tuổi của mình, các em học sinh tiểu học chưa thể bắt tay vào việc học ứng dụng thực tế các ngôn ngữ lập trình như một lập trình viên thực thụ. Mục đích của việc đưa ngôn ngữ lập trình vào chương trình học cấp tiểu học chính là nuôi dưỡng tư duy lập trình.

Điều này tương tự như việc chúng ta gieo hạt giống xuống đất rồi chờ cây nảy mầm và chăm sóc thật tốt, một thời gian sau cây sẽ ra hoa kết quả. Việc gieo hạt giống tư duy lập trình cho các em học sinh tiểu học chính là việc chúng ta gieo hạt giống ngôn ngữ lập trình cho các em. Mục tiêu chính của việc này là giúp các em làm quen với những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ lập trình, từ đó có thể áp dụng để giải quyết những bài tập cơ bản. Những kiến thức và trải nghiệm ban đầu về ngôn ngữ lập trình sẽ giúp các em có có cái nhìn bao quát về triển vọng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, bao gồm các ngành nghề cần sự trợ giúp của ngôn ngữ lập trình. Tất cả nhìn chung sẽ khơi dậy hứng thú và niềm yêu thích đối với môn học tưởng chừng như khô khan này.

2. Học sinh tiểu học cũng phải sử dụng máy tính?

Một suy nghĩ phổ biến khác về việc học lập trình là cho rằng học sinh tiểu học cũng phải dùng máy tính. Như đã nói ở trên, đưa môn lập trình vào trong chương trình của học sinh tiểu học nhằm mục đích nuôi dưỡng tư duy lập trình, tức là các em sẽ học được cách tư duy về lập trình. Do đó không nhất thiết đòi hỏi việc các em phải sử dụng máy móc hay thiết bị.

Ví dụ, khi được giao đề bài vẽ một đa giác đều hay một hình vuông, các em sẽ dùng tư duy lập trình của mình để xác định số liệu độ dài về cạnh của đa giác, độ dài cạnh hình vuông và các góc của đa giác đều. Từ đó nghĩ ra câu lệnh cho máy tính để vẽ được chính xác hình với kích thước được yêu cầu.

Máy tính là công cụ của lập trình. Một trong những mục tiêu được đặt ra trong quá trình học tư duy lập trình là giúp học sinh bước đầu làm quen với máy vi tính, nhận biết các tính năng của máy vi tính và ưu điểm của chương trình máy tính. Từ đó các em sẽ biết cách vận dụng tính năng thích hợp cho từng trường hợp khác nhau, dần hình thành tư duy lập trình.

3. Lập trình là một môn học riêng?

Lập trình là một ngành nghề có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, sản xuất, giao thông vận tải, v.v. Do đó, lập trình không phải là một nội dung học tách biệt với các môn học khác. Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản, việc học lập trình sẽ được tích hợp vào các môn học hiện có như Toán, Khoa học cũng như các nội dung khác được giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo lắng liệu rằng việc tích hợp lập trình vào các môn học khác có ảnh hưởng đến việc học các môn học khác của các em hay không? Nhưng mấu chốt ở đây là việc tích hợp này vừa giúp các em hình thành tư duy lập trình vừa góp phần hiểu rõ hơn các môn học khác, nhờ đó mà học những môn này tốt hơn.

Tổng kết

Học lập trình cũng giống như học chữ cái. Trẻ em thường bắt đầu được học chữ lúc 6 tuổi. Do đó, việc các em học lập trình từ nhỏ sẽ mở ra cơ hội phát triển của các em về bộ môn lập trình. Theo nguồn tin từ báo Nikkei, từ tháng 4 năm 2020, Bộ Giáo dục Nhật Bản quyết định đưa môn lập trình vào chương trình giáo dục bắt buộc cho học sinh. Mục đích của chương trình này là giúp Nhật Bản bù đắp sự thiếu hụt nhân sự có trình độ cao, thành thạo kỹ năng công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy việc học lập trình từ sớm đang là xu hướng phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, nhờ nắm bắt được xu hướng này mà một chương trình tin học đã được xây dựng dựa trên việc tìm hiểu, vận dụng một cách chọn lọc chương trình học của các nước tiên tiến nhằm hội nhập và hướng tới trình độ quốc tế đã được ra đời và áp dụng cho học sinh tiểu học từ lớp 3 từ năm 2018. Hi vọng việc giáo dục lập trình sẽ được triển khai rộng rãi không chỉ ở các nước tiên tiến như Nhật Bản hay nước đang phát triển như Việt Nam, mà sẽ mở rộng trên phạm vi lãnh thổ các quốc gia khác, từ đó mở ra cánh cửa phát triển cho ngành nghề đầy hứa hẹn này.