Người hùng thay đổi lịch sử Nhật Bản – Sakamoto Ryoma
Thời kỳ Edo kéo dài từ khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, và người nắm đại quyền thực sự trong giai đoạn này chính là Tướng quân (将軍, đọc là “Shogun") với chính quyền Mạc phủ Edo.
Tuy nhiên, khi thế lực của Mạc phủ ngày một suy yếu, thì tại Nhật Bản có luồng tư tưởng cho rằng “Thiên Hoàng trở lại nắm quyền sẽ tốt hơn" ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Trải qua thời gian dài, cuối cùng, Tướng quân đời thứ 15 của Mạc phủ là Tokugawa Yoshinobu (徳川慶喜) đã trao trả chính quyền lại cho Thiên Hoàng – lịch sử gọi là sự kiện Đại Chính Phụng Hoàn (大政奉還, đọc là “Taiseihoukan") – đánh dấu việc thành Edo được chuyển giao cho Tân chính quyền cai trị.
Sự kiện này cũng thường được gọi là “sự kiện mở thành Edo không tốn giọt máu nào", và được xem là một sự kiện vô cùng hiếm thấy trong lịch sử Nhật Bản khi không cần một cuộc chiến tranh nào vẫn trao trả thành một cách tốt đẹp.
Một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng liên quan đến sự kiện Đại Chính Phụng Hoàn và việc trao trả thành Edo chính là Sakamoto Ryoma.
Ông là nhân vật lịch sử được rất nhiều người dân Nhật Bản tôn kính và yêu thích. Có rất nhiều vùng đất gắn liền với tên tuổi của ông như: thủ đô Tōkyō, phủ Kyoto, và tỉnh Kōchi nơi ông sinh ra v.v…
Khắp nước Nhật từ Hokkaido cho đến tỉnh Kagoshima có rất nhiều nơi đặt tượng đồng của ông, Ryoma được xem là nhân vật được tạc tượng đồng nhiều nhất Nhật Bản.
Thời trẻ của Sakamoto Ryoma
Sakamoto Ryoma (坂本龍馬) là một võ sỹ cấp thấp xuất thân tại phiên Tosa (土佐藩, hiện là tỉnh Kōchi). Người ta đã đặt một tượng đài kỉ niệm ở nơi ông sinh ra.
Địa danh | Nơi sinh của Sakamoto Ryoma (坂本龍馬生誕地) |
Địa chỉ | 1-7 Kamimachi, thành phố Kōchi, tỉnh Kōchi |
Bản đồ |
|
Ryoma sinh năm 1836 trong một gia đình có 5 người con, ông có 1 anh trai và 3 chị gái, vì vậy mà thuở nhỏ ông rất nhõng nhẽo và được gia đình nuông chiều. Ông theo học tại trường học của một vị học giả nhưng đã sớm bỏ học mà theo học kiến thức cùng võ thuật do thuộc hạ của chị ông giảng dạy.
12 tuổi ông bắt đầu theo học tại một võ đường, và chỉ trong vòng 5 năm, kiếm thuật của ông đã đạt đến trình độ đáng nể. Để nâng cao kiếm thuật của mình, ông đã lên đường đến Edo (nay là thủ đô Tōkyō). Tại đây, ông đã theo học võ đường Chiba – vốn là một võ đường kiếm thuật danh tiếng.
Hiện nay dù võ đường Chiba không còn, nhưng người ta đã đặt một chiếc bảng giới thiệu về võ đường này tại vị trí cũ của nó gần ga Tōkyō.
Địa danh | Di tích võ đường Chiba (千葉道場跡) |
Địa chỉ | 2-8-8 Yaesu, Chuo-ku, thủ đô Tōkyō |
Bản đồ |
|
Ngay sau khi dời đến sống ở Edo, một sự kiện làm thay đổi vận mệnh của ông đã xảy ra. Hoa Kỳ đưa 4 chiếc tàu lớn đến, buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương với nước ngoài. Lúc bấy giờ, Nhật Bản đang trong thời kỳ thực hiện chính sách Toả quốc, chỉ giao thương với rất ít quốc gia.
Ryoma khi ấy là một cảnh binh trong quân đội phụng sự tại cảng Shinagawa. Ban đầu ông luôn tâm niệm phải chiến đấu với người ngoại quốc, tuy nhiên sau khi thấy được sự kì vĩ của chiếc thuyền Hoa Kỳ, ông đã vô cùng sốc và thay đổi suy nghĩ, muốn tìm hiểu về tình hình quốc tế.
Sau đó, ông ngừng việc học kiếm thuật tại Edo và trở về Tosa.
Những năm tháng xa quê hương
Những người xung quanh Ryoma đều ủng hộ chủ trương Tôn Vương Nhương Di (尊王攘夷, đọc là “Sonnō jōi"), là một chủ trương lật đổ chế độ Mạc phủ, xây dựng chính quyền mới với Thiên Hoàng làm trung tâm, đuổi những người ngoại quốc ra khỏi Nhật Bản. Tuy nhiên, các tầng lớp cấp cao ở phiên Tosa mãi vẫn không có động tĩnh gì.
Vì vậy Ryoma cùng vài người bạn đã thoát phiên Tosa với dự định sẽ tham gia vào phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) ở Kyoto nơi cũng theo chủ trương Tôn Vương Nhương Di.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ thoát phiên là một trọng tội. Không chỉ người võ sỹ đã thoát phiên mà cả gia đình của người đó cũng phải gánh tội. Người ủng hộ ông thoát phiên chính là người hầu nữ năm xưa của chị gái ông. Bà hiểu được suy nghĩ của ông, biết rằng ông rất xem trọng việc thay đổi đất nước đến độ đặt cược cả mạng sống của mình, vì vậy bà đã động viên và cầu nguyện cho ông.
Sau khi đã thoát phiên Tosa, nhóm của Ryoma đã đến phiên Satsuma. Tuy nhiên, chủ trương thật sự của phiên Satsuma không phải là Tôn Vương Nhương Di, mà là Công Vũ Hợp Thể (公武合体, “Kōbu Gattai"), tức chủ trương phối hợp chính trị giữa Thiên Hoàng và Tướng quân, củng cố thế lực của Mạc phủ, đuổi người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản.
Kết quả là khi nhận thấy mối nguy cơ từ chủ trương của nhóm Ryoma, phiên Satsuma đã đuổi họ ra khỏi phiên, Ryoma phải chạy trốn khắp nơi, sau cùng ông đã về lại võ đường Chiba.
Lúc bấy giờ, tại Edo có Katsu Kaishu (勝海舟), là một người đi tiên phong với chủ trương mở cửa đất nước, ông cho rằng “Nhật Bản hãy mở cửa và tiếp nhận ngoại quốc". Nhóm của Ryoma đã đột nhập và định ám sát Katsu, nhưng ngược lại, lại bị ông ta thuyết phục theo chủ trương mở cửa đất nước và trở thành môn đệ của ông.
Nhờ lời đề bạt của Katsu Kaishu, tội thoát phiên của Ryoma được miễn.
Tôi muốn thay đổi Nhật Bản!
Tuy nhiên, những người bạn cùng chủ trương Tôn Vương Nhương Di trước đây của Ryoma lần lượt bị bắt và hành hình, cùng với đó là phiên Choshu (nay là tỉnh Yamaguchi) theo phe Tôn Vương Nhương Di đã đánh trả đũa thuyền của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Ryoma còn nghe được những người ngoại quốc có mưu đồ xấu đã bí mật liên kết với Mạc phủ, ông cảm thấy vô cùng buồn và chán nản. Vì vậy, ông đã gửi một bức thư cho chị mình nói rằng muốn “rửa sạch đất nước Nhật Bản" và đã quyết tâm thực hiện việc này.
Lúc này, dưới trướng của Katsu Kaishu, ông đã dốc hết sức mình thiết lập một cơ sở huấn luyện hải quân ở thành phố Kobe thuộc tỉnh Hyōgo ngày nay. Trong khoảng thời gian này, ông gặp và yêu một người phụ nữ tên là Oryo (お龍).
Những nỗ lực của Ryoma và Katsu Kaishu không mang lại kết quả, tình thế trong nước vẫn tiếp diễn như trước nay, còn kế hoạch xây dựng trường huấn luyện hải quân bị Mạc phủ bãi bỏ.
Đội Hải viện Kaientai (海援隊)
Lúc này, phiên Satsuma lại bắt đầu xem trọng những kiến thức chuyên môn về kỹ thuật hàng hải của nhóm Ryoma, vì vậy họ đã đầu tư để Ryoma thành lập một công ty thương mại và hải quân tư nhân tên là Kameyama Shachū (亀山社中) ở Nagasaki. Đây cũng được xem là công ty cổ phần đầu tiên của Nhật Bản.
Hiện trụ sở của công ty này đã xuống cấp và được trùng tu lại thành viện bảo tàng lưu trữ nhiều thông tin liên quan đến Sakamoto Ryoma.
Địa danh | Bảo tàng tưởng niệm Kameyama Shachū (亀山社中記念館) |
Trang chủ | http://www.city.nagasaki.lg.jp/kameyama/outline/kameyamashachu.html |
Số điện thoại | 095−823−3400 |
Địa chỉ | 2-7-24 Irabayashi, thành phố Nagasaki, tỉnh Nagasaki |
Bản đồ |
|
Thời gian hoạt động | 9:00 – 17:00 |
Phí vào cổng | Người lớn: 300 JPY Học sinh THPT: 200 JPY Học sinh Tiểu học/THCS: 150 JPY |
Thương vụ đầu tiên của Kameyama Shachū là làm trung gian để dàn xếp mua súng từ một công ty của Anh tên là Glover. Lúc này, phiên Choshu vẫn không từ bỏ ý định đảo Mạc, vì lo sợ nên Mạc phủ đã ra thông cáo với ngoại quốc rằng họ không được phép bán vũ khí cho phiên Choshu.
Ryoma cho rằng để thay đổi đất nước một cách triệt để theo kiểu “rửa sạch" như ông từng mong muốn, thì không còn cách nào khác ngoài việc phải liên kết hai phiên có thế lực hùng mạnh lúc bấy giờ là phiên Choshu và phiên Satsuma lại tạo thành một lực lượng đồng minh hùng hậu đánh đổ Mạc phủ, vì vậy ông đã dùng danh nghĩa phiên Satsuma để thu mua vũ khí từ nước ngoài và bán lại cho phiên Choshu, kết quả thành công như mong đợi. Tương tự như vậy, ông cũng nhập tàu chiến và bán lại cho phiên Choshu, nhờ thương vụ này mà ông đã nắm được quyền quản lý Kameyama Shachū.
Theo đó, hai phiên Choshu và Satsuma chính thức liên kết với nhau tạo thành lực lượng Đồng minh Satchō (薩長同盟), tuy nhiên lúc này Ryoma lại được Mạc phủ Edo chỉ thị đề bạt.
Tại bữa tiệc nhân dịp thiết lập quan hệ đồng minh Satchō do Ryoma chủ trì ở quán trọ Teradaya thuộc Kyoto, gia thần của Mạc phủ nhận lệnh đến bắt giữ Ryoma nhưng ông đã trốn thoát được với vết thương nghiêm trọng trên người.
Quán trọ Teradaya vẫn hoạt động cho đến hiện tại. Trong một lần giao tranh giữa Satchō và Mạc phủ, quán trọ này đã bị cháy nhưng may mắn là ngôi nhà nằm cạnh nó đã được dùng để tái hiện lại khung cảnh của quán trọ này lúc bấy giờ. Khách đến không cần trọ lại vẫn có thể tham quan ngôi nhà này. Vì ở đây không có trang web, khách muốn trọ phải gọi điện thoại đến đặt phòng bằng tiếng Nhật.
Địa danh | Teradaya (寺田屋) |
Số điện thoại | 075-622-0243 (Đặt phòng qua số 075-622-0252 từ 10:00 – 22:00) |
Địa chỉ | 263 Minamihama-cho, Fushimi-ku, phủ Kyoto |
Bản đồ |
|
Thời gian hoạt động | 10:00 – 15:40
Ở trọ |
Phí vào cổng | Người lớn: 400 JPY Học sinh Trung học/Đại học: 300 JPY Học sinh Tiểu học: 200 JPY (trẻ nhỏ không được vào)1 đêm: Không bao gồm bữa ăn: 6500 JPY/người Bao gồm bữa ăn: +500 JPY |
Vết thương của Ryoma được người tình Oryo chăm sóc, sau đó họ kết hôn. Khi vết thương đã lành, ông cùng vợ đến Kyūshū du ngoạn. Chuyến du ngoạn này cũng được xem là du lịch tuần trăng mật đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.
Một thời gian sau, công ty Kameyama Shachū được phiên Tosa – vốn là quê hương của Ryoma – công nhận và trở thành một tổ chức thuộc phiên Tosa, được đổi tên thành Đội Hải viện Kaientai.
Senchū Hassaku (船中八策)
Trên con thuyền của Ryoma, liên minh gồm có phiên Tosa, phiên Satsuma và phiên Choshu đã thảo luận với nhau về những việc cần làm sau khi đánh đổ Mạc phủ. Cuối cùng họ đã thống nhất với nhau và đưa ra 8 kế hoạch, gọi là Senchū Hassaku (船中八策, Thuyền Trung Bát Sách, nghĩa là “8 sách lược được đưa ra trong thuyền").
Trong sách lược này bao gồm cả Đại Chính Phụng Hoàn (大政奉還, đọc là Taisē Hōkan) và Nghị Hội Khai Thiết (議会開設, đọc là Gikai Kaisetsu).
Sau khi kế hoạch này được đưa ra, có nhiều phiên khác cũng đồng thuận với lý tưởng về một Nhật Bản mới, dần dần số phiên liên kết với lực lượng đồng minh của Ryoma ngày càng tăng lên. Cuối cùng, Mạc phủ Edo hùng mạnh thống trị Nhật Bản suốt 260 năm đã sụp đổ. Tướng quân lúc này là Tokugawa Yoshinobu (徳川慶喜) đã tự nguyện trao trả chính quyền cho Thiên Hoàng, gọi là sự kiện Đại Chính Phụng Hoàn. Lý tưởng và nỗ lực của Ryoma đã gặt hái được thắng lợi.
Và như thế, chính quyền Minh Trị đã được thiết lập, mở đầu cho thời kỳ Minh Trị (明治時代). Rất nhiều viên chức của chính phủ mới đều là những người xuất thân từ phiên Choshu và Satsuma, bạn của Ryoma. Nhưng bản thân Ryoma lại không muốn làm một viên chức chính phủ mà muốn làm việc trong đội Kaientai và ngao du khắp thế giới. Dường như ông không hề màng đến sự giàu có hay công danh.
Bị ám sát bất ngờ
Chỉ 2 tháng sau ngày diễn ra Đại Chính Phụng Hoàn, Ryoma bị ám sát bất ngờ tại quán trọ Omiya (近江屋) tại Kyoto và qua đời, hưởng thọ 31 tuổi, kết thúc quãng đời vô cùng ngắn ngủi. Danh tính thật sự của kẻ ám sát đến nay vẫn là một ẩn số. Người ta nói với nhau rằng có lẽ Sakamoto Ryoma được sinh ra để thay đổi nước Nhật, và khi đã hoàn thành nhiệm vụ đó cũng là lúc ông phải quay trở về một cõi khác.
Đáng tiếc là quán trọ Omiya hiện đã không còn nữa. Năm 2019, tại vị trí trước đây của quán, người ta đã xây dựng thành Kappa Sushi (かっぱ寿司) – chuỗi nhà hàng sushi bình dân. Phía trước nhà hàng có dựng chiếc biển thuyết minh về quán trọ Omiya để tưởng niệm một người hùng của đất nước Nhật Bản.
Địa danh | Nơi mất của Sakamoto Ryoma (坂本龍馬終焉の地) |
Địa chỉ | Shioya-cho, Nakagyo-ku, thành phố Kyoto, phủ Kyoto |
Bản dồ |
|
Ý nguyện của Ryoma đã được nhiều nhân vật chủ chốt của chính quyền Minh Trị như Saigo Takamori (西郷隆盛) hay Okubo Toshimichi (大久保利通) kế thừa và phát triển. Họ là những người đã đặt dấu chấm cho thời trung đại kéo dài hàng nghìn năm, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nhật Bản – thời hiện đại.
Dù ngắn ngủi nhưng cuộc đời của Ryoma đã truyền cảm hứng cho đông đảo người dân từ đó, và cho đến tận bây giờ sự ngưỡng mộ đó vẫn chưa hề thuyên giảm.
Thời hiện đại vẫn còn biết bao người Nhật dũng cảm đấu tranh giữa đời, tựa như tiếp tục tinh thần của Ryoma vậy. Họ ấp ủ trong mình hoài bão lớn, cháy hết mình với những lí tưởng trẻ, dám đấu tranh với những thế lực đã tồn tại từ lâu, cũng giống như tinh thần của Sakamoto Ryoma – người cuối cùng đã thay đổi được hệ tư tưởng của cả một đất nước. Và tinh thần đó sẽ mãi tồn tại trong tâm trí của người dân Nhật Bản, không bao giờ phai.