Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Các sự kiện ý nghĩa và nổi tiếng
“Đặc trưng mùa Hè Nhật Bản" là loạt bài viết giới thiệu những điều gợi nhớ đến mùa Hè Nhật Bản. Và trong kỳ ba này, tôi sẽ giới thiệu về các sự kiện mùa hè nhé!
Kỳ nghỉ hè thong thả
Đối tượng mong chờ đến kỳ nghỉ Hè nhất không ai ngoài khác trẻ em cả, đúng không nào! Các trường công lập Nhật Bản thường nghỉ Hè khoảng 40 ngày từ ngày 20 tháng 7 đến cuối tháng 8. Ngoài ra còn có kỳ nghỉ Xuân và kỳ nghỉ Đông nữa nhưng hai kỳ đó chỉ nghỉ có hai tuần thôi. Thế nên chỉ có mùa hè là đăc biệt dài.
Đối với trẻ em, từ “kỳ nghỉ Hè" có nhiều ý nghĩa khác nhau. Cảm giác tự do dưới ánh mặt trời thiêu đốt, hồ bơi mát lạnh, cắm trại cùng gia đình, những vòng pháo hoa lớn trên bầu trời đêm, cuộc sống tại nhà ông bà ở quê, sân vận động Koshien, đi làm thêm và cả tình yêu non trẻ nữa. Những đứa trẻ sau một kỳ nghỉ Hè sẽ có thêm nhiều trải nghiệm, trưởng thành thêm một chút và quay lại trường lớp, bước vào một học kỳ mới.
Thể dục qua radio – Bài thể dục quốc dân
“Thể dục qua radio" là để chỉ chương trình thể dục được phát thanh rộng rãi với mục đích cải thiện thể lực và nâng cao sức khỏe của toàn dân Nhật Bản. Chương trình này được lên sóng lần đầu vào năm 1928 và đã liên tục kép dài suốt 90 năm mặc dù đã có thời gian gián đoạn vì chiến tranh. Khi thời đại của radio kết thúc và bước sang thời đại của truyền hình, đài truyền hình NHK lại tiếp tục phát sóng chương trình này mỗi ngày. Và cái tên vô cùng quen thuộc “Thể dục qua radio" vẫn không hề thay đổi.
Chương trình “Thể dục qua radio" bài số 1 của đài NHK:
Tập thể dục theo radio – phong trào thể dục quốc dân ở Nhật!
Thế thì tại sao “Thể dục qua radio" lại trở thành một đặc trưng của mùa Hè nhỉ? Đó là bởi vì trong suốt kỳ nghỉ Hè của trẻ em, nhất là của học sinh tiểu học, rất nhiều trẻ em và phụ huynh tham gia các đại hội thể dục qua radio được tổ chức trên khắp Nhật Bản bởi các hội khu phố và các hội tự quản. Như trong hình trên, có nhiều trường tổ chức các lớp thể dục hay đại hội thể thao thay cho các buổi thể dục cho giãn gân cốt. Nhiều năm sau, người ta vẫn không thể nào quên những bài nhạc, nhịp điệu và các động tác đã được khắc ghi suốt thời thơ ấu. Rất nhiều nười Nhật đến bây giờ, dù đã lớn, vẫn có thể tập theo tiếng nhạc của thể dục qua radio một cách chuẩn xác. Và mỗi khi Hè đến và đến mùa “Thể dục qua radio", người ta lại bồi hồi nhớ về thời học sinh của mình.
Koshien – Giải đấu bóng chày quen thuộc
Gần đây, bóng đá khá là nổi tiếng nhưng bóng chày mới là môn thể thao vua của Nhật Bản. Và vào tháng 8 hàng năm, một giải đấu bóng chày quy mô lớn sẽ được tổ chức với sự tham gia của các học sinh trung học trên toàn Nhật Bản. Đó chính là “Giải đấu bóng chày các trường trung học phổ thông toàn Nhật Bản", thường được gọi là “Koshien" (甲子園).
Koshien cũng chính là tên của sân chơi bóng chày ở thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo. Chỉ có các đội đã thắng giải vòng loại được tổ chức tại các tỉnh trên toàn quốc mới có thể tham gia vào giải đấu chính được tổ chức tại sân vận động Koshien này. Bởi thế, không biết từ lúc nào giải bóng chày mùa Hè đã được gọi là Koshien. Có khoảng 4000 đội bóng chày thuộc các trường trung học phổ thông ở Nhật Bản, nhưng chỉ có 50 đội có thể tham gia giải đấu chính. Và tất nhiên là chỉ có một đội có thể giành chiến thắng trong cuộc thi chính và có được “lá cờ chiến thắng màu đỏ thẫm”. Koshien quả thật là “thánh địa" của những học sinh cấp ba đam mê bóng chày trên toàn quốc. Và được thi đấu ở Koshien chính là giấc mơ, là mục tiêu lớn trong suốt thời thanh xuân.
50 đội chiến thắng ở vòng loại sẽ tập trung tại sân bóng chày Koshien và thi đấu cho chức vô địch trong khoảng hai tuần. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều câu chuyện thú vị, kịch tính được sinh ra và nhiều chuyện thành danh hay thất bại luôn lặp đi lặp lại. Và tất cả đều sẽ được phát sóng trên toàn quốc thông qua sóng truyền hình, làm xao xuyến con tim rất nhiều nhiều người hâm mộ bóng chày. Năm 2018 này chính là kì đại hội lần thứ 100. Koshien mùa hè này có vẻ sẽ rất thú vị đây!
Lễ hội mùa Hè
Tại Nhật Bản, nhiều lễ hội được tổ chức trên toàn quốc từ tháng 7 đến tháng 8. Chúng được gọi chung là “lễ hội mùa Hè". Có vô số lễ hội mùa Hè được tổ chức vào thời điểm này, từ những lễ hội mà tất cả mọi người trên toàn quốc đều biết, đến các lễ hội ở các địa phương mà chỉ có người dân ở nơi đấy mới biết đến.
“Omatsuri" (lễ hội), ban đầu nó có ý nghĩa tôn giáo, nhưng gần đây người Nhật không quan tâm nhiều về điều đó nữa. Mọi người mặc Yukata đi dạo vòng quanh lễ hội và ăn gì đó tại các quầy hàng bán đồ ăn uống, chơi vớt cá vàng, nhảy điệu bon-odori, hát karaoke và gặp gỡ bạn bè cũ. Lễ hội mùa Hè làm nên những kỉ niệm vui của mùa Hè và là một đặc trưng không thể thiếu của khoảng thời gian này.
Lễ hội pháo hoa
Để đóng lại bài viết “Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Các sự kiện”, tôi xin giới thiệu về các “lễ hội pháo hoa". Pháo hoa có lịch sử khá lâu đời, và có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ cách đây 2000 năm. Nhưng pháo hoa lại bắt đầu phổ biến ở Nhật Bản từ thời Edo (từ năm 1603 ~ 1868). Trải qua 300 năm, đến bây giờ người Nhật vẫn rất yêu thích pháo hoa và có các lễ hội pháo hoa được tổ chức trên toàn quốc vào mùa Hè. Theo thống kê của Hiệp hội Pháo hoa Nhật Bản , nếu chỉ tính các đại hội pháo hoa lớn thì đã có khoảng 220 lễ hội rồi. Mà cứ đến Hè là người ta lại thấy pháo hoa rực rỡ sắc màu như hình trên vào hầu như mỗi ngày ở đâu đó trên đất nước Nhật Bản này.
Khu vực Asakusa, nơi “đóng đô của văn phòng WAppuri", hàng năm đều tổ chức Lễ hội pháo hoa sông Sumida rất nổi tiếng đấy! Tổng cộng 20.000 phát pháo hoa sẽ được bắn lên, nhuộm màu bầu trời đêm Tokyo. Tuy chương trình bắn pháo hoa chỉ kéo dài 1 tiếng rưỡi thôi, nhưng mỗi năm vẫn có gần 1 triệu người từ khắp nơi trên Nhật Bản đến đây ngắm pháo hoa. Trong đó cũng có những “fan cuồng", bỏ hết công việc từ trước một tuần để đến địa điểm lễ hội lấy chỗ trước. Nói cho vui thì là họ đánh cược cả mạng sống vì lễ hội pháo hoa này đấy ^ ^. Đối với nhiều người Nhật, lễ hội pháo hoa là một đại diện đặc trưng nhất mà họ phải thấy được ít nhất một lần vào mùa Hè.
Trên đây chính là các sự kiện tại Nhật Bản gợi nhớ đến mùa Hè. Nếu bạn đến Nhật Bản, hãy nhớ lên kế hoạch đến vào mùa hè một lần thử xem nhé! Bài tiếp theo là “Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Các đặc trưng khác", mong các bạn đón xem!