Shippo – đồ đồng tráng men Nhật Bản

Kỹ thuật tráng men kim loại vốn đa dạng và được nhiều quốc gia ưa chuộng không chỉ vì sự chắc chắn mà còn ở giá trị thẩm mĩ cao. Sau khi du nhập vào Nhật Bản, loại hình này nhanh chóng được phát triển thành ngành nghề thủ công truyền thống và nổi tiếng thế giới với tên gọi shippo (七宝).

Đồ đồng tráng men Nhật Bản: shippo

Shippo (七宝, thất bảo) là sản phẩm thủ công được sáng tạo bằng cách nung kết men thủy tinh lên phôi kim loại.

pháp lam nhật bản
(ảnh: japanesecrafts.com)

Shippo sở hữu vẻ lấp lánh đầy lôi cuốn như được kết tinh từ 7 thứ bảo vật trong quan niệm Phật Giáo là vàng, bạc, trân châu, pha lê, xà cừ, lưu lymã não. Đây cũng là nguồn gốc của tên gọi shippo – thất bảo mà người Nhật yêu mến dành tặng cho dòng sản phẩm truyền thống này.

Vào khoảng thế kỉ thứ VI – VII, các sản phẩm shippo có nguồn gốc từ Trung Quốc lần đầu được giới thiệu tại Nhật Bản thông qua con đường tơ lụa. Trong giai đoạn này, shippo chủ yếu gắn liền với tầng lớp giàu có và địa vị cao trong xã hội như lãnh chúa, tướng quân, v.v..

Tác phẩm gương soi shippo cổ
Tác phẩm gương soi shippo cổ (ảnh: Facebook | 昭和きもの愛好会)

Từ thế kỉ XVII trở đi, nghệ thuật thủ công shippo bước vào giai đoạn khai hoa, đánh dấu bằng việc nghệ nhân Kaji Tsunekichi (梶常吉) ở vùng Owari (ngày nay thuộc tỉnh Aichi) sáng tạo thành công kỹ thuật shippo đầu tiên của riêng Nhật Bản. Dòng sản phẩm này hiện được biết đến với tên gọi Owari shippo.

Bình hoa pháp lam shippo
Bình hoa đồng tráng men Owari shippo (ảnh: Wikipedia)

Ngày nay, nghệ thuật shippo hiện hữu trong nhiều sản phẩm khác nhau, có thể kể đến như trang sức, đồ trang trí, dụng cụ ăn uống, bình hoa, v.v.. Những sản phẩm shippo Nhật Bản luôn được đánh giá cao với hoạ tiết và màu sắc tinh tế chỉ có thể tìm thấy ở quốc gia này.

trang sức phap lam shippo nhật bản
(ảnh: Facebook | たくみの里 七宝焼の家)

Chế tác shippo

Thoạt nhìn, các sản phẩm shippo rất dễ nhầm lẫn với gốm sứ được vẽ tay có hình dạng phức tạp. Tuy nhiên chúng lại được chế tác từ nguyên liệu và kỹ thuật hoàn toàn khác biệt.

Lựa chọn và tạo hình phôi kim loại (nền kim loại)

Hầu hết phôi kim loại shippo được chế tác từ đồng.

phôi đồng mặt dây chuyền
Phôi đồng mặt dây chuyền (ảnh: www.visityamagata.jp)

Thiết kế hoa văn trang trí

Không có quy định nào về hoa văn trên shippo. Các sản phẩm truyền thống thường sử dụng hoa văn gắn liền với tự nhiên như hoa lá, chim muông, v.v.. Những sản phẩm hiện đại lại nổi bật với các nét trang trí tự do đầy sáng tạo.

nghệ thuật pháp lam nhật đồ trang trí
(ảnh: Facebook | アトリエ ルート スリー)

Tạo viền hoạ tiết từ dây đồng

Những nghệ nhân chế tác sẽ cẩn thận uốn cong các dây đồng có chiều rộng khoảng 1,4mm và độ dày 0,2mm để tạo viền cho từng hoạ tiết thiết kế, sau đó dùng keo dán lên cốt kim loại.

Tráng men thủy tinh

Ngoại trừ màu men trắng nguyên bản, các màu sắc còn lại đều được sản xuất thủ công bằng cách kết hợp nhiều bột kim loại với tỉ lệ pha trộn và nhiệt độ nung chảy khác nhau. Màu sắc độc đáo của shippo được tạo ra do phản ứng hóa học giữa các thành phần kim loại. Chỉ cần sai lệch rất nhỏ trong tỉ lệ kết hợp hay thời gian và nhiệt độ nung cũng sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của thành phẩm.

bảng màu nghệ thuật pháp lam Shippo
Bảng màu của shippo (ảnh: Facebook | 七宝工房くじゃく)

Bột men thủy tinh sẽ được nghiền thành dạng bột nhão rồi lấp vào khoảng trống của họa tiết.

Nung sản phẩm

Sau khi tráng men kín khắp bề mặt, sản phẩm được đưa vào lò nung từ 3 đến 7 lần để có được lớp men bóng và màu sắc hòa quyện.

Đánh bóng

Đặc trưng của các tác phẩm shippo Nhật Bản chính là bề mặt kính trơn bóng, hoạ tiết bên trong có chiều sâu và màu sắc tinh tế.

Có nhiều cách để phân loại những tác phẩm shippo của Nhật Bản như dựa vào nền kim loại (đồng hoặc bạc), độ trong suốt của sản phẩm, hay dựa vào họa tiết thành phẩm có dây đồng hay không.

Bức tranh Núi phú sỹ được làm bằng Pháp lam Nhật bản
Bức shippo núi Phú Sĩ của Namikawa Sousuke được chế tác theo kĩ thuật không viền dây đồng

Muôn vẻ shippo Nhật Bản

Tuy là sản phẩm thủ công truyền thống thế, vẻ đẹp của shippo không bị đóng khung trong những hình ảnh quen thuộc, khuôn mẫu. Sau đây là một số sản phẩm mới lạ đậm nét thời đại của shippo Nhật Bản.

Khuy áo vest và kẹp cà vạt

kẹp cà vạt pháp lam nhật bản
Kẹp cà vạt (ảnh: tamura.buyshop.jp)
khuy măng sét pháp lam nhật bản
Khuy áo vest (ảnh: www.iichi.com)

Khuy cài dây obi của áo kimono

khuy cài dây Obi của áo Kimono được làm bằng Pháp lam
(ảnh: 加藤七宝製作所)

Bảng tên công ty, trường học, địa chỉ nhà

bảng hiệu được làm bằng pháp lam shippo nhật bản
(ảnh: ピラパヤ工房)
bảng hiệu trường học được làm bằng pháp lam shippo nhật bản
(ảnh: ピラパヤ工房)

Các sản phẩm thú vị khác

Bấm móng tay được trang trí bằng shippo
Bấm móng tay được trang trí bằng shippo
Nĩa đánh dấu bóng golf
Nĩa đánh dấu bóng golf
Đèn thủ công pháp lam shippo
Đèn thủ công shippo (ảnh: 加藤七宝製作所)

Nếu có cơ hội, bạn hãy thử ghé thăm làng nghệ thuật shippo tại thành phố Ama (tỉnh Aichi) để được quan sát và tìm hiểu về những tác phẩm tuyệt đẹp này. Đặc biệt, bạn cũng có thể tự tay chế tác một tác phẩm shippo của riêng mình tại đây. nghệ thuật pháp lam nhật bản

Địa chỉ 2000 Jusanwari Toshima, Shippo-cho, thành phố Ama, tỉnh Aichi
Thời gian mở cửa Phòng giao lưu: 9:00 tới 21:00
Các khu vực khác: 9:00 tới 17:00
Ngày nghỉ Thứ hai hằng tuần và các ngày lễ
Vé vào cổng Miễn phí

Bạn cũng có thể đặt mua trên mạng bộ làm shippo tại nhà với đầy đủ các nguyên liệu. Đây chắc hẳn sẽ là thử thách thú vị dành cho mùa dịch ngại di chuyển trong thời gian gần đây. móc treo nghệ thuật pháp lam shippo

Tổng kết

Shippo, đồ đồng tráng men thủ công huyền ảo tựa tranh vẽ, bộc lộ nét thẩm mĩ riêng đậm chất Nhật Bản. Mỗi tác phẩm là đại diện cho sự tỉ mỉ, khéo léo cùng khả năng sáng tạo tuyệt vời của những nghệ nhân Nhật Bản.

Việt Nam cũng có kĩ thuật tráng men đồ đồng với tên gọi là pháp lam, xuất hiện từ thời vua Minh Mạng. Nếu có dịp ghé về bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế bạn sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm pháp lam tuyệt mỹ mang giá trị nghệ thuật và lịch sử đang được trưng bày tại đây.

Hiện nay, pháp lam truyền thống Việt Nam đã thất truyền về kỹ thuật chế tác, không còn dấu tích các lò xưởng và đang được nhiều nhà nghiên cứu, bảo tồn quan tâm phục hồi.

“Nét vẽ của pháp lam Huế thô mộc nhưng chứa đầy cảm xúc, khác hẳn tính cầu kỳ của pháp lam Trung Quốc hay phô bày kỹ thuật cao của pháp lam Nhật Bản” Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, người khôi phục nghề pháp lam Huế nhận xét.