Những điều cần chú ý khi tham gia tiệc cưới ở Nhật
Tiệc cưới là sự kiện trọng đại của cả đời người. Cách tổ chức tiệc cưới Nhật Bản khá giống ở Việt Nam, tuy vậy cũng có những quy tắc ứng xử khác biệt mà khách mời cần lưu ý. Các bạn hãy tham khảo những điều cần chú ý sau đây để tránh rơi vào tình huống khó xử nếu có dịp được mời tham dự một tiệc cưới ở Nhật nhé.
1. Thông báo về việc mình có thể tham dự hay không
Tiệc cưới là một sự kiện quan trọng đối với chủ tiệc, khách mời cũng là những người có mối quan hệ thân thiết với gia đình cô dâu, chú rể như họ hàng, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, đối tác. Do đó người tổ chức luôn mong muốn làm sao có thể tiếp đãi khách mời một cách chu đáo nhất. Khách mời cần thông báo mình có thể đến dự hay không để chủ tiệc lo liệu sắp xếp hội trường tiệc cưới.
Người được mời dự nên phản hồi càng sớm càng tốt, nếu không đến dự được cũng nên để thời gian suy nghĩ tầm hơn một tuần hẵng phản hồi để tránh gây hụt hẫng cho chủ tiệc. Dù sao thì thời gian phản hồi cũng không nên trễ hơn hai tuần trước đám cưới. Đó cũng là phép lịch sự tối thiểu. Nhớ đừng quên phản hồi bạn nhé!
2. Trang phục khi tham dự tiệc cưới
Vì là một sự kiện quan trọng, khách mời cần mặc trang phục lịch sự, trang trọng. Thông thường nam giới sẽ đóng bộ suit cùng giày Tây.
Trang phục của nữ giới phong phú hơn với kimono truyền thống hoặc váy áo hiện đại, nhưng váy áo cần lịch sự, kín đáo, không để vai trần hay hở ngực, lưng, bụng, v.v.. Nếu váy áo có những chỗ hở nhiều thì cần dùng kèm áo khoác hoặc khăn choàng.
Khách mời nữ nên chọn những trang phục màu sắc nền nã, nhã nhặn, cần hạn chế mặc các màu lòe loẹt hoặc màu đen, trắng vì màu đen không may mắn, còn màu trắng có thể trùng màu với váy cưới của cô dâu.
3. Tiền mừng cưới
Tiền mừng cưới là tấm lòng của khách mời gửi đến để chúc mừng cô dâu chú rể. Khách tham dự thường cho tiền mừng vào một thiệp mừng riêng chứ không tận dụng phong bì đựng thiệp cưới như ở Việt Nam. Tiền mừng cưới nên tránh các con số không may chẳng hạn số 4 (nghĩa là tử) hoặc số 9 (nghĩa là khổ nạn).
Thiệp càng lộng lẫy, hoành tráng bao nhiêu cũng có nghĩa số tiền mừng bên trong cũng hoành tráng bấy nhiêu. Vì vậy cần chú ý để lựa chọn thiệp mừng phù hợp với số tiền mừng cưới để tránh gây hiểu lầm và thất lễ các bạn nhé.
Tiền mừng cưới không phụ thuộc vào địa điểm tổ chức mà tùy thuộc theo mức độ tình cảm thân sơ của cặp đôi và khách mời. Số tiền mừng cưới có thể dao động từ ¥30.000 đến ¥50.000 (khoảng 6 triệu đến 10 triệu đồng), anh chị em ruột thường mừng ¥50.000, bạn bè thường mừng ¥30.000. Lưu ý là số tiền mừng cưới cần được ghi cụ thể trên thiệp mừng.
4. Thời gian của một bữa tiệc cưới
Trong khoảng hai tiếng đồng hồ, cô dâu, chú rể sẽ đi chào hỏi và cám ơn quan khách. Khách tham dự không nên ra về trước dù cho đã dùng xong món.
Cuối bữa tiệc, cô dâu, chú rể thường có những món quà kỷ niệm nhỏ xinh chuẩn bị cho từng khách mời, thường là đồ ngọt hoặc bát đĩa nhỏ để thay lời cám ơn, vì vậy khách mời không nên ra về trước khi kết thúc bữa tiệc mà bỏ lỡ tấm thịnh tình của gia chủ.
Tổng kết
Tiệc cưới của người Nhật nhìn chung cũng khá giống với tiệc cưới của chúng ta nhỉ? Tuy nhiên văn hoá hai nước khác nhau nên cũng sẽ có những khác biệt nhỏ trong cách ứng xử như WAppuri đã kể ở trên. Đừng bỏ qua những bí kíp này để trở thành một khách tham dự chân thành và lịch thiệp các bạn nhé!