Trở ngại khi con vào lớp một – cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con

Chủ đề của bài viết lần này sẽ là “Cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con".

Theo như thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, số lượng lao động nữ năm 2018 là 25,900,000 người. Trong đó có hơn 70% lao động nữ giới nằm ở độ tuổi 20 đến 30. Ba mươi năm trước con số này chỉ đạt 50 %, do đó có thể thấy rõ rằng số lượng lao động nữ đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều phụ nữ phải vừa nuôi con vừa lao động kiếm sống. 5 năm trước, tỉ lệ phụ nữ vừa đảm trách việc nuôi con vừa lao động ở độ tuổi từ 25 đến 35 là 49%, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên là 61%. “Làm thế nào để các bà mẹ có thể cân bằng giữa những công việc xã hội và hoàn thành trách niệm nuôi dạy con trẻ?" – đó cũng là một trong những vấn đề nan giải đối với thực trạng xã hội Nhật ngày nay.

Bởi vì xã hội ngày nay vẫn còn quan niệm “Nuôi con vốn dĩ là trọng trách lớn thuộc về người mẹ" cho nên có rất nhiều người phụ nữ dù muốn thử sức với các công việc ngoài xã hội nhưng vì không thể nào vứt đi trách nhiệm nuôi con, nên họ đành phải tạm gác mong muốn được làm việc lại. Gần đây, người ta hay dùng cụm từ “Bức tường trở ngại khi con vào lớp một", “Bức tường trở ngại khi con vào lớp bốn" để nói về những vấn đề xã hội nan giải trên. Trong chuyên mục bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng đi sâu vào phân tích chủ đề “Bức tường trở ngại khi con vào lớp một" nhé!

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của “Bức tường trở ngại khi con vào lớp một" phải nói đến đó là khi trẻ bắt đầu quá trình chuyển cấp từ Mầm non sang Tiểu học thì đồng thời thời gian trẻ được trông giữ ở ngoài cũng sẽ ít đi. Điển hình như trường tiểu học công lập mà con trai tôi đang theo học, sau một tuần nhập học nếu không đăng ký chế độ cơm suất ở trường thì bạn phải đón bọn trẻ trước giờ ăn trưa. Cho dù có đăng ký cho con chế độ cơm suất ở trường thì cũng tầm 1 giờ chiều thì bọn trẻ phải về nhà, vì vậy tôi đã xin đi làm ca sáng để buổi chiều có thể ở nhà để trông bọn trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ làm việc theo chế độ nhân viên toàn thời gian thì lại không được như vậy nên phải tìm đến giải pháp là các cơ sở trông trẻ sau giờ học ở trường.

Cơ sở trông trẻ sau giờ học tại khu tôi sống chỉ tiếp nhận trẻ ở trong địa bàn thành phố. Vào các ngày thường, từ lúc kết thúc giờ học trên trường cho đến 6 giờ tối là bọn trẻ sẽ chơi cùng các cô hướng dẫn và những người bạn cũng được bố mẹ đăng ký đến các trung tâm này. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 1 giờ chiều đến 6 giờ chiều thì chỉ có các gia đình có bố mẹ làm việc hơn 3 tiếng ít nhất 3 ngày trong tuần mới được đăng ký.

Có rất nhiều những nỗi lo phát sinh như khi bạn tan làm thì cũng là lúc các cơ sở trông trẻ sau giờ học hết giờ làm việc và phải đóng cửa, vì vậy mà bọn trẻ dù chỉ mới 6, 7 tuổi nhưng phải tự mình đi về nhà, rồi lại ở nhà một mình nên cũng rất đáng lo. Có rất nhiều những bà mẹ không kịp giờ đến đón con, rồi cũng có tình trạng cố gắng tăng ca thêm một chút.

Mặc dù khi bước vào cấp Tiểu học thì trẻ cũng sẽ bắt đầu tiếp nhận rất nhiều bài tập về nhà, thế nhưng ở độ tuổi lớp một, trẻ vẫn chưa có được ý thức tự giác làm bài hay thậm chí là trốn tránh việc làm bài tập nhà. Lúc đó lại phải cần đến sự có mặt của người lớn.

Hơn nữa, việc chuẩn bị đồ đạc, sách vở cho ngày tiếp theo đi học cũng không đơn giản, do đó trong suốt quá trình theo học tiểu học, để việc học tập của con trẻ được hiệu quả cần có sự quan tâm và theo sát của người lớn. Khi trẻ học Mầm non bố mẹ có thể gặp trực tiếp giáo viên khi đón con và dễ dàng theo dõi tình hình chi tiết của con trẻ thông qua sổ liên lạc trên trường, nhưng khi chuyển cấp lên Tiểu học thì thời gian bố mẹ giao tiếp với giáo viên phụ trách cũng dần ít đi. Chính vì không biết rõ tình hình con mình nên không ít các bà mẹ đã rơi vào tình trạng bất an và cảm thấy cô độc.

Ngoài ra, từ giữa cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 là thời điểm nghỉ hè của trẻ nhưng đối với người lớn thì không có kỳ nghỉ hè nào dài như vậy. Mặc dù ở những cơ sở trông trẻ sau giờ học có chuẩn bị bánh kẹo cho trẻ nhưng rất hiếm việc chuẩn bị cơm trưa. Trong thời gian nghỉ hè của trẻ, các cơ sở trông trẻ sau giờ học cũng tăng cường phục vụ thêm dịch vụ cơm hộp.

Chỉ riêng những người mẹ bình thường đã quá vất vả với thực trạng như vậy. Huống gì những người mẹ có hơn 2 con thì nỗi vất vả ấy sẽ nhân lên vài phần nên có lẽ không thể nào vượt qua được giai đoạn ấy bằng nghị lực bình thường được. Đó cũng là lý do vì sao có rất nhiều bà mẹ đã phải tạm bỏ công việc hoặc chuyển sang hình thức làm bán thời gian khi con bước vào ngưỡng cửa lớp một. Quả thực thì “việc cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con trẻ" nói thì dễ, nhưng thực tế thì đó là cả một sự nỗ lực phi thường của những người mẹ đấy.