Tục lệ gửi thiệp năm mới của người Nhật –Ý nghĩa và nghi thức trong kinh doanh

Như bạn đã biết, Greeting card dùng để biểu lộ lòng cảm ơn, mừng sự kiện như Giáng Sinh hay năm mới. Ở Nhật Bản cũng có phong tục trao đổi thiệp năm mới Nengajo với những người giúp đỡ mình trong suốt 1 năm.

Văn hóa truyền thống Nhật Bản – Thiệp chúc mừng năm mới

Tuy nhiên, do sự phổ cập mạnh mẽ của thư điện tử hay mạng xã hội, số người trẻ gửi Nengajo đang ngày một ít đi. Dù vậy, đối với những người đã đi làm ở Nhật thì Nengajo chính là phương tiện giao tiếp đối với sếp hay đồng nghiệp, cũng như những khách hàng quan trọng.

Hãy cùng suy nghĩ về ý nghĩa cũng như những quy định liên quan đến Nengajo, thứ không thể thiếu để biểu lộ lòng biết ơn năm cũ và chào đón năm mới.

Nguồn gốc của Nengajo

Nengajo là phong tục có lịch sử vô cùng lâu đời từ thời đại Heian (khoảng 400 năm từ năm 794 ~ năm 1185). Người ta cho rằng ban đầu mọi người đi chào hỏi họ hàng, người đã giúp đỡ mình vào đầu năm, sau đó tới thời Edo (1603~1868), Nengajo được gửi đi để thay cho việc đi chào hỏi trong năm mới.

Tới thời Minh Trị (1868 ~ 1912) khi dịch vụ bưu điện đã phát triển, chính là thời điểm khởi đầu của việc chuyển phát bưu thiếp. Vào thời điểm đó cũng đã áp dụng cách thức: cuối năm gửi Nengajo đi và Nengajo sẽ được phát vào đầu năm mới. Qua năm Chiêu Hòa thứ 24 (tức năm 1949), Nengajo kèm tiền mừng tuổi xuất hiện. Từ đó trở đi, Nengajo như một nét văn hóa truyền thống đã thấm sâu vào cuộc sống của người dân Nhật Bản mỗi khi năm cũ qua đi, năm mới đến.

Phương tiện quan trọng để truyền tải lòng biết ơn

Nengajo giúp gửi đi lòng cảm ơn cho một năm vừa qua, cũng như hy vọng mối quan hệ sẽ tốt đẹp trong năm mới sắp tới. Tuy nhiên qua nhiều năm, ý nghĩa đó đang ngày một mờ nhạt đi.

Thế nhưng, chính khi văn hóa thư viết tay đang dần biến mất thì lại chính là lúc cần gửi Nengajo mang ý nghĩa từ trái tim tới khách hàng hay đối tác. Bởi những bức Nengajo được trau chuốt theo đúng quy định thì sẽ làm nâng cao hình ảnh của người gửi tới người nhận. Hãy thử viết Nengajo dựa trên những điều lưu ý sau nhé!

Chú ý tới câu chúc năm mới “Gashi" khi người nhận là người lớn tuổi hơn hoặc có địa vị cao hơn

Gashi (賀詞) chính là những từ chúc năm mới như 賀正 (Gasho, chúc mừng năm mới) hay 迎春 (Geishun, mừng đón năm mới). Nên tránh sử dụng từ Gashi 2 chữ đối với những ai không phải là bạn bè hay người quen.  Sử dụng Gashi 4 chữ có bao gồm các từ 謹 (Cẩn, nghĩa là kính cẩn, chân thành), 恭 (Cung, nghĩa là cung kính),  敬 (Kính, nghĩa là kính trọng), 頌 (Tụng, nghĩa là ca tụng) sẽ biểu thị được ý tôn trọng đối phương. Ngoài ra thì cần phải viết theo chiều dọc.

Ví dụ về Gashi có 4 chữ

謹賀新年 (đọc là “kinga shinnen"): mang ý nghĩa “Kính chúc năm mới"

恭賀新年 (đọc là kyoga shinnen"): mang ý nghĩa “Thành kính chúc mừng năm mới", “Cung chúc năm mới"

Sau Gashi là lời cảm ơn cho một năm vừa qua, thông báo tình hình gần đây cũng như dự định, kế hoạch cho thời gian sắp tới, rồi dùng những câu thông dụng để kết.

Ví dụ mẫu

謹賀新年
Kính chúc năm mới (Gashi)
旧年中は格別のご愛顧を賜わり厚く御礼申し上げます。
Cảm ơn anh/chị đã giúp đỡ trong năm vừa qua (lời cảm ơn)
今年は新部署に移動となり心機一転、あらためて業務に努めていく所存です。変わらぬご指導ご鞭撻のほど何卒よろしくお願い申し上げます。
Năm nay tôi được chuyển công tác tới bộ phận mới, và sẽ cố gắng hết sức trong công việc mới này. Trong năm nay rất mong lại được nhận được sự quan tâm chỉ đạo của anh/chị (thông báo tình hình)
皆さまのご多幸とますますのご繁栄をお祈り申し上げます。
Kính chúc anh/chị sức khỏe và hạnh phúc (kết)

Tránh sử dụng những từ ngữ không may mắn trong năm mới

Không sử dụng những từ ngữ không may mắn như “枯れる" (kareru, nghĩa là “héo"), “去る" (saru, nghĩa là “rời", “ra đi"), “失う" (ushinau, nghĩa là “mất"), “倒れる" (taoreru, nghĩa là “ngã"), “衰える" (otoroeru, nghĩa là “buồn"), “破れる" (yabureru, nghĩa là “vỡ", “rách").

Không dùng hoa văn trang trí quá lòe loẹt

Khi đối tượng gửi Nengajo là đối tác hoặc người trên thì hoa văn trang trí không nên quá lòe loẹt. Nếu sử dụng mẫu có sẵn hoặc nhờ in ấn thì cũng nên viết phần thông báo tình hình bằng tay.

Vế cách viết mặt ngoài Nengajo, các bạn hãy tham khảo bài viết “Quy tắc viết thư và bì thư – Hãy chú ý sử dụng các từ xưng hô tôn kính!" mà tôi đã giới thiệu ở bài viết trước để không bị viết sai nhé. Theo Bưu điện Nhật Bản thì hàng năm, bưu điện nhận Nengajo từ ngày 15/12, nên nếu bạn gửi trước ngày 25/12 thì khả năng tới tay người nhận vào đúng ngày đầu tiên của năm mới là rất cao đấy. Tôi khuyên bạn nên chú ý tới thời điểm gửi Nengajo nhé!

Theo quy tắc thì bạn nên gửi Nengajo trước ngày 7/1. Sau ngày đó sẽ bị tính là “Kanchumimai", tức là tục lệ chào hỏi trong mùa đông, chứ không phải năm mới nữa. Nếu bạn gửi Nengajo muộn thì nên nhớ kèm theo một lời nhắn về việc gửi muộn nhé!