Chia sẻ kinh nghiệm về lợi ích của việc cho con bú

Tôi đã cho con trai bú cho đến khi bé 2 tuổi rưỡi.

Trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi này, chỉ cần tôi nói rằng mình đã luôn cho con bú cứ 2-3 tiếng/lần bất kể là ngày hay đêm thì chắc chắn sẽ nhận được cả sự trầm trồ lẫn cảm thông như “Chị vất vả quá nhỉ!".

Các sách nuôi dạy trẻ em nói chung đều viết rằng “Em bé sẽ tự động ngưng bú (cai sữa) khi bắt đầu ăn dặm hay mọc răng sữa". Vậy thì tại sao nhà tôi lại cho con bú lâu đến như vậy? Hôm nay tôi sẽ nói về điều đó.

Theo dữ liệu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2019, hơn 90% phụ nữ đang mang thai đã trả lời rằng “Nhất định sẽ cho con bú mẹ", “Sẽ cho con bú mẹ nếu có sữa". Như vậy là có nhiều bà mẹ cũng muốn nuôi con bằng sữa mẹ giống như tôi.

Ngay cả tại các “Lớp học dành cho thai phụ" do chính quyền địa phương tổ chức, người ta cũng dạy rằng sữa mẹ có chứa các chất miễn dịch nên sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh tật. Ngoài ra, khi cho con bú, não của người mẹ sẽ tiết ra một loại hormone gọi là “oxytocin". Nó còn được biết đến với tên gọi “hormone hạnh phúc", có tác dụng khiến cho bé cảm thấy trìu mến và làm giảm căng thẳng cho mẹ. Bản thân tôi khi cho con bú cũng cảm nhận rõ ràng rằng “Ồ, vậy là mình đã trở thành một người mẹ rồi" và cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Thế nhưng, người mẹ ngoài việc thể lực bị thiếu hụt trầm trọng ngay sau khi sinh, còn bị căng thẳng vì cuộc sống mới với em bé mà giấc ngủ của mẹ còn bị gián đoạn cách 2-3 tiếng một lần. Và đó không chỉ là chuyện trong một, hai ngày nên vô cùng mệt mỏi. Tôi đã dồn hết sức lực sống sót qua 1 năm đầu mất ngủ với suy nghĩ con trai sẽ tự động ngưng bú mẹ khi bé khoảng 1 tuổi. Vậy mà chờ hoài đợi mãi cũng chẳng thấy thời điểm “Con tự nhiên không thèm bú mẹ nữa" ghé thăm.

Tôi đã tham khảo ý kiến của các y tá y tế công cộng và giáo viên mẫu giáo, đọc biết bao nhiêu là sách nuôi dạy trẻ để biết được rằng những đứa trẻ khác đều đã ngưng bú mẹ từ sớm rồi. Nên tôi chỉ còn có thể nghĩ được rằng “Con nhà mình thích bú mẹ một cách bất thường". Vậy là tôi được gợi ý là nên “cai sữa" cho con. Đó chính là phương pháp bắt con nhịn và chờ con từ bỏ việc bú mẹ bằng cách không cho con bú mẹ dù con có khóc và la hét đòi bú.

Tôi đã rất khổ sở vì giấc ngủ liên tục bị gián đoạn, mệt mỏi chồng chất, cứng vai và đau thắt lưng do phải liên tục ngồi cho con bú và thiếu máu (do sữa mẹ được tạo ra từ máu) đến mức chạm đến giới hạn của cơ thể mình khi mà cân nặng của tôi đã giảm xuống còn 42 kg so với 47 kg trước khi sinh. Ấy vậy mà tôi đã không thể bắt con nhịn bú khi nhìn thấy con khóc lóc đòi bú mẹ.

Cuối cùng, vào một ngày Hè nóng nực khi con được 2 tuổi rưỡi, chẳng biết có phải vì cơ thể tôi cầu cứu hay không mà ngực tôi đã ngưng tiết sữa. Thế là tôi nói với con “Con biết không? Vú sữa đi đến một thị trấn xa xôi trên một chiếc xe tải mất rồi. Không bú được nữa đâu". Chỉ vậy thôi mà đứa con trai đã từng rất mê vú mẹ của tôi đã nói “Vậy à mẹ" và dễ dàng từ bỏ việc bú mẹ. Chuyện thật mà cứ như đùa vậy.

Đã 7 năm rưỡi kể từ ngày đó. Nhìn vào đứa con trai 10 tuổi của mình, tôi thấy rằng 2 năm rưỡi cho con bú là khoảng thời gian thể hiện tình thương với con, và là khoảng thời gian “nuôi dưỡng bản thân mạnh mẽ (tự nuôi dưỡng chính mình)" khi mà tôi đã không chịu thua những khó khăn trong việc nuôi con với tư cách là một người mẹ. Dẫu cho tôi đã rất khổ sở và lo lắng khi phải quay cuồng vào thời gian đó nhưng mỗi khi nghe con nói “Con yêu mẹ" thì tôi lại nghĩ rằng có khi việc này lại liên quan đến việc tôi đã kiên nhẫn cho con bú mẹ cho đến khi con hài lòng ấy nhỉ!