Kayabuki – kỹ thuật lợp mái tranh truyền thống Nhật Bản

Bạn có biết kỹ thuật lợp mái tranh truyền thống kayabuki (茅葺) đã có mặt trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2020?

Theo UNESCO, kayabuki được ghi danh cùng những hạng mục về kiến trúc truyền thống khác và tất cả được gọi chung là Các kỹ năng, kỹ thuật và tri thức truyền thống về bảo tồn và trao truyền kiến trúc bằng gỗ ở Nhật Bản (伝統建築工匠の技:木造建造物を受け継ぐための伝統技術 Traditional skills, techniques and knowledge for the conservation and transmission of wooden architecture in Japan).

Kỹ thuật kayabuki

Kayabuki (茅葺き) là kiểu mái được lợp bằng cỏ susuki (ススキ), xuất hiện từ thời Jomon hay giai đoạn tiền sử của Nhật Bản.

Nhìn từ xa, mái tranh kayabuki nổi bật lên với độ dày mái ước tính gần 80 cm. Sống trong một căn nhà với tầng mái siêu dày như vậy sẽ cảm thấy thế nào?

(ảnh: photoAC)

Đừng để vẻ ngoài của kayabuki đánh lừa, bạn nhé! Phần mái được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên có khả năng cách nhiệt cực tốt, căn nhà sẽ luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Đặc biệt, ở bên dưới mái bạn sẽ không còn bị tiếng mưa ngoài trời làm phiền vì khả năng cách âm của kayabuki quả thật rất tuyệt đấy!

20090228 Yamato Photowalk

Tuy được làm từ nguyên liệu bình dị, mỗi chiếc mái kayabuki lại có tuổi thọ lên đến 40 năm. Khi đã hoàn thành sứ mệnh che chở cho căn nhà sau chừng đó thời gian, phần cỏ lợp mái sẽ được thay mới, riêng phần khung nếu không có hư hại thì sẽ được giữ nguyên .

Và ít ai biết được chính những sợi cỏ già nua bị dỡ bỏ kia lại trở thành chất dinh dưỡng chăm bón cho những cây susuki non đang chờ ngày vươn cao.

美山

Kayabuki được yêu mến vì nhiều ưu điểm và từng được sử dụng ở mọi nơi tại Nhật Bản từ Hokkaido cho đến đảo Okinawa, nhưng vì là loại mái dễ bắt lửa, ở các thành phố lớn hay các khu dân cư đông đúc hiện nay đã không còn áp dụng kiểu lợp này. Nhược điểm này cũng khiến hình ảnh mái kayabuki xa dần với nhiều người.

Susuki, nguyên liệu chính để lợp mái nên mái kayabuki, là loại cỏ thường được thu hoạch vào mùa đông, khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Cho đến tận ngày nay kỹ thuật lợp mái kayabuki vẫn còn theo lối thủ công hoàn toàn, kể cả việc thu hoạch cỏ cũng vậy, người nông dân chỉ có thể sử dụng liềm tay mà thôi.

Từ những sợi cỏ khô yếu ớt, làm thế nào để trở thành mái nhà vững chãi ? Video bên dưới sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về kỹ thuật lợp mái truyền thống Nhật Bản kayabuki.

Trong cách làm truyền thống này, khung mái nhà sẽ được tạo hình như kiểu chắp tay (tiếng Nhật gọi là gassho) nên hình dạng mái lợp kayabuki thường là gassho-zukuri (kiến trúc chắp tay).

(ảnh: photoAC)

Bên cạnh chịu nắng mưa, mái nhà ở Nhật còn phải chịu cả tuyết thế nên cách dựng mái dốc như vậy có thể tránh việc tuyết chất cao gây sụp mái.

Khi lợp, các bó cỏ susuki được xếp xen kẽ sợi ngắn, sợi dài. Người thợ sau đó sẽ dùng kéo chuyên dụng tỉ mỉ loại bỏ phần cỏ thừa, giúp rìa mái trông vuông vức hơn.

Kéo tỉa mái (ảnh: kusa-kanmuri.jp)
(ảnh: kusa-kanmuri.jp)

Đối với những sợi cỏ còn lổm chổm trên bề mặt mái thì phải cần đến một cây búa đặc biệt như hình dưới. Cây búa gỗ này sẽ khiến vẻ ngoài của mái kayabuki thêm phần bóng bẩy.

(ảnh: photoAC)

Làng mái tranh Kayabuki no Sato

Kiểu nhà mái tranh kayabuki xưa cũ nay chỉ có thể bắt gặp ở các vùng nông thôn hẻo lánh, thế nên các chuyến thưởng ngoạn tìm về với giá trị truyền thống này hiện đang rất được yêu thích.

Một trong các địa điểm nổi bật là ngôi làng Kayabuki no Sato (かやぶきの里), nằm ở quận Miyama, phía bắc Kyoto.

Trang chủhttps://kayabukinosato.jp/
Địa chỉMiyamachokita, Nantan-shi, Kyoto
Cách điGa Kyoto → Ga JR Hiyoshi (khoảng 44 – 52 phút) → lên xe buýt của thành phố Nantan → làng Kayabuki no Sato (khoảng 56 phút).
Bảng giờ xe buýt: https://miyamanavi.com/files/user/nantancitybus-timetable-jp.pdf

Kayabuki no Sato nằm ở khu vực hẻo lánh nhưng có lẽ nhờ vậy, làng vẫn giữ được vẻ hoang sơ và bình yên đặc trưng của vùng nông thôn.

Theo người dân địa phương tại đây có khoảng 50 mái nhà truyền thống và chiếc mái kayabuki già nhất cũng đã 200 năm tuổi.

Tại đây có hai hoạt động mà bạn không nên bỏ lỡ khi lên lịch tham quan là xả nước cứu hoả vào mùa xuân và thắp đèn vào mùa đông.

Hằng năm tại làng sẽ có hai lần diễn tập phòng cháy chữa cháy và hệ thống nước cứu hỏa cũng được kích hoạt cùng lúc ở mọi nơi, tạo ra một cảnh tượng đặc biệt mà bạn hiếm thấy ở những vùng khác của Nhật Bản.

Còn ngày thắp đèn vào mùa đông lại mang đến bầu không khí lung linh, huyền ảo mà bạn không nỡ rời bước.

(ảnh: photoAC)

Mái kayabuki ngày nay

Đã có thời điểm kỹ thuật lợp mái tranh kayabuki đứng trước nguy cơ bị biến mất hoàn toàn.

Một phần do tình trạng đô thị hoá nông thôn tại Nhật đã làm giảm lượng lớn dân cư ở vùng quê, không có đủ nhân lực, không thể thay lá cho mái đúng chu kì nên các mái kayabuki quá tuổi cứ thể bị tàn phá theo thời gian.

Mặt khác, để lợp một chiếc mái theo kỹ thuật kayabuki tốn rất nhiều chi phí và đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao nên nhiều gia đình dần không còn mặn mà với giá trị truyền thống này.

Tuy vậy vẫn còn nhiều cá nhân và công ty đang nỗ lực để mái lợp tranh kayabuki tiếp tục hiện hữu trong các khung hình về Nhật Bản. Hơn nữa, họ còn đưa kỹ thuật này đến gần hơn với cuộc sống hiện đại trong những dáng vẻ mới đầy thu hút.

Cùng nhìn qua các tác phẩm của công ty cổ phần Kusakanmuri dưới đây bạn nhé:

Kayabuki trang trí bên ngoài nhà hiện đại (ảnh: kusa-kanmuri.jp)
Trang trí cỏ susuki (ảnh: kusa-kanmuri.jp)
Không gian âm nhạc được trang trí bằng cỏ susuki (ảnh: kusa-kanmuri.jp)
Chi tiết trang trí trong sân vườn (ảnh: kusa-kanmuri.jp)

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về kỹ thuật lợp mái truyền thống Nhật Bản kayabuki, một trong các di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Bạn thích dáng vẻ nào của kayabuki nhất? Mái lá truyền thống hay các biến tấu hiện đại?