Cùng tìm hiểu về hình thức đồng hành bán hàng

Chúng mình đã giới thiệu đến các bạn công việc của nhân viên bán hàng (như cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng và hưởng hoa hồng) trong phần 2 của chuỗi bài viết “Nghề nghiệp – Những điều cần biết về nghề bán hàng". Công việc của nhân viên bán hàng, hay thường được gọi là nhân viên kinh doanh (salesman), là công việc yêu cầu các kỹ năng ứng xử, giao tiếp với người khác, bao gồm cả kỹ năng tiếp cận khách hàng. Chính vì vậy mà hình thức làm việc mang tên “đồng hành bán hàng" (営業同行) – trong đó những nhân viên bán hàng mới sẽ được làm việc cùng với nhân viên bán hàng đã có kinh nghiệm. Mục đích của hình thức này nhằm tạo cơ hội để các nhân viên mới học hỏi và hiểu về tác phong trong công việc từ người đi trước, thông qua đó nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản của nghề.

Lợi ích của hình thức “đồng hành bán hàng"

“Đồng hành bán hàng" là hình thức một nhân viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ làm việc cùng với một nhân viên cũ dày dặn kinh nghiệm cùng kỹ năng bán hàng. Người nhân viên mới cùng với người nhân viên nhiều kinh nghiệm đến gặp khách hàng, thương thảo và thực hiện giao dịch.

Đối với những ai chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, việc đi cùng như vậy là một cơ hội tốt để họ học cách thức cũng như các kỹ năng của người đi trước ngay tại nơi giao dịch. Mặt khác, nếu có nhiều dịp cùng nhau bán hàng, người nhân viên mới còn có thể hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình để người nhân viên nhiều kinh nghiệm có thể tiến hành các cuộc đàm phán kinh doanh một cách suôn sẻ, đây còn được xem là mục đích khác của hình thức “đồng hành bán hàng" nữa.

5 điểm cần nắm khi “đồng hành bán hàng"

1. Nắm được kiến thức về sản phẩm
Để tiếp thị tốt, nhân viên bán hàng phải là người hiểu rõ nhất về các sản phẩm và dịch vụ mà mình tiếp thị, nếu không sẽ rất khó để bạn có thể trả lời các câu hỏi của khách hàng cũng như hiểu được nhu cầu của họ. Hẳn không một khách hàng nào muốn giao dịch với một người bán hàng có ít kiến ​​thức về sản phẩm mình bán. Tất nhiên cũng sẽ có một giới hạn nhất định bởi nhân viên bán hàng cũng sẽ khó có thể nào hiểu rõ tất cả các sản phẩm được. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng nắm được tối thiểu các đặc điểm cơ bản của sản phẩm như giá cả, những điểm tương đồng và vượt trội so với các sản phẩm khác, số lượng sản phẩm đã bán v.v…

2. Đừng quên tìm hiểu trước về khách hàng
Thu thập thông tin về các đối tác kinh doanh của công ty mình cũng là một việc cần thiết. Ngoài những điểm cơ bản như công ty đối tác hoạt động trong lĩnh vực ngành/nghề nào, thành tích kinh doanh ra sao và có bao nhiêu nhân viên, bạn cũng nên hiểu về giao dịch trong quá khứ với các đối tác ấy. Nếu bạn lên trang chủ của họ tìm đọc các thông tin liên quan đến chủ đầu tư, tin tức kinh doanh, thông cáo báo chí v.v… bạn sẽ có thể tiếp cận gần hơn đến những gì khách hàng đang tìm kiếm, hoặc chí ít những thông tin này có thể trở thành đề tài cho các cuộc trò chuyện trong tương lai.

3. Tổng hợp trước các câu hỏi
Bây giờ, bạn hãy thử nhớ lại khoảng thời gian bạn đi xin việc trước khi vào công ty. Lúc ấy bạn cũng đã chuẩn bị câu hỏi để hỏi nhà tuyển dụng, ví dụ như về triển vọng trong tương lai chẳng hạn đúng không nào. Thực ra nếu bạn đã chuẩn bị tốt ở khâu 1 và 2, những câu hỏi cần đặt ra cho khách hàng sẽ tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn. Hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng và đặt những câu hỏi nhằm giúp khách hàng giải quyết vấn đề hoặc đạt được mục tiêu mà họ đề ra.

4. Giữ các phép tắc kinh doanh cơ bản
Các phép tắc cơ bản trong môi trường kinh doanh là điều mà ai cũng cần phải biết dù là nhân viên mới. Bạn hãy tìm hiểu về cách nói và sử dụng kính ngữ, cách chào hỏi, trao đổi danh thiếp, vị trí ngồi và thứ tự chỗ ngồi v.v… để không phạm phải điều gì thất lễ với khách hàng nhé! Chẳng may ấn tượng đầu tiên mà không tốt thì sẽ khó có cơ hội cho những lần gặp tiếp theo đấy! Nếu cần thiết bạn có thể ghi chép lại những nội dung quan trọng.

5. Xác nhận phần công việc được giao và nhiệm vụ với người đi cùng
Hình thức “đồng hành bán hàng" là nơi học hỏi của nhân viên trẻ tuổi cũng như người mới. Họ sẽ học được rất nhiều khi tận mắt chứng kiến cách mà những người anh chị đi trước nói chuyện khiến bầu không khí trở nên gần gũi hơn, hay cách mà họ chốt hợp đồng giao dịch. Đó cũng có thể là cơ hội để kiểm tra kỹ năng của những nhân viên mới tại một số địa điểm nhất định, nơi mà người nhân viên nhiều kinh nghiệm sẽ chỉ đứng ở vị trí hỗ trợ cho người mới của họ. Hoặc cũng có trường hợp nhân viên mới chưa đủ năng lực để thực hiện tốt giao dịch thì người nhân viên nhiều kinh nghiệm sẽ đi cùng để tiếp thêm động lực. Vì vậy, tốt hơn hết là giữa hai người hãy có sự phân chia rõ ràng về vai trò trong mỗi lần giao dịch, như liệu người đi cùng sẽ đảm nhiệm việc hỗ trợ hay nắm chính, như vậy mới đạt được hiệu quả của hình thức “đồng hành bán hàng".

Chuẩn bị kỹ càng và tự tin nhất có thể

“Đồng hành bán hàng" không chỉ giúp nhân viên mới phát triển kỹ năng bán hàng của mình, đồng thời đây cũng là một phương thức giúp công ty đào tạo nhân lực. Hãy bắt đầu bằng việc thu thập thông tin, cố gắng tìm hiểu ý của người sẽ cùng đồng hành với mình, và chuẩn bị cho mình sự tự tin nhất có thể, bạn nhé!