Top 10 loại bánh wagashi Nhật Bản
Chắc hẳn các tín đồ ẩm thực Nhật Bản không còn xa lạ gì với wagashi, các món bánh không thể thiếu trong các buổi tiệc trà Nhật. Vừa thấm nhuần tinh thần trà đạo, wagashi vừa dung hòa các yếu tố thiên nhiên, hơn nữa còn là một thứ mĩ thực mang đầy tính công phu và nghệ thuật.
Sau đây chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng top 10 loại bánh wagashi đặc sắc của Nhật Bản nhé!
1. Ichigo daifuku
Xếp đầu bảng là ichigo daifuku (いちご大福), một trong những loại bánh daifuku và wagashi tiêu biểu. Ra mắt vào năm 1980, bánh hình viên mochi nhỏ có một lớp vỏ đậu đỏ bên trong bọc một quả dâu ngào đường, khi cắt đôi trông như lá quốc kỳ của Nhật thu nhỏ vậy.
Ngọt ngào và thanh mát tựa như ngoại hình đáng yêu của nó, loại bánh dễ tìm thấy ở các cửa hàng wagashi truyền thống trên khắp nước Nhật. Do mang vị dâu tây, Ichigo daifuku thường được thưởng thức vào mùa xuân hay dịp năm mới vì người Nhật cho rằng ăn daifuku vào những ngày đầu năm sẽ đem lại vận may to lớn và một năm thuận lợi.
2. Mitarashi dango
Dango là một loại bánh truyền thống được làm từ bột nếp của Nhật, là một dạng bánh trôi có hình dạng khá giống với mochi. Người Nhật ăn dango quanh năm nhưng mỗi dịp lại có một loại dango khác nhau. Trong đó phải nói đến loại bánh nổi tiếng mitarashi dango (みたらし団子).
Được cho là bắt nguồn từ phòng trà Kamo Mitarashi ở quận Sakyo, Kyoto, mitarashi dango là một loại bánh xiên que 3 – 5 viên (truyền thống là 5) và được phủ láng một lớp nước tương ngọt. Nhiều giả thuyết cho rằng bánh có 5 viên mô phỏng cho cơ thể con người: viên thứ nhất là đầu, bốn viên tiếp theo là tứ chi. Nhưng trên thực tế loại bánh này chỉ từ 3 – 4 viên.
Mitarashi dango mang vị ngọt mặn đặc trưng cùng mùi hương cháy thơm lan tỏa. Bánh thường được bày bán ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị Nhật Bản.
3. Warabimochi
Khi nhắc đến mochi, ai cũng nghĩ sẽ có thành phần là gạo nếp, song warabimochi lại khác.
Được làm từ tinh bột lá cây dương xỉ, warabimochi trải qua nhiều công đoạn thủ công phức tạp, tỉ mỉ để tạo ra kết cấu dai, bề mặt láng và độ mát không cần bỏ tủ lạnh. Ngày trước đây là món ăn chỉ dùng để phục vụ cho hoàng thất, quý tộc Nhật ở Kyoto là chủ yếu. Rồi thời đại phát triển và vì dương xỉ thật rất đắt tiền nên warabimochi được làm từ bột khoai tây hoặc bột sắn.
Warabimochi được ăn phổ biến vào mùa hè và là một trong những đặc sản vùng Kansai. Ở Kansai, hầu như ai cũng biết đến món ăn này, tuy nhiên một số vùng khác có khi lại chẳng biết đến cái tên warabimochi. Warabimochi thường được bán trong các xe tải nhỏ như các xe kem ở phương Tây.
4. Arare – senbei – okaki
Arare (あられ), senbei (せんべい) và okaki (おかき) là những món bánh quy được làm từ gạo, thường có dạng hình tròn, đôi khi mang hình dạng khác, có vị sốt đậu nành thơm ngon. Tùy theo loại gạo làm ra bánh mà tên gọi sẽ khác nhau: gạo nếp sẽ cho ra lò những chiếc bánh mềm mại, nhỏ xinh gọi là arare và okaki; còn gạo tẻ sẽ cho ta những mẻ bánh gọi là senbei.
Vậy thì người Nhật phân biệt arare và okaki như thế nào? Thật ra cả hai chỉ khác nhau về kích thước: bánh to là okaki, bánh nhỏ là arare; trên thực tế khó có thể phân biệt một cách cụ thể. Arare có nghĩa là mưa đá vì âm thanh và hình dạng phồng lên khi sấy và nghiền thành bánh gạo thô tương tự như mưa đá vậy.
5. Taiyaki
Nói về độ nổi tiếng, chắc chắn taiyaki cũng không còn xa lạ gì với các bạn phải không nào? Taiyaki (たい焼き) là loại bánh nướng mang hình thù cá tráp biển, với đa dạng các loại nhân từ mặn đến ngọt. Nhân truyền thống của Taiyaki là đậu đỏ azuki, ngoài ra còn có các loại nhân đặc biệt như nhân kem trứng, nhân bánh xèo okonomiyaki, sủi cảo gyoza, v.v..
Taiyaki ra mắt tại một cửa hàng đồ ngọt tên là Naniwaya ở Azabu, Tokyo vào năm 1909. Ngày nay chúng ta có thể mua ở bất cứ đâu tại Nhật. Đặc biệt là tại khu thực phẩm nấu chín của siêu thị và trong các ngày lễ truyền thống. Đặc biệt, vỏ bánh taiyaki còn được dùng như một loại vỏ kem ốc quế để phục vụ kem cho thực khách.
6. Mame daifuku
Mame daifuku (豆大福) là một trong những món bánh daifuku được ưa chuộng tại Nhật Bản và đã có mặt từ thời Edo. Mame daifuku là loại bánh gạo hình viên tròn vừa phải có hoa văn chấm bi và phần nhân đậu đỏ azuki hoặc đậu nành, đôi khi có cả đậu xanh.
Bánh thường được phục vụ vào các buổi tiệc trà, đôi khi cũng có bánh phục vụ kèm với cà phê tại các quán cà phê ở Nhật. Mame daifuku được cho là một món điểm tâm sáng và món bánh này chỉ nên ăn trong ngày để giữ được hương vị ngon nhất của bánh.
7. Imagawayaki – obanyaki – kaitenyaki – oyaki
Imagawayaki (今川焼き) là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng của Nhật Bản với vẻ ngoài giống như bánh kếp giòn kẹp nhân đậu đỏ thơm ngon. Món bánh này đã trải qua 300 năm tuổi nhưng vẫn là một trong những món được bán chạy nhất trên các tiệm bánh đường phố Nhật Bản trong các thế kỉ qua. Nhiều người thường nhầm lẫn imagawayaki với dorayaki vì đều là bánh kếp kẹp, tuy nhiên về độ dày thì imagawayaki dày hơn và có viền bánh giòn hơn.
Một điểm độc đáo nữa của Imagawayaki là có nhiều phiên bản khác nhau với tên khác ở mỗi vùng địa phương Nhật Bản. Phiên bản thường thấy nhất là obanyaki (大判焼き) ở Kansai. Xuống phía Nam, chúng lại được biết đến với cái tên kaitenyaki (回転焼き) ở Kyushu theo cách chiếc chảo được xoay vòng trong quá trình nấu.
Dọc theo miền Trung Nhật Bản đến Nagano, ta có oyaki (おやき) là một loại bánh bao có vỏ bánh làm từ bột lúa mì và nhân rau củ như bí đỏ, cà tím, củ cải. Bánh bao là món ăn hàng ngày, rất tiện đem theo làm bữa trưa nên các nông dân thường cầm theo ra đồng. Oyaki có thể làm tại nhà hoặc mua tại các cửa hàng bánh.
8. Castella
Castella (カステラ) là một loại bánh bông lan xốp mềm, có ngoại hình đơn giản nhưng bắt mắt với sắc vàng óng ánh của cốt bánh, viền mặt bánh màu nâu và hương thơm mật ong ngọt ngào.
Được ngươi Bồ Đào Nha du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ XIX, castella vốn là một loại lương thực dự trữ, không hư hỏng khi bảo quản lâu ngày. Do vậy nó được các thương nhân đi làm ăn xa mang theo dùng. Đến nay castella đã trở thành một loại bánh trứ danh tại Nagasaki.
9. Dorayaki
Nếu là fan cứng của chú mèo máy Doraemon, chắc chắn bạn biết món ăn khoái khẩu của chú là gì rồi phải không? Đúng vậy, đó chính là dorayaki (どら焼き).
Có nhiều người tưởng rằng tên bánh dorayaki được đặt theo tên nhân vật Doraemon, thật ra không phải vậy. Bánh Dorayaki truyền thống đã có cách đây 100 năm với hai lớp vỏ bánh tròn dẹt nhân đậu đỏ, sau này có thêm các loại nhân khác. Tuy đã xuất hiện từ rất lâu, mãi đến thời truyện tranh Doraemon, loại bánh này mới được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.
Ở Nhật tên gọi chính của bánh là dorayaki nhưng ở vùng Kansai như Osaka, Kyoto, người ta lại gọi loại bánh này là misaka, nghĩa là chiếc mũ rơm, có lẽ vì hình dạng của nó.
10. Ohagi – botamochi
Ohagi (おはぎ) và botamochi (ぼたもち) là món bánh gạo cổ truyền của Nhật Bản, có nhân được làm từ gạo nếp và bọc bằng vỏ đậu đỏ (có thể thay thế bằng kinako hoặc mè đen). Cùng là một loại bánh nhưng lại có hai cái tên vì ohagi và botamochi được thưởng thức vào khoảng thời gian khác nhau.
Cái tên ohagi xuất phát từ hagi, bụi cỏ ba lá có hoa nở vào mùa thu, do vậy ohagi thường được thưởng thức vào mùa thu. Còn botamochi được đặt tên dựa theo hoa mẫu đơn (botan) và thường được ăn vào mùa xuân, cụ thể là dịp năm mới như một cách thức đón xuân về.
Tổng kết
Nhắc đến Nhật Bản, không thể không nhắc đến các loại bánh wagashi truyền thống. Wagashi không chỉ ngon mà còn phong phú và đặc sắc, bên cạnh đó ta có thể cảm nhận được sự tinh tế cũng như trau chuốt món ăn của những nghệ nhân làm bánh. Top 10 wagashi kể trên là những loại wagashi tiêu biểu mà các bạn có thể thưởng thức một cách dễ dàng khi đặt chân đến xứ sở Phù Tang.