Các loài hoa cỏ, cây cối tiêu biểu của Nhật – Say đắm lòng người (1)
Nhật Bản có thiên nhiên phong phú với rất nhiều loại thực vật khác nhau, bốn mùa quanh năm trăm hoa đua nở. Nói về hoa ở Nhật, các bạn thường nghĩ đến loài hoa nào? Loạt bài này xin điểm qua một vài loại hoa cỏ, cây cối tiêu biểu của đất nước mặt trời mọc.
Anh đào (sakura)
Ai cũng biết Nhật Bản là xứ sở hoa anh đào phải không nào? Luôn đứng nhất trong cuộc điều tra thường niên xếp hạng loài hoa được người Nhật yêu thích, sakura quả thật là biểu tượng của nước Nhật.
Loài hoa này đã có mặt trong lịch sử Nhật Bản từ lâu đời. Cái tên sakura xuất hiện sớm nhất trong Kojiki (Cổ Sự Ký), cuốn sử biên niên cổ nhất của Nhật vào năm 500. Vào thời Heian (794 – 1185), hoa anh đào được tầng lớp thống trị, quý tộc vô cùng yêu mến, trở thành chủ đề trong rất nhiều tác phẩm thơ văn.
Trải bao thăng trầm, đến thời Edo (1603 – 1868), chính quyền Mạc phủ cho trồng rất nhiều cây anh đào trong khu vực thành Edo (Tokyo hiện nay) để dân chúng thư giãn, giải trí. Kể từ đó, người Nhật bắt đầu cứ đến mùa anh đào nở là kéo đến quây quần dưới gốc cây uống rượu, thưởng hoa. Đây chính là phong tục O-hanami (“ngắm hoa”) còn truyền đến ngày nay.
Khoảng cuối tháng ba hàng năm, sakura bắt đầu nở khắp Nhật Bản, chẳng bao lâu thì mãn khai. Cảnh tượng mãn khai trăm hoa đua nở thật không gì sánh nổi. Nhưng nở được khoảng một tuần là hoa bắt đầu tàn rồi nhanh chóng rơi rụng. Với người Nhật, hình ảnh hoa anh đào “sớm nở tối tàn” đã thành một cảm thức thân thuộc quá đỗi, ví như chính cõi nhân sinh phù du, vô thường vậy.
Hoa mơ (ume)
Hoa mơ cũng là một loài hoa được yêu thích từ rất xưa. Nếu như anh đào bắt đầu được ưa chuộng từ thời Heian, thì trong thời đại trước đó là thời Nara (710 – 794), hoa mơ mới là thứ hoa được ưa chuộng, lúc bấy giờ nói “hoa” cũng chính là nói hoa mơ.
Mỗi năm từ khoảng tháng hai là hoa mơ bắt đầu nở, báo hiệu mùa xuân đến sớm hơn anh đào một chút. Thời gian này người ta đổ xô về các điểm tham quan nổi tiếng có hoa mơ trên khắp Nhật Bản để thưởng thức vẻ đẹp lặng lẽ của loài hoa này.
Cây mơ không phải chỉ để ngắm hoa mà còn có thể thưởng thức khi ra quả nữa. Có điều quả mơ tươi có vị rất chua, thường không mấy ai ăn trực tiếp. Hơn nữa mơ tươi có chứa độc tố, ăn quá nhiều sẽ gây hại đến sức khỏe. Vậy nên ở Nhật người ta thường thưởng thức các chế phẩm như mơ muối (umeboshi), mứt mơ, rượu mơ, nước ép mơ. Quả mơ đã qua chế biến chứa nhiều dưỡng chất như axit citric giúp lưu thông máu huyết, là món ăn tốt cho sức khỏe được nhiều người Nhật yêu thích.
Hoa trà (tsubaki)
Đây cũng là một loài hoa được yêu thích từ thời cổ, cũng đã xuất hiện trong quyển sử biên niên Kojiki cổ nhất Nhật Bản. Từ xưa đến nay cây hoa trà được xem là biểu tượng cho sự trường thọ. Nghe nói trong một ngôi chùa ở Kyoto có một gốc hoa trà trồng từ thời Muromachi (1336 – 1572) hiện nay vẫn nở hoa rất đẹp.
Hoa trà nở vào khoảng tháng hai đến tháng tư. Tại Nhật, hoa trà được trồng nhiều trong đền chùa, công viên. Hoa trà có dáng thanh và đẹp, nhìn cũng hơi giống hoa hồng nên còn mệnh danh là “hồng Nhật Bản”, rất quen thuộc ở nước ngoài. Đặc biệt từ khi vở nhạc kịch Trà hoa nữ với hình ảnh hoa trà nổi tiếng khắp thế giới, loài hoa này càng được nhiều người yêu thích hơn.
Mẫu đơn (botan)
Mẫu đơn vốn là loài hoa bản địa Trung Quốc. Từ thời nhà Đường (618 – 907), mẫu đơn đã được ưa chuộng hơn cả, đến mức tôn vinh là “hoa vương”. Còn tại Nhật, loài hoa này đã du nhập từ khá xưa, được nhắc đến lần đầu trong tập tùy bút nổi tiếng Makura no Sōshi. Từ đó về sau, mẫu đơn ngày càng được trồng nhiều, đặc biệt vào thời Edo (1603 – 1868) khi nghệ thuật làm vườn Nhật Bản đạt đến đỉnh cao, hoa mẫu đơn trở thành chủ đề chính trong nhiều hoạ phẩm danh tiếng và càng được yêu thích hơn bao giờ hết.
Mùa hoa mẫu đơn vào khoảng tháng tư đến tháng sáu. Đây là loài hoa nổi tiếng khó trồng, từ lúc nảy mầm đến khi ra hoa mất từ năm đến mười năm. Nhưng gần đây người ta đã tìm ra kỹ thuật ghép cành mẫu đơn vào gốc thược dược làm cây tăng trưởng nhanh, chỉ khoảng ba năm là ra hoa, giúp những người yêu cây cảnh trồng mẫu đơn dễ dàng hơn.
Nói về mẫu đơn và thược dược, người Nhật có cách nói “đứng tựa thược dược, ngồi tựa mẫu đơn, dáng đi tựa bách hợp” (Tateba shakuyaku, suwareba botan, aruku sugata wa yuri no hana) để chỉ những cô gái tài sắc vẹn toàn. Mẫu đơn và thược dược trông khá giống nhau, khác ở chỗ hoa thược dược nở trên đầu cành, còn mẫu đơn thì như toạ trên lá, thế nên mới có hình ảnh ví von dáng đứng, dáng ngồi như vậy. Nói thế nào thì rõ ràng mẫu đơn vẫn là loài hoa khiến ta liên tưởng đến một vẻ đẹp thanh nhã, trang trọng.
Tử đằng (fuji)
Ở Nhật xưa nay có tục trồng xung quanh nhà hai loại cây là cây tùng tượng trưng cho nam và tử đằng tượng trưng cho nữ. Cây tùng cắm rễ sâu xuống đất, thân to khoẻ, còn tử đằng là loài dây leo, bám lấy thân cây tùng mà sinh trưởng. Hình ảnh tử đằng quấn lấy cây tùng giống như cách người phụ nữ nương tựa vào người đàn ông, ngược lại hình ảnh cây tùng cao lớn mạnh mẽ giống như cách người đàn ông làm chỗ dựa vững chắc cho người phụ nữ. Thật ý nghĩa phải không các bạn.
Hoa tử đằng có màu tím nhạt (cũng có loại màu trắng và hồng), nở vào khoảng giữa tháng tư đến giữa tháng năm. Vì là cây leo, người ta thường làm giàn cho cây gọi là fujidana. Đến mùa hoa nở, từ trên giàn hàng trăm chùm hoa tử đằng rũ xuống thướt tha, tạo nên một khung cảnh diễm lệ. Ngắm những chùm hoa điệu đà e ấp ấy, ta không khỏi nghĩ đến hình ảnh người thiếu nữ trong bộ furisode (trang phục dành cho thiếu nữ chưa lập gia đình), ngay đến người nước ngoài cũng cảm nhận rõ phong vị đậm chất Nhật Bản này.
Cây bách Nhật Bản (sugi)
Bách Nhật Bản (còn có tên gọi khác là liễu sam) là loài cây thân gỗ bản địa tiêu biểu của nước Nhật. Bạn dễ dàng bắt gặp cây bách Nhật ở khắp các vùng núi Nhật Bản từ miền bắc Hokkaido cho đến miền nam Yakushima ở Kyushu. Cái tên “sugi” nghĩa là cây mọc thẳng. Thật vậy, cây bách Nhật vươn thẳng lên trời, những cây to có chiều cao đến 50m, là loài cây thân cao hàng đầu Nhật Bản. Sugi còn là loài cây lâu năm nhất Nhật Bản, những cây có tuổi đời hơn 2000 – 3000 năm khắp nước Nhật đâu đâu cũng có. Trong số đó nổi tiếng hơn cả là “cây bách Jomon” (Jōmon Sugi) ước tính hơn 3000 năm tuổi ở Yakushima, được cho là có từ thời Jomon (cách đây khoảng 15000 – 2300 năm), được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Nói về công dụng thì ở Nhật có lẽ không có loài cây nào được sử dụng nhiều như cây bách: làm nhà, đồ nội thất, điêu khắc, mỹ nghệ, xô, thùng, thuyền bè, guốc gỗ, v.v.. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày của người Nhật, bạn đều có thể bắt gặp gỗ bách. Cây bách Nhật sinh trưởng nhanh, dáng thẳng, rất thích hợp làm vật liệu xây dựng. Vân gỗ bách cũng rất đẹp, có mùi thơm dễ chịu, thoải mái. Lại còn có kết quả nghiên cứu cho thấy gỗ bách Nhật có tác dụng hạn chế sự phát triển của nấm mốc và vi rút cúm nữa chứ.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Nhật nhắc đến loài cây này là họ lập tức liên tưởng đến chứng dị ứng phấn hoa cây bách, hiện nay đã trở thành “căn bệnh quốc dân” khi hằng năm có đến 25 triệu người mắc phải trên toàn Nhật Bản. Vào khoảng giữa tháng hai đến đầu tháng năm, phấn hoa cây bách Nhật theo gió phát tán khắp nơi khiến bao người khổ sở vì nghẹt mũi, chảy mũi, hắt hơi, v.v.. Nghe đâu chứng dị ứng phấn hoa cây bách bắt đầu tăng mạnh vào khoảng thập niên 1960. Trong Thế chiến II phần lớn công trình bị tàn phá, sau đó là gia tăng dân số và phục hồi kinh tế khiến nhu cầu xây dựng nhà cửa, công trình tăng vọt. Người ta lên núi phá rừng lấy gỗ quy mô lớn rồi lại trồng cây bách sinh trưởng nhanh để thay thế. Hậu quả là sinh ra một lượng lớn phấn hoa, kết hợp với các chất ô nhiễm trong không khí tạo thành tác nhân gây dị ứng. Vậy nên tạo ra chứng dị ứng phấn hoa diện rộng này không đâu khác chính là con người chúng ta mà thôi. Cây bách chẳng có tội tình gì.
Đến đây chắc bạn đã hiểu được thực vật có tầm ảnh hưởng thế nào đến đời sống vật chất tinh thần của người dân Nhật Bản rồi phải không. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, tôi không thể giới thiệu toàn bộ trong một bài được. Còn nhiều loại thực vật tiêu biểu khác nữa, tôi sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Các bạn đón đọc nhé!