Đặc trưng mùa đông Nhật Bản – Sự kiện và sinh vật báo hiệu mùa đông đến!
Kỳ này sẽ là bài tiếp theo của chuỗi bài về “Đặc trưng mùa Đông Nhật Bản" đây! Ở phần 1 tôi đã giới thiệu về “Những sự kiện trong mùa chuyển năm" báo hiệu mùa Đông đến rồi, và kỳ này, sẽ là về “Sự kiện và Sinh vật", các bạn cùng xem nhé!
Kotatsu – Sưởi ấm tuyệt vời
“Kotatsu" là một dụng cụ dùng để sưởi ấm, thường hay được phủ một tấm chăn lên trên chiếc bàn 4 chân và đặt tiếp lên một tấm ván gỗ giống như hình trên. Vì ở bên trong được gắn sẵn một nguồn nhiệt tựa lò sưởi điện cỡ nhỏ, nên nếu như ngồi để chân vào trong tấm nệm thì nửa người dưới sẽ trở nên ấm áp rất dễ chịu. Đây là dụng cụ sưởi ấm quen thuộc và rất được các gia đình ở Nhật yêu thích mỗi độ Đông về. Nếu mở tấm chăn lên và nhìn vào bên trong sẽ có thể thấy được hình ảnh giống dưới đây.
Kotatsu là một dụng cụ sưởi ấm tuyệt vời, một khi đã để chân vào rồi thì khó mà bước ra được! Không hiếm những trường hợp nhiều người lỡ ngủ quên trong khi đang ngồi sưởi ấm, lúc nhận ra được thì trời đã sáng mất rồi. Đến cả những chú mèo cũng rất thích Kotatsu. Ngồi sưởi ấm với Kotatsu, vừa ăn quýt vừa chơi đùa cùng chú mèo cũng đang nằm trong đó là một cách tiêu khiển qua mùa Đông điển hình của Nhật Bản đấy nhé!
Cột băng – Nét đẹp mùa Đông
Khi những giọt nước đóng băng lại, rũ xuống dưới mái hiên tạo thành hình những que dài, đó được gọi là cột băng Tsurara (つらら), viết theo chữ Hán là “氷柱" (BĂNG TRỤ). Đúng theo nghĩa đen thì đó là những vật hình TRỤ được tạo thành từ BĂNG phải không nào. Chắc ai cũng biết rằng nếu như nhiệt độ vào ban đêm không xuống dưới 0 độ thì không thể nào tạo thành cột băng được. Ở Tokyo, có lẽ do hiện tượng Trái Đất nóng lên nên hiện nay chúng ta hầu như không thể thấy được các cột băng nữa. Tuy nhiên nếu như đi tới những vùng lạnh hơn thì ta có thể thấy được hiện tượng này. Nhiệt độ càng hạ xuống thấp thì những cột băng cũng sẽ càng trở nên lớn và lộng lẫy hơn.
Tuyết – trắng xóa cả vùng trời
Những tinh thể băng kết tinh lại và được tạo thành trong những đám mây có nhiệt độ dưới 0 độ C được gọi là “tuyết". Nhìn tận mắt thì ta có thể thấy được giống hình trên, nhưng nếu thử nhìn tuyết qua lớp kính hiển vi thì từng hạt tuyết đều dưới dạng tinh thể kết tinh, chúng đẹp và thần bí đến kinh ngạc. Bức hình dưới đây là một số dạng tinh thể tuyết tiêu biểu:
Các bạn thấy thế nào? “Tuyết (tiếng Nhật là “yuki")" được tạo thành từ tập hợp vô số những tinh thể tuyệt đẹp như thế này đấy. Quả là sự diệu kì của tạo hóa đúng không!
Vì tuyết rơi ở rất nhiều nơi, có lẽ vì vậy nên cũng có rất nhiều tên gọi gắn liền với tuyết. Chẳng hạn như là những hạt tuyết li ti lất phất thì gọi là “konayuki" (粉雪) (bụi tuyết) hay “sasameyuki" (細雪), những hạt tuyết lớn tùy kiểu hình mà được gọi là “botanyuki" (牡丹雪), “tamayuki" (球雪) hay “awayuki" (泡雪). Ngoài ra, tuyết đóng thành lớp mỏng thì gọi là “usuyuki" (薄雪) hay “awayuki" (淡雪), đợt tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông thì gọi là “hatsuyuki" (初雪), đợt tuyết rơi cuối cùng lại gọi là “nagoriyuki" (名残雪). Tiện đây, đợt tuyết rơi cuối cùng trong năm chứ không phải mùa Đông thì gọi là “wasureyuki" (忘れ雪). À phải rồi, “yukidaruma" (người tuyết) mà tôi đã giới thiệu ở ngoài ảnh bìa của phần này cũng là một trong số những từ gắn liền với tuyết đó. Trẻ em ở những nơi có tuyết rơi như Hokkaido hay vùng Tohoku (Đông Bắc Nhật Bản) thì cứ hễ tuyết rơi là sẽ lăn tròn đống tuyết đó lại và nặn thành hình người. ODAJI tôi hồi còn bé cũng hay chơi trò này lắm. Thật là hoài niệm quá đi!
Ngoài ra cũng vẫn còn rất nhiều những tên gọi gắn liền với tuyết, khi người Nhật nghe những cái tên thế này thì bất giác sẽ cảm thấy thơ mộng, cảm nhận được một nỗi luyến tiếc, mỏng manh. Ở những khu vực có tuyết rơi thì mỗi ngày đều phải cào tuyết từ trên mái nhà xuống (gọi là “yukikaki" (cào tuyết)), vì nếu tuyết gây cản trở giao thông, làm cho các chuyến tàu điện hay xe buýt trễ giờ quá nhiều lần thì cuộc sống sẽ trở nên vô cùng bất tiện và khổ sở. Dù vậy, người Nhật lại không hề ghét hay cảm thấy phiền hà vì tuyết. “Tuyết" phiền phức như vậy nhưng họ lại xem như một yếu tố giúp cuộc sống bản thân mình phong phú hơn, và từ đó đã tạo nên vô vàn cách thể hiện tràn đầy cảm xúc của mình.
Các món lẩu (nabe) – ẩm thực mùa Đông
Cứ mỗi độ Đông về, món ăn được bày lên bàn ăn trong nhiều gia đình Nhật Bản chắc hẳn phải là “nabe" rồi nhỉ. Ở Việt Nam cũng có món ăn tương tự gọi là “Lẩu” đúng không nào? Trong món ăn của Nhật cũng có rất nhiều loại lẩu khác nhau. Đặc biệt là lẩu bò – Sukiyaki, lẩu gà – Tori no Mizutaki, lẩu thập cẩm – Yosenabe hay món lẩu Sumo – Chanko Nabe đều là những cái tên nổi tiếng được nhiều người biết đến. Nguyên liện thường thấy là các loại sò, cá thịt trắng, thịt, các loại rau củ, đậu hũ hay mì udon, v.v… Khi nấu lẩu, người ta thường bỏ thêm những đặc sản của địa phương mình, vì vậy cũng có rất nhiều loại lẩu khác nhau ở Nhật Bản. Với lẩu, ta có thể điều chỉnh nguyên liệu phù hợp với số lượng người ăn một cách đơn giản, cân bằng dinh dưỡng cũng dễ dàng và hoàn toàn không tốn nhiều công sức để chế biến. Mùa đông mọi người trong gia đình quây quần bên nồi lẩu, không chỉ cơ thể mà cả trái tim cũng trở nên thật ấm áp nữa.
Những loại thực vật báo hiệu mùa Đông đến
Phần lớn cây cối ở Nhật đều nở hoa khắp từ mùa Xuân đến Thu, nên vào mùa Đông thường không còn nhiều những loài cây nở hoa nữa. Trong số đó, loài hoa “sazanka" mà tôi giới thiệu ở hình trên được xem là loài hoa tiêu biểu nhất nở vào mùa Đông và rất thân quen với nhiều người Nhật. Thêm một loài hoa tương tự khác là “tsubaki" (hoa sơn trà) như hình bên dưới nữa. Hoa tsubaki thường nở vào độ cuối Đông đầu Xuân nên có hơi chút lệch mùa. Ngoài ra, so với hoa sazanka rụng hoa theo từng cánh mỏng thì tsubaki khi rụng thì cả bông hoa sẽ rời cành luôn. Dù thế nào cả hai cũng đều tô điểm cho mùa Đông Nhật Bản thêm đẹp đẽ, là nét thi vị cho một mùa Đông điển hình.
Những loại động vật báo hiệu mùa Đông đến
Nói đến loài động vật báo hiệu mùa Đông đến ở Nhật thì không gì khác chính là “wataridori" (chim di cư). Hễ Đông đến thì những đàn chim không thường thấy ở Nhật lại ồ ạt kéo về từ vùng Bắc Cực như Siberia hay Alaska. Mùa Đông ở Bắc Cực do nhiệt độ xuống tận âm 40℃ và đó là một môi trường cực kì khắc nghiệt đối với loài chim này. Chính vì vậy, chúng mới ồ ạt kéo đến Nhật Bản – nơi có khí hậu ấm hơn để trú Đông, và vào mùa Xuân năm sau lại quay về với Bắc Cực. Những loài chim mang tập tính như thế này đều được gọi là “wataritori".
Ảnh trên là 1 loại chim di cư điển hình được gọi là “hakuchou" (chim Thiên nga). Nếu nói đó là loài chim từng làm đề tài cho bản “Hồ Thiên nga" do nhạc sĩ người Nga Tchaikovsky sáng tác chắc mọi người ai cũng biết nhỉ. Ở Nhật, ta có thể bắt gặp hình dáng loài chim này chủ yếu ở những ao hồ trong khu vực Tohoku hay Hokkaido. Ở ngoại ô Tokyo cũng có nơi ta có thể thấy được, đó là “Hakuchou no Sato" ở thành phố Inzai tỉnh Chiba nằm ngay bên cạnh Tokyo. Mọi năm vào giữa Đông sẽ có hơn 1,000 chú thiên nga tập trung lại. Từ ga Tokyo có thể đến được đây trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nên nếu có cơ hội bạn hãy thử đến xem 1 lần nhé!
Ngoài ra thì hãy cùng điểm thêm một số loài chim đẹp báo hiệu mùa Đông đến nữa nào!
Loài chim này được gọi là “tsugumi" (chim hoét lưng hung). Là một loài chim nhỏ khoảng 20cm, hễ Đông đến là sẽ bay từ Siberia đến Nhật và do loài chim này xuất hiện ở mọi nơi khắp Nhật Bản cho nên còn được gọi là “fuyutsugedori" (chim báo Đông).
Loài chim này được gọi là “oshidori" (chim uyên ương). Chú chim bên phải là chim đực còn chú chim có màu lông nhẹ nhàng hơn bên trái là chim cái. Chim đực thì màu lông sặc sỡ và đẹp hơn nhỉ! Do cần thu hút sự chú ý để được “lọt vào mắt xanh" của chim cái nhằm duy trì nòi giống nên việc chim đực có màu lông sặc sỡ giống thế này cũng khá phổ biến trong thế giới loài chim. Nhưng đúng là lông chúng đẹp thật đấy! Đẹp đến mức khiến ai cũng phải chợt nghĩ “Rốt cuộc ai đã thiết kế cho chú chim bộ lông này vậy?".
Loài chim cuối cùng tôi muốn giới thiệu đến các bạn chính là “tanchoudzuru" (sếu Nhật hay chim hạc). Đặc trưng của loài này là kiểu thân thon dài và trên đỉnh đầu có một vết màu đỏ. Vì loài chim này thường hay xuất hiện trong những bức tranh vẽ vào thời Edo, những câu chuyện cổ tích Nhật Bản, hay phổ biến nhất là trò gấp hạc giấy nên chim hạc đã trở thành loài chim tượng trưng cho đất nước mặt trời mọc này. Tanchoudzuru ngày xưa còn có thể nhìn ở Tokyo, thế nhưng hiện tại thì ta không còn thấy được chúng ở đây nữa mà phải đến tận đầm lầy Kushiro nằm ở mãi xa phía Đông của Hokkaido cơ.
Nói đến tanchoudzuru thì có lẽ nổi tiếng nhất chính là “điệu nhảy kết đôi" của chúng. Vào khoảng độ tháng 2 lúc gần đến mùa sinh sản thì chim đực và chim cái sẽ cùng nhau nhảy điệu kết đôi và hót gọi nhau bằng một âm thanh rất lớn. Dáng điệu tao nhã đó giống như một vũ công ba lê bậc nhất đang nhẹ nhàng khiêu vũ trên sân khấu cánh đồng tuyết vậy. Xin mời các bạn thưởng thức “điệu nhảy kết đôi" được xem như là một tuyệt tác bale qua đoạn phim dưới đây nhé.
Vậy là đã kết thúc chuỗi bài về đặc trưng mùa Đông ở Nhật Bản rồi! Mùa Đông là mùa dài nhất, là mùa khắc nghiệt trong 4 mùa ở Nhật, nhưng dù thế ta vẫn có thể cảm nhận được ở bất cứ đâu nhịp đập sinh mệnh của muôn thú hay của chính con người. Bạn hãy thử cảm nhận và tận hưởng những nét đặc trưng mà tôi đã giới thiệu ở loạt bài này, và trải qua một mùa Đông yên bình tại Nhật Bản nhé!