5 điều quan trọng giúp bạn lấy điểm trong giao tiếp, tạo môi trường hòa hợp nơi công sở

Mối quan hệ giữa người với người trong công ty rất quan trọng. Không chỉ với cấp trên mà ngay cả với đồng nghiệp và cấp dưới, mối quan hệ tốt ít nhiều vẫn là thứ phải xây dựng. Quan hệ con người tốt, công việc cũng suôn sẻ đến bất ngờ. Ngược lại, một khi mối quan hệ với mọi người xung quanh rạn nứt thì chuyện bị loại khỏi xã hội hay công ty là kết cục khó tránh khỏi. Trong bài viết này, tôi xin lý giải những điểm quan trọng và đáng lưu ý để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân trong môi trường công việc.

Hãy bắt đầu bằng lời chào

Nền tảng của quan hệ con người là “chào hỏi". Mấu chốt là phải chủ động tiến tới mở lời. Có thể bạn không được chào lại hoặc rất ít người trong số cấp trên và đồng nghiệp chào lại bạn. Nhưng thật ra không ai lại khó chịu với một người cười rạng rỡ và mở lời chào họ cả. Vì thế hãy chào thật rõ và cố gắng nhìn vào mắt đối phương khi cất tiếng chào.

Bên cạnh những câu chào cấp trên bằng kính ngữ như “Ohayo gozaimasu" (chào vào buổi sáng), “Osakini shitsureishimasu" (xin phép về trước), bạn có thể chào đồng nghiệp vài câu nhẹ nhàng ngắn gọn như “Ohayo" hay “Osaki" thôi cũng được.

Riêng với cấp trên và người trên cấp bậc nói chung, câu “Gokurosamadesu" (chào ra về) được xem là của người trên nói với người dưới, vì vậy có thể làm phật lòng đối phương. Tốt nhất với cấp trên ta nên dùng câu “Otsukaresamadesu" (chào ra về).

5 điều cơ bản nhất để hoà hợp nơi công sở

Để giữ bầu không khí tích cực ở nơi làm việc, nên khắc cốt ghi tâm câu tục ngữ của Nhật: “Thân mấy cũng giữ lịch sự". Không chỉ với cấp trên, ngay cả với đồng nghiệp và cấp dưới, dù có thân thiết cũng phải thật chú ý luôn tôn trọng và quan tâm đến nhau.

1. Giữ lời hứa, cố gắng thể hiện lối ứng xử trung thực

Đối với những việc được giao phó, nhất định phải đảm bảo thời gian hoàn thành. Giữ lời và đúng giờ là việc hiển nhiên phải làm, từ việc thực hiện lời cam kết đó mới sinh ra lòng tin.

2. Đừng quên giữ thái độ khiêm tốn

Giao tiếp là rất quan trọng, nhưng chỉ chăm chăm nói về mình thì không phải là “đối thoại". Hãy bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách lắng nghe đối phương trước. Cho dù có trái ý mình hay có điều mình muốn phản bác giữa chừng, hãy lắng nghe trước đã!

3. Không nói xấu hay bình luận tiêu cực

Tránh nêu ý kiến về một người ở nơi vắng mặt họ. Thông tin có thể được lan truyền gián tiếp đến họ.

4. Giữ một khoảng cách hợp lý

Rất khó để định rõ khoảng cách thế nào là hợp lý, nhưng rõ ràng nên tránh xâm phạm sâu hơn mức cần thiết không gian riêng tư của người khác. Việc vay mượn tiền rất dễ gây phát sinh rắc rối, cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài ra, tuy mỗi trường hợp mỗi khác nhưng nên hạn chế kéo người khác vào công việc trong ngày nghỉ của họ. Ít nhất hãy luôn đặt cộng sự của mình lên hàng đầu, đừng bắt họ tham gia quá sâu trong ngày nghỉ đó.

5. Hãy giữ ý ngay cả trong lời từ chối

Ví dụ trong lúc đang cần xử lý một việc thì lại có người nhờ bạn việc khác, bạn chỉ còn cách từ chối. Dù vậy cũng khó mà nói từ chối ngay phải không?

“Hôm nay tôi phải chuẩn bị tài liệu cho một dự án khác. Anh có gấp lắm không? Chắc là mai tôi sẽ làm việc anh nhờ được." – hãy giải thích thật dễ hiểu những lý do phức tạp và thử cho đối phương phương án thay thế!

Trong giao tiếp ở công sở, biết trước TPO (Time – thời gian, Place – địa điểm, Occasion – các trường hợp) để sắp xếp nhân lực hỗ trợ nhau trong mọi diễn biến chính là chìa khoá thành công. Nhưng hỗ trợ nhau không phải là chuyện một sớm một chiều. Hãy tìm một đàn anh để noi gương, tự mình tích cực hỏi han, tích luỹ theo năm tháng bạn nhé!