Những món bánh kẹo có nhân đậu đỏ sẽ như thế nào nhỉ?
Nhắc đến bánh kẹo của Nhật, bạn sẽ nghĩ đến gì nào? Có thể chúng không phổ biến như các món ăn Nhật Bản, nhưng nếu bạn đã đi du lịch đến xứ sở mặt trời mọc này thì chắc chắn bạn sẽ bắt gặp rất nhiều món ngọt nhân đậu đỏ để làm quà lưu niệm đấy! Thế nên hôm nay tôi sẽ nói chuyện về đậu đỏ nha!
Đậu đỏ (Anko) là gì
Đậu đỏ Anko là một hỗn hợp sệt của đậu đỏ nấu chung với đường. Nó có vị ngọt khá gắt nên được sử dụng trong nhiều loại bánh kẹo khác nhau của Nhật Bản từ thời xa xưa đến nay.
Đậu đỏ Anko luôn đóng vai trò chủ đạo trong các món bánh kẹo Nhật Bản. Hiện nay, đậu đỏ ít khi được làm tại nhà nhưng vẫn thân thuộc với nhiều gia đình người Nhật, nhất là ở làng quê. Công việc làm nhân đậu đỏ cần sự kiên trì, vì vậy mà mọi người thường thích mua bánh kẹo có nhân đậu đỏ tại các cửa hàng, hoặc siêu thị Nhật để thưởng thức.
Đậu đỏ Anko có hai loại chính. Một là Tsubuan – hỗn hợp đậu đỏ nấu còn nguyên hạt, và Koshian – hỗn hợp sánh mịn không còn hạt. Mỗi người mỗi sở thích, cho nên ngay cả với người Nhật, người ta vẫn thường hỏi “Bạn là người thích Koshian hay Tsubuan?". Tuỳ loại đồ ngọt, mà người ta có thể chuẩn bị cả Tsubuan và Koshian, vì vậy bạn có thể thử thưởng thức rồi so sánh xem nhé! Tiện thể, tôi cũng tiết lộ luôn là tôi thích nhân Koshian nha các bạn (cười)!
Sau đây tôi xin giới thiệu một số loại đồ ngọt đặc trưng của Nhật Bản làm từ đậu đỏ.
Bánh bao Manju
Bánh bao Manju là một loại bánh hấp được làm bằng cách nhào bột mì, rồi cho nhân đậu đỏ vào. Món này thường được làm quà biếu tại các địa điểm du lịch, có nhiều loại như bánh bao hấp có in tên và hoa văn của các địa điểm du lịch và các khu suối nước nóng như Onsen Manju, hay loại bánh có tẩm vị vào bột, ngoài ra còn có cả bánh bao chiên nữa. Khi đến Nhật du lịch, sao bạn không thưởng thức món bánh bao Manju đặc sản của địa phương đó nhỉ?
Bánh Daifuku (Đại Phúc)
Bánh Daifuku được làm bằng bột chế biến từ gạo nếp có nhân đậu đỏ. Bột bánh dai hơn bánh bao Manjuu và kết cấu đặc biệt thường thấy ở bánh Mochi nên bột bánh có thể kéo dài. Được yêu thích nhất có thể kể đến “Ichigo Daifuku" là bánh có kẹp dâu tây, “Yomogi Daifuku" đầy hương thơm vì có cho ngải cứu vào bột, và “Mame Daifuku" thì có cho thêm đậu xanh. Nếu thưởng thức bánh Daifuku với trà xanh vào bữa ăn nhẹ, người Nhật chúng tôi thường sẽ mỉm cười hạnh phúc lắm đấy!
Bánh cá Taiyaki
Nhào bột bánh xong bỏ vào khuôn cá tráp, và phần nhân bên trong chính là đậu đỏ. Đặc biệt vào mùa đông, nếu mua xong rồi ăn nóng tại chỗ thì ngon lắm đấy! Có rất nhiều cửa hàng đặc sản và lâu đời làm Taiyaki, vì thế nếu các bạn được thưởng thức hương vị và kiểu dáng bánh của từng cửa hàng thì chắc hẳn sẽ là một kỷ niệm khó quên đấy nhỉ!
Bánh Imagawayaki
Nguyên liệu làm bánh Imagawayaki cũng tương tự Taiyaki, nhưng hình dáng thì lại là hình tròn. Ngày xưa, nó có hình dạng Koban – một đồng xu tiền tệ thời đó, và vì nó lớn hơn Koban nên người ta gọi là Oban-yaki. Thông thường bên trong là nhân đậu đỏ, nhưng cũng có các loại mà trẻ em yêu thích như bánh nhân sữa trứng, kem sô cô la. Tôi thấy ngon nhất là cho nguyên cái bánh còn nóng hổi vào miệng mà thưởng thức.
Bánh Monaka
Ngon nhất phải kể đến là bánh mochi hay vỏ bột mì mỏng nướng nóng giòn có nhân đậu đỏ. Với lớp vỏ giòn được nhiều người ưa chuộng, bên trong còn có nhân Gyuhi (một loại đồ ngọt làm từ bột, dẻo và dai giống mochi) hoặc hạt dẻ nữa, các bạn có thể thưởng thức nhiều hương vị khác nhau. Ngoài ra, cũng có bánh tách vỏ và nhân bên trong, nên bạn có thể tự thêm nhân đậu đỏ trước hoặc trong khi ăn tuỳ thích.
Bánh Dango
Bánh dango được làm bằng cách nhào bột Shiratamako (bột gạo) và Joshiko (bột mì) vào, rồi nấu lên. Nó có độ xốp hơn mochi, và là món ăn nhẹ hoàn hảo khi đói đấy nhé. Nhìn chung bánh có hình dạng như xiên que, có nước sốt mặn ngọt gọi là mitarashi, tương mè, hoặc đậu đỏ. Bạn có thể mua bánh ở siêu thị, hoặc tại các địa điểm tham quan có bán Dango nướng, bạn vừa có thể ăn vừa cho đậu đỏ vào bánh dango nóng giòn tại chỗ luôn.
Bánh Kintsuba
Kintsuba là món ngọt mà đậu đỏ Anko được tạo hình vuông (một số địa phương thì làm hình tròn), sau đó cho bột mì vào nước trộn lên, áo mỏng bên ngoài rồi nướng lên. Trong số các loại bánh kẹo Nhật tôi giới thiệu trong bài này thì đây là món có tỷ lệ nhân đậu đỏ có thể nói là cao nhất. Món này thường thấy ở các cửa hàng chuyên đồ ngọt của Nhật, sẽ khiến các tín đồ đồ ngọt khó cưỡng lại đấy.
Bánh Ohagi
Bánh ohagi được làm từ gạo nếp và gạo tẻ nấu chung với nhau, sau đó nghiền nhỏ thành hình tròn hoặc hình bầu dục rồi gói lại bằng một lớp đậu đỏ Anko. Thường thì người ta rắc bột đậu nành rang hoặc hạt mè lên trên. Đây là một loại bánh ngọt của Nhật thường được dùng để ăn nhẹ trong bữa ăn mà có thể cảm nhận được hạt gạo đấy nhé!
Thạch Yokan
Món này được làm từ đậu đỏ kết hợp với thạch rau câu và nặn thành hình que. Bóng bẩy, sang trọng với vị ngọt đậm đà, rất hợp khi dùng với 1 ly trà xanh. Ngoài ra, Yokan cũng có nhiều biến thể như sử dụng hạt dẻ, và đường nâu, hoặc khoác lên nhiều lớp màu khác nhau để thể hiện các mùa Nhật Bản. Món này rất được ưa chuộng để mua làm quà vì nhìn rất trang nhã đấy!
Các món khác
Vì người dân Nhật yêu thích đậu đỏ nên thường cho đậu đỏ vào nhiều món khác nhau. Một số nơi có món Anmitsu với trái cây và thạch hình xúc xắc bày trên đĩa rắc thêm đậu đỏ, mật ong đen, hoặc món bánh mì nướng bơ và đậu đỏ (bánh mì nướng cùng một lát bơ, được phủ thêm một lớp đậu đỏ Anko) cũng trở thành bữa ăn chính luôn đó các bạn. Ngoài ra, người ta cũng ăn kem với nhân đậu đỏ bên trong, hoặc là vào mùa đông có món Shiruko – cho mochi vào súp đậu đỏ. Bạn thấy đấy, đậu đỏ là một phần không tách rời trong đời sống người Nhật.
Lợi ích sức khoẻ của đậu đỏ
Đậu đỏ không chỉ ngon đâu nhé, bạn có biết đậu đỏ còn có những tác dụng gì với cơ thể chúng ta không nè?
Chất xơ
Đậu đỏ, và những nguyên liệu làm từ đậu đỏ rất giàu chất xơ, làm giảm táo bón.
Sắt và Isoflavone
Cả hai đều là những chất dinh dưỡng hoàn hảo để chống lão hoá. Do đó phụ nữ thích đậu đỏ là chính xác nha!
Saponin
Saponin có trong đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu rất tốt cho những người bị phù.
Vitamin B1, B2
Hai loại vitamin này có tác dụng phân giải đường và chất béo nên đồ ngọt làm từ đậu đỏ khá là tốt cho sức khoẻ. Bạn vừa có thể vừa ăn ngon miệng, mà không sợ ảnh hưởng đến chế độ ăn kiêng đang theo.
Tuy nhiên, vì món này chế biến hay dùng khá nhiều đường nên bạn cũng nên hạn chế ăn quá nhiều nha!
Tổng kết
Bạn thấy đậu đỏ – “nhân vật chính" trong các món đồ ngọt của Nhật – thế nào nè? Nếu có dịp thì nhất định bạn hãy thử các món có nhân đậu đỏ thơm ngon, tốt cho sức khoẻ và ít calo nhé!