Tìm hiểu về người Ainu và văn hoá Ainu qua video

Người Ainu được coi là người bản địa lâu đời nhất của xứ sở hoa anh đào, sống tại khu vực đảo Hokkaidō từ khoảng năm 1200, trước khi người Nhật như ta biết ngày nay di cư đến. Ngoài Hokkaidō, bộ tộc này còn sống rải rác ở quần đảo Kuril và đảo Sakhalin. Những đặc điểm nhận dạng, đặc trưng về phong tục tập quán, văn hoá và tính ngưỡng của người Ainu phần nào vẫn còn xa lạ không chỉ với du khách nước ngoài mà ngay cả với người Nhật Bản.

Con người và cuộc sống của bộ tộc Ainu

Vẻ ngoài khác biệt với người Nhật Bản hiện tại

Nam giới người Ainu thường có vóc dáng cao to, khác với vẻ nhỏ con thường thấy ở người châu Á. Họ có thói quen nuôi râu dài, rậm rạp.

Nữ giới thì có tục xăm môi, tạo thành hình nụ cười lớn trên mặt. Hình xăm này được tin rằng có thể bảo vệ phụ nữ khỏi những linh hồn tà ác xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng.

Sinh sống bằng hoạt động săn bắt, hái lượm và trồng trọt

Người Ainu luôn ý thức việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng. Họ không bao giờ thu hoạch triệt để những loại cây trái tự nhiên mà nhất định sẽ chừa lại phần gốc để chúng có thể tiếp tục phát triển và cung cấp thực phẩm cho những năm sau. Người Ainu có thói quen ăn chín, chế biến thực phẩm bằng phương pháp ninh, nướng hoặc đun sôi.

Ngôn ngữ Ainu

Người Ainu không sử dụng tiếng Nhật như chúng ta biết mà có ngôn ngữ riêng là tiếng Ainu. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, tiếng Ainu không có chữ viết mà chỉ được lưu giữ thông qua truyền miệng. Hiện tiếng Ainu được ghi chép lại bằng hệ chữ Katakana của tiếng Nhật.

Vì là tộc người đầu tiên sinh sống tại Hokkaidō, nhiều địa danh của vùng vẫn còn được gọi theo ngôn ngữ lâu đời này. Chẳng hạn, Sapporo hay Akan, thung lũng Kamuikotan đều xuất phát từ tiếng Ainu.

Tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”

Người Ainu tin rằng mọi sự vật tồn tại xung quanh con người đều mang linh hồn và là hiện thân của những vị thần.

Theo tín ngưỡng, các vị thần được phái đến đất nước của người Ainu để thực hiện nhiệm vụ và trở về vùng đất thần linh sau khi hoàn thành vai trò của mình.

Vì vậy, nghi lễ Iyomante tiễn đưa linh hồn những loài động vật gần gũi với cuộc sống con người như gấu, cá, hươu, v.v. về với thế giới của các vị thần là một trong những hoạt động tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của người Ainu.

Nghi thức Iyomante với gấu được thực hiện để bày tỏ lòng cảm ơn và tiễn loài gấu về với thế giới thần linh sau khi đã mang da và thịt – những vật phẩm thiết yếu đến cho con người.

Người Ainu trước nguy cơ bị đồng hoá và biến mất hoàn toàn

Trong những năm 1868 đến 1912, dưới thời Minh Trị, người Nhật đã thực hiện chiến dịch đồng hoá người Ainu khi cấm bộ tộc này sử dụng ngôn ngữ riêng, cấm nhiều truyền thống đặc biệt như đánh bắt cá hồi, bắn tên xua đuổi, xăm hình cho phụ nữ, bắt trẻ em phải học tiếng Nhật.

Trên Bản đồ ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm trên thế giới của UNESCO, tiếng Ainu hiện được xếp vào diện cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.

Số lượng người Ainu thuần chủng hiện nay không còn nhiều. Vì chính sách đồng hoá này, nhiều người Ainu có xu hướng kết hôn với người Nhật Bản nhằm giảm bớt sự phân biệt đối xử cho con cháu sau này. Kết quả là hiện nay có rất nhiều người Ainu không còn có thể phân biệt được với người Nhật Bản.

Một số nghi lễ truyền thống của người Ainu đã từng bị cấm tại Nhật Bản (nguồn: ウポポイ(民族共生象徴空間))

Nghị quyết đặc biệt đưa người Ainu trở lại

Mãi cho đến năm 2008, chính phủ Nhật Bản mới thông qua một nghị quyết công nhận người Ainu là người bản địa với ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá riêng biệt, đồng thời khuyến khích mọi người chấm dứt nạn phân biệt với họ.

Người Ainu cuối cùng đã có thể tự tin bước ra thế giới bên ngoài và hồi sinh những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Nền văn hoá đa dạng và độc đáo của người Ainu

Truyện kể truyền miệng

Truyện kể truyền miệng trong cộng đồng người Ainu thường nói về những vị thần đáng kính, những người trẻ tuổi gan dạ hay lời chỉ dạy cách sinh tồn trong tự nhiên. Cách kể chuyện kết hợp giữa nội dung và nhịp điệu của người Ainu luôn tạo ra nét riêng thu hút người nghe. Quan trọng hơn hết, loạihình văn học truyền miệng này còn là cách thức bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ Ainu trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhạc cụ dân tộc

Mukkuri (ムックル)

Nhạc cụ độc đáo này được người Ainu tạo ra chỉ với một thanh tre mỏng nối liền với một sợi dây. Tuy cấu tạo đơn giản nhưng âm thanh Mukkuri lại rất đặc biệt.

Tonkori (トンコリ)

Đây là loại đàn gỗ với cấu tạo 5 dây, 3 dây hoặc 6 dây, được làm thủ công hoàn toàn. Những bản đàn tonkori thường mang ý nghĩa mô phỏng âm thanh tự nhiên, được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt hằng ngày. Đàn cũng được sử dụng trong các nghi lễ cầu bình an, tránh bệnh tật của người Ainu.

Những bài hát và điệu nhảy truyền thống

Người Ainu cũng có những bài hát và điệu nhảy dành cho các nghi lễ thờ cúng, các buổi sum họp hay trong lúc lao động, làm việc.

Năm 2009, những điệu nhảy truyền thống của bộ tộc Ainu đã được tổ chức UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hoá phi vật thể trên thế giới.

Hoa văn trang trí và sản phẩm thủ công

Những mẫu hoa văn độc đáo của người Ainu kết hợp đa dạng những đường nét xoắn ốc, đan chéo cơ bản, thường được sử dụng trên trang phục, dụng cụ sinh hoạt và các dụng cụ nghi lễ của bộ tộc.

Người Ainu xưa đã biết làm ra những bộ trang phục từ vỏ cây, từ những mảnh ghép da cá hồi hay làm từ lông động vật như hải cẩu, gấu nâu và lông chim. Đặc biệt, hoa văn quanh tay áo được thêu với niềm tin sẽ ngăn chặn được những linh hồn xấu xâm nhập vào cơ thể.

Chiếc áo dệt từ vỏ cây với hoa văn truyền thống của người Ainu dưới đây là một trong những loại trang phục làm từ vỏ cây lâu đời nhất trên thế giới.

Gắn liền với các hoa văn dân tộc, người Ainu còn nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo cùng các tuyệt tác độc đáo.

(nguồn: 二風谷アイヌ匠の道)

Nghề chế tác nibutani-ita (khay gỗ) và làm nibutani-attus (vải dệt từ vỏ cây) của vùng đất Nibutani, nằm bên trong thị trấn Biratori, nơi văn hoá Ainu hình thành và phát triển rực rỡ, đã được công nhận là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của vùng Hokkaidō.

Những nỗ lực khôi phục nền văn hoá Ainu

Ngày nay, những người Ainu hiện đại vẫn đang cố gắng để bảo vệ và khôi phục ngôn ngữ, các giá trị văn hoá truyền thống của bộ tộc sau khi phải chịu những tổn thất lớn trong lịch sử.

Các lớp học tự do

Không chỉ riêng con cháu của người Ainu mà bất kì ai quan tâm đến ngôn ngữ đặc biệt này cũng có thể tham gia các lớp dạy tiếng Ainu trên khắp Nhật Bản hoặc thông qua các kênh online như Youtube, Facebook, v.v.. Tại Nhật còn có cả chương trình radio bằng tiếng Ainu với nội dung đa dạng xung quanh lịch sử và sự phát triển của bộ tộc này.

Ngay cả bài tập thể dục theo radio nổi tiếng của Nhật Bản cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Ainu, đây là một phần trong hoạt động quảng bá và bảo tồn ngôn ngữ Ainu quý hiếm:

Các sản phẩm truyện tranh bằng tiếng Ainu dành cho trẻ em (nguồn: イランカラプテ)

Những kĩ thuật truyền thống trong sáng tạo hoa văn, làm đồ mỹ nghệ hay cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống cũng được tổ chức dưới dạng các lớp học trải nghiệm để lưu truyền và quảng bá rộng rãi đến mọi người.

Trải nghiệm cách sử dụng cung tên (nguồn: ウポポイ(民族共生象徴空間) )

Giao lưu văn hoá và khôi phục các nghi lễ truyền thống

Nhiều chương trình giao lưu văn hoá với các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân tộc, trải nghiệm và cảm nhận các nét độc đáo của người Ainu qua trang phục, sản phẩm thủ công, v.v. cũng được tổ chức thường xuyên tại nhiều nơi trong và ngoài Nhật Bản.

Thông tin về Lễ hội văn hoá Ainu tại Tokyo năm 2019 (nguồn: The Foundation for Ainu Culture)

Với tư tưởng coi trọng tự nhiên, nơi vạn vật đều có linh hồn trú ngụ, những nghi lễ cầu nguyện thần linh đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống tinh thần của người Ainu. Các nghi thức truyền thống đang dần được khôi phục và bảo tồn, tái hiện tại các lễ hội giao lưu để du khách hiểu hơn về gốc rễ của văn hoá Ainu.

Bạn có thể dễ dàng quan sát nhiều nghi lễ đặc biệt của người Ainu ở những không gian văn hoá dân tộc, chẳng hạn dưới đây là buổi lễ Shishamo Matsuri được tổ chức để gửi lời cầu nguyện đến các vị thần, bày tỏ sự cảm ơn đến cá Shishamo vì đã mang thịt đến cho con người và cầu cho mùa đánh bắt mới bình an.

Các không gian tái hiện lịch sử và văn hoá Ainu

Tại Hokkaidō, bạn có thể tìm hiểu và cảm nhận trọn vẹn những điều độc đáo xung quanh bộ tộc Ainu qua hành trình khám phá 5 không gian tái hiện lịch sử và văn hoá Ainu sau:

  1. Bảo tàng Quốc gia Dân tộc Ainu Upopoy (国立アイヌ民族博物館)
  2. Bảo tàng Văn hoá Biratori Nibutani Ainu (平取町立二風谷アイヌ文化博物館)
  3. Cơ sở Văn hoá Akanko Ainu Kotan (阿寒湖アイヌコタン)
  4. Nhà tưởng niệm Kawamura Kaneto Ainu (川村カ子トアイヌ記念館)
  5. Bảo tàng Hakodate của các dân tộc phía Bắc (函館市北方民族資料館)

Tổng kết

Con người Ainu và văn hoá Ainu vẫn luôn hiện hữu thầm lặng trên đất nước Nhật Bản qua bao giai đoạn lịch sử nhờ vào những nỗ lực và khao khát được công nhận sự tồn tại riêng biệt ngay trên quê hương mình. Nếu có dịp ghé thăm khu vực Hokkaidō Nhật Bản, bạn nhớ đừng bỏ lỡ những địa điểm liên quan đến nền văn hoá độc đáo này nhé.