Bekko – ngành mỹ nghệ đồi mồi Nhật Bản
Mỹ nghệ đồi mồi – sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu thiên nhiên và đôi bàn tay khéo léo của con người – là một trong những sản phẩm làm say đắm những người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới. Bên cạnh cái nôi mỹ nghệ đồi mồi như Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một cái tên không thể bỏ qua khi ta nhắc đến ngành thủ công mỹ nghệ này.
1. Lịch sử bekko – mỹ nghệ đồi mồi Nhật Bản
Sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi tại Nhật Bản
Bekko (べっ甲) là từ tiếng Nhật chỉ các sản phẩm được chế tác từ mai hay móng con đồi mồi (một loại rùa biển).
Các sản phẩm mỹ nghệ từ đồi mồi được cho là đã có mặt tại Nhật Bản từ thời Nara (những năm 600). Một trong các sản phẩm bekko cổ nhất được tìm thấy tại chùa Todai-ji (東大寺, một trong những ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản), tiêu biểu là gậy Như Ý, đàn Tỳ Bà khảm đồi mồi. Chúng được cho là những tặng phẩm đến từ Trung Quốc.
Sự du nhập của kỹ thuật chế tác đồi mồi vào Nhật Bản
Mãi cho đến thế kỷ 16, kỹ thuật chế tác mỹ nghệ đồi mồi mới chính thức du nhập vào Nhật Bản, với điểm đến đầu tiên là cảng thương mại Ima thuộc tỉnh Nagasaki.
Cùng với sự tăng cường thông thương, giao lưu với phương Tây, ngành thủ công mỹ nghệ bekko trở nên quen thuộc với khách phương Tây và dần trở thành sản vật biểu trưng của Nagasaki.
Từ Nagasaki, ngành chế tác đồi mồi ngày càng lan rộng đến những vùng khác và lan đến kinh thành Edo (tên cũ của thủ đô Tokyo). Tại Edo, cùng với sự thành công trong kỹ thuật chắp nối tinh xảo các mảnh vảy đồi mồi, ngành mỹ nghệ đồi mồi có sự phát triển vượt bậc và hình thành nên làng nghề Edo bekko (江戸べっ甲) còn tồn tại cho đến ngày nay.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, mỹ nghệ đồi mồi bekko đã dành cho mình chỗ đứng nhất định và trở thành một ngành tiêu biểu cho thủ công mỹ nghệ Nhật Bản. Các sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi của Nhật Bản càng khẳng định vị trí của mình trên quốc tế với việc nhận được các giải thưởng trong triển lãm thủ công mỹ nghệ tại châu Âu như ở Anh (năm 1909), Pháp (năm 1918).
2. Sự hấp dẫn của các sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi
Hoa văn trong sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi thường có hai dạng chính là hoa văn dạng vằn hoặc một khối đồng màu. Các gam màu phổ biến là vàng, nâu hoặc đen.
Chế tác từ đồi mồi đặc biệt ở chỗ mỗi sản phẩm mang một hình dáng, hoa văn độc nhất vô nhị vì mỗi con đồi mồi, mỗi vị trí mai đồi mồi cho ra những loại hoa văn riêng không trùng lặp. Mai đồi mồi có thành phần chủ yếu là chất sừng, chính nhờ nguyên liệu tự nhiên này mà các sản phẩm đồi mồi rất dễ bắt da và không gây dị ứng như các loại trang sức làm từ kim loại khác. Các sản phẩm mai đồi mồi thường rất bền, chúng có thể giữ nguyên hình dáng và độ sáng bóng của mình sau nhiều năm sử dụng nếu chăm sóc cẩn thận.
Các sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi không chỉ được trân trọng vì nguồn nguyên liệu quý giá hay vẻ đẹp độc nhất vô nhị mà còn là sự kết tinh bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.
Việc chế tác đồi mồi không những đòi hỏi sự cần cù, nhẫn nại mà cả sự sáng tạo, khéo léo trong cách chọn nguyên liệu. Mỗi mảnh vảy đồi mồi thường chỉ dày 1 – 3 mm, vì vậy để tạo nên độ dày cần thiết, người nghệ nhân cần khéo léo chọn lọc mảng màu trùng khớp với nhau và ghép chúng lại sao cho tự nhiên nhất.
Quy trình chế tác mỹ nghệ đồi mồi:
3. Nghề làm mỹ nghệ đồi mồi bekko ngày nay
Sản phẩm đồi mồi xưa và nay
Nhằm đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu làm đẹp qua mỗi thời kỳ, cũng như sự khác biệt giữa nhu cầu giữa người Nhật và quốc tế, các sản phẩm đồi mồi ngày một đa dạng hơn.
Nếu như vào thời Nara các sản phẩm đồi mồi phổ biến là những chiếc trâm cài, chiếc lược chải tóc của các cô gái nhà quyền quý thì đến thời Minh Trị (1868 – 1912), việc thông thương quốc tế được tự do, các sản phẩm bekko cũng được sử dụng đa dạng hơn như trong hộp đựng thuốc lá hay các mẫu mô hình thuyền.
Ngày nay, các sản phẩm đồi mồi cũng gần hơn với nhu cầu làm đẹp của người hiện đại. Đồi mồi đi vào những phục sức thường thấy như gọng kính, dây đeo đồng hồ, bông tai, nhẫn, v.v..
Ngành mỹ nghệ đồi mồi Nhật Bản trước nguy cơ mai một
Đứng trước nguy cơ các loại động vật quý săn bắn quá mức và có nguy cơ tuyệt chủng, từ năm 1992 Nhật Bản cũng đã gia nhập Công ước Washington (công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng). Từ đó, việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi chỉ giới hạn ở những sản phẩm đã nhập khẩu vào Nhật Bản trước năm 1992.
Với nguồn cung nguyên liệu ngày càng khan hiếm, việc kinh doanh sản phẩm đồi mồi trở nên khó khăn hơn, người tiếp nối nghề ngày càng ít. Từ đó, ngành mỹ nghệ đồi mồi Nhật Bản – bekkou cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một. Trong bối cảnh đó, tại Nhật Bản đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ ngành mỹ nghệ truyền thống này. Các hiệp hội bảo vệ ngành mỹ nghề đồi mồi ra đời, tiêu biểu là Hiệp hội Bekko Nhật Bản (日本べっ甲協会) với các hoạt động trên hai mảng chính là nghiên cứu và truyền thông.
Thấu hiểu sự trân quý của món quà tự nhiên này, cũng như sự quan trọng trong việc cân bằng giữa khai thác với gìn giữ, các hiệp hội này đầu tư vào việc nghiên cứu quá trình đẻ trứng, sinh sản, nuôi con của đồi mồi để áp dụng vào việc nuôi nhân tạo loài sinh vật biển này.
Bên cạnh đó, cùng với sự liên kết đa ngành, Nhật Bản cũng đầu tư vào việc quảng bá cho ngành mỹ nghệ qua các phương tiện truyền thông, báo chí, hay thậm chí qua những tấm tem thư ngộ nghĩnh. Song song với tuyên truyền, việc tổ chức các lớp học và buổi trải nghiệm chế tác mỹ nghệ đồi mồi tại các bảo tàng nghệ thuật hay tại làng nghề bekko cũng thường xuyên diễn ra. Các buổi học này nhằm giúp người trẻ hiểu hơn về nghề truyền thống này cũng như tạo nên niềm hứng thú với nghề truyền thống này.