Khi biết thai nhi mắc hội chứng Down sau xét nghiệm trước sinh

Xét nghiệm trước sinh

Có khoảng 3-4% trong số các trẻ sinh ra sẽ mắc dị tật nào đó. Sản phụ càng lớn tuổi thì trẻ sinh ra càng có nguy cơ bị dị tật hoặc mắc bệnh bẩm sinh nào đó, vì vậy một số gia đình muốn kiểm tra xem đứa trẻ trong bụng có dị tật bẩm sinh nào trước khi sinh hay không.

Từ tháng 4 năm 2013 tại Nhật, sản phụ sẽ trải qua xét nghiệm gọi là “xét nghiệm nhiễm sắc thể thai nhi dựa vào máu sản phụ" tại viện Hiệp Hội Khoa Học Y Tế Nhật Bản chứng nhận. Đây là một xét nghiệm di truyền sử dụng máu của mẹ để kiểm tra nhiễm sắc thể của thai nhi, xét nghiệm này được cho là có ít rủi ro và chính xác hơn các xét nghiệm truyền thống khác.

Hội Chứng Down là gì?

Xét nghiệm này sẽ kiểm tra xem thai nhi có mắc Hội Chứng Down hay không (dị tật gây ra bởi số lượng nhiễm sắc thể bị sai khác). Hội chứng Down – được đặt theo tên của bác sĩ người Anh đầu tiên tuyên bố về bệnh này là ông John Langdon Down, những trẻ bị bệnh này khi sinh ra sẽ có thể mắc các vấn đề về tim (khoảng 50%), và các vấn đề về đường tiêu hoá (10%). Vì vậy, khoa sản và khoa sơ sinh cần phối hợp với nhau để điều trị ngay từ đầu và chăm sóc đứa bé một cách có khoa học hơn những đứa trẻ bình thường khác.

 

Trước đây, tôi từng gặp ba học sinh mắc Hội Chứng Down tại trường học đặc biệt mà tôi công tác. Chúng rất thân thiện, vui vẻ, chăm chỉ học tập và rèn luyện sức khoẻ. Trẻ bị hội chứng Down có đặc điểm là cơ bắp ít phát triển và hệ vận động cũng phát triển chậm hơn các trẻ khác. Ngoài ra, chúng còn bị chậm phát triển về trí tuệ và ngôn ngữ. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp sẽ được học các ký hiệu giao tiếp đơn giản, kết hợp với giọng nói và cử chỉ để có thể giao tiếp thuận lợi với môi trường xung quanh.

 

Trẻ bị Down được học trong các lớp đặc biệt tại các trường công lập, hoặc các trường giáo dục đặc biệt. Ba học sinh của tôi đều học 3 năm cấp ba tại những trường chuyên biệt như vậy. Chúng đã tốt nghiệp sau khi được học cách làm việc như một thành viên của xã hội, học cách ăn ở để sống tự lập, và tích lũy kinh nghiệm để có thể sống một cuộc sống phong phú khi trưởng thành. Hiện nay, cả ba đều đang đi làm thêm trong khu dân cư, và làm các công việc đơn giản như lắp ráp phụ tùng ô tô, sản xuất các đồ dùng cho lễ hội, đập dẹp các lon nước.

Lựa chọn của các gia đình

Nếu xét nghiệm trước sinh phát hiện sự bất thường, gia đình sẽ hết sức khó khăn để lựa chọn giữa việc sinh đứa trẻ ra hay phá thai. Bạn biết đấy, nuôi dạy trẻ khuyết tật là một việc không hề dễ dàng. Trên thực tế, trong số các bà mẹ có con theo học tại trường đặc biệt mà tôi từng gặp, đã có người vừa khóc vừa kể rằng “Không biết đã bao nhiêu lần tôi chỉ muốn ẵm con nhảy thẳng xuống sông cho rồi… “.

 

Thật không hề dễ dàng để sinh ra và nuôi nấng một sinh mệnh nhỏ bé cho dù nó có khuyết tật hay không. Tuy nhiên, điều duy nhất tôi có thể nói là, càng vất vả bao nhiêu thì đứa trẻ của mình lại càng đáng yêu hơn, và kinh nghiệm nuôi dạy trẻ giúp ta hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Còn về việc xét nghiệm trước sinh là tốt hay xấu thì thật sự cũng khó mà đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng, vì cho đến nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến về vấn đề này như về đạo đức xã hội, hay thiếu sót trong việc quan tâm chăm sóc về tinh thần cho các sản phụ nữa.