Ngăn ngừa vết rạn da khi mang thai

“Rạn da" là gì?

Cơ thể người phụ nữ thay đổi mạnh mẽ sau khi mang thai và sinh nở. Một trong số những thay đổi đó là rạn da.

Hồi nhỏ, tôi cứ thắc mắc mãi là tại sao mẹ mình lại có những vết như vết nứt trên bụng, nhưng khi mang thai rồi tôi mới biết đó là vết rạn do mang thai.

Rạn da (妊娠線, đọc là “ninshinsen") chính là chứng mòn da tuyến tính (đường kẻ do da bị kéo căng). Nó còn có tên khác trong tiếng Nhật là 肉割れ (vết nứt thịt, đọc là “Nikuware") hay ストレッチマーク (Stretch mark). Hiện tượng này không chỉ có ở phụ nữ mang thai mà còn ở các bạn nữ vị thành niên và những người béo phì. Hiện tượng này xảy ra khi da bị đột ngột kéo căng. Nó xảy ra ở trên 90% phụ nữ mang thai và gây ra những đường đứt khúc giống như vết nứt với chiều rộng vài mm và chiều dài khoảng 10cm ở bụng dưới, ngực, mông và những nơi khác.

Lúc đầu, vết rạn có màu hồng nhạt, sau chuyển dần sang màu hơi trắng. Ai bị nặng thì sẽ lo lắng tới mức tưởng mình bị bệnh gì đó nặng lắm khi thấy những đườngng màu tím đỏ như móng vuốt của gấu lan khắp bụng.

Nguyên nhân gây rạn da là?

Tại sao da bị rạn khi căng ra trong một khoản thời gian ngắn? Nó liên quan đến cách thức hoạt động của da. Da của chúng ta được cấu tạo bởi ba lớp: biểu bì, hạ bì và mô dưới da. Lớp biểu bì có thể co giãn dễ dàng, nhưng lớp hạ bì và mô dưới da thì không.

Đến giữa thai kỳ, dạ dày và ngực to lên từng ngày. Tuy nhiên, lớp thứ hai của da – hạ bì – không thể theo kịp tốc độ đó và thế là tình trạng đứt đoạn xảy ra bên trong da.

Ngoài ra, khi mang thai, cơ thể tăng cường tiết ra các hormone (corticosteroid) khiến da mất tính đàn hồi. Da trở nên không linh hoạt và cứng, rồi trở nên yếu đi. Điều đó làm tăng tốc độ rách mô da.

Ngăn ngừa vết rạn da – Không chỉ nhờ mỹ phẩm! (Lời khuyên chân thành)

Tôi đã chẳng để tâm lắm đến vấn đề này vì cứ nghĩ miễn sinh con ra an toàn là được, cơ thể mình có ra sao cũng không thành vấn đề. Nhưng chị gái có kinh nghiệm sinh em bé trước tôi có tặng tôi kem chống rạn nên tôi cũng bôi lên bụng, ngực và mông mỗi khi tắm xong.

Thế mà dù có dùng kem chống rạn mà tôi vẫn có vết rạn da, sau 10 năm vẫn còn nhăn nheo. Cũng may là tôi đã có bôi kem đấy. Lúc mang thai tôi đã dành thời gian vừa bôi kem chống rạn vừa nói với em bé rằng “Con sẽ sinh ra khỏe mạnh mà nhỉ", vừa động viên thân thể mình “Cùng cố gắng nào".

Để ngăn ngừa rạn da thì không có phương pháp y tế nào hiệu quả hoàn toàn. Các loại kem và dầu bán trên thị trường không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên chăm sóc vết rạn da của mình. Đặc biệt là đối với những người trước khi sinh mà đã khó có thời gian chăm lo cho cơ thể mình do phải đi làm. Bằng cách thoa nhẹ nhàng kem hoặc dầu sau khi tắm để dưỡng ẩm, bạn sẽ có thể chăm sóc cả da và tinh thần nữa.

Ngoài việc chăm sóc da trực tiếp, việc tập luyện và ăn uống hợp lý cũng rất quan trọng. Chế độ ăn giàu protein như thịt, cá giúp nuôi dưỡng làn da. Các loại nấm cũng chứa nhiều niacin giúp da luôn khỏe mạnh. Bạn cũng hãy ăn thêm trái cây để cung cấp cho cơ thể vitamin C, giúp sản sinh collagen trong da.

Chăm sóc và phòng ngừa vết rạn da chính là duy trì sức khỏe tổng thể của bạn, từ đó cũng hỗ trợ thai nhi phát triển nữa!