Nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản – Thơ waka
Waka (和歌 = HÒA CA) là một thể loại thơ cổ điển của Nhật Bản. Thơ cổ điển của Trung Quốc được gọi là Kanshi (漢詩 = HÁN THI), còn waka là của Nhật Bản nên có chữ “wa” (和 = HÒA, tức là Nhật Bản cổ) trong tên gọi.
Đơn vị “shu" (首 = THỦ) được dùng để đếm bài waka. Đếm là 1 shu, 2 shu, 3 shu… giống như cách đếm Kanshi vậy.
Waka và văn hóa Nhật Bản
Như chính chữ “ka" (歌 = CA, nghĩa là bài hát) trong tên gọi, đây vốn dĩ không chỉ là những bài thơ mà còn là những bài ca được xướng lên với âm điệu. Người Nhật cổ sáng tác waka để biểu diễn ở nơi công cộng hay với mục đích giáo dục nhưng cũng có lúc họ sáng tác và ngâm waka một cách ngẫu hứng khi cảm xúc dâng trào.
Trong suốt chiều dài lịch sử, có nhiều bài waka đã được sinh ra do có rất nhiều quý tộc và Thiên hoàng yêu thích Waka. Thế nên các tập thơ “wakashu" (和歌集 = HÒA CA TẬP) đại diện cho từng thời đại đã được biên soạn và lưu truyền đến ngày nay.
Nổi tiếng nhất trong số này là tập thơ waka lâu đời nhất, Man’yoshu (万葉集 = VẠN DIỆP TẬP), và tập thơ waka đầu tiên được ra đời bởi sắc lệnh của Thiên hoàng, Kokin Wakashu (古今和歌集 = CỔ KIM HÒA CA TẬP). Man’yoshu được biên soạn vào thế kỷ thứ 8, và Kokin Wakashu được biên soạn vào thế kỷ thứ 10.
Man’yoshu không chỉ ghi lại các khúc ca của Thiên hoàng và giới quý tộc mà của cả của dân thường không tên tuổi. Vì vậy nó không chỉ có giá trị văn học cổ điển mà còn là một nguồn lịch sử để tìm hiểu về văn hóa và xã hội thời đó. Các đặc điểm cơ bản của Man’yoshu và các bài waka điển hình có trong Man’yoshu được giải thích một cách dễ hiểu trong video dưới đây.
Nhân tiện, niên hiệu Reiwa (令和 = LỆNH HÒA), được sử dụng từ ngày 1 tháng 5 năm 2019, được lấy từ một bài waka của Man’yoshu. Việc lựa chọn niên hiệu từ Man’yoshu, một tuyển tập pha trộn các bài ca của từ Thiên hoàng đến thường dân mà không có sự phân biệt, được cho là phù hợp với quan điểm sống chú trọng tính đa dạng hiện nay.
Đặc điểm của Kokin Wakashu thể hiện ở ngôn từ thanh lịch, tinh tế và trí tuệ. So với thời đại Nara khi Man’yoshu ra đời, xã hội Nhật Bản cổ đại đã trưởng thành và ổn định hơn. Chính vì ra đời trong một thời đại ổn định như thế, có thể nói Kokin Wakashu đã khắc họa rõ nét không khí của thời đại đó. Video dưới đây sẽ sẽ giải thích một cách dễ hiểu cho bạn.
Trong lịch sử, người đặc biệt giỏi làm waka được gọi là Kasen (歌仙 = CA TIÊN). Trong đó, các bài waka của gồm 36 vị thi nhân “Sanjurokkasen” (三十六歌仙 = TAM THẬP LỤC CA TÊN) cho đến nay vẫn có rất nhiều người mến mộ.
Theo cách này, waka là một trong những yếu tố cần thiết để biết về văn hóa Nhật Bản.
Hãy thử làm một bài waka nào!
Nguyên tắc cơ bản là kết hợp các từ với nhịp điệu âm tiết là “5-7-5-7-7". Điều này là do đối với người Nhật, nhịp điệu 5-7 âm tiết nghe rất êm tai.
Phần đầu có âm tiết 5-7-5 được gọi là Thượng cú (đọc là “kami no ku"), phần có âm tiết 7-7 là Hạ cú (đọc là “shimo no ku"). Bài thơ chỉ có thượng cú chính là “Haiku", thể loại thơ phổ biến từ sau thế kỷ 17.
Trong số những người ngoại quốc đam mê văn hóa Nhật Bản, có cả người viết những bài thơ bằng tiếng mẹ đẻ của họ theo nhịp điệu nêu trên.
Ngoài ra còn có các kỹ thuật như bên dưới. Khi bạn đã quen rồi thì cũng thử dùng những kỹ thuật này nhé!
Chữ gối đầu (枕詞, đọc là makura-kotoba)
Đây là một quy tắc độc đáo của waka, sử dụng một từ để tô điểm cho một từ khác.
Ví dụ: Nếu sử dụng từ “sương buổi sáng" (朝霜, đọc là “asashi-mono") và đặt từ “tan đi" (消, đọc là “ke") ở đâu đó ở phần tiếp theo của bài thơ thì đó chính là sử dụng chữ gối đầu. Có một số lượng vô cùng lớn các ước lệ như thế khiến cho cả dân chuyên nghiệp cũng khó mà nhớ hết mà phải sử dụng đến từ điển các chữ gối đầu.
Chữ bắt quàng (掛詞, đọc là kake-kotoba)
Đây là kỹ thuật chơi chữ với từ có hai nghĩa. Ví dụ, có một waka cổ như sau.
“Otoninomi kikunoshiratsuyu yoruwaokite hiruhaomohini abezujenubeshi"
(おとにのみ きくのしらつゆ よるはおきて ひるはおもひに あへずけぬべし)
Tạm dịch: Sương trắng lắng đọng / Trên bông hoa cúc / Những đêm thức giấc / Bồn chồn bởi những tin đồn cằn cỗi / Tan biến trong ánh mặt trời buổi sáng
Muốn gặp người yêu mà không thể gặp được. Đây là một khúc ca về tình yêu. Ở đây có các chữ bắt quàng đồng nghĩa là “kiku" (菊/聞く= “hoa cúc"/"lắng nghe"), “okite" (置きて/起きて= “để lại"/"thức dậy"; 置き=oki là từ cổ của 置いて=oite), “omohi" (“hi" trong “omohi" (từ cổ của “omoi"= 思もい=suy nghĩ) đồng âm với “hi"=日=mặt trời).
Bài waka này chứa đựng tâm tình “Dù cho những giọt sương trên hoa cúc còn sót lại vào ban đêm thì chúng cũng sẽ bay hơi vào ban ngày vì ánh sáng mặt trời. Giống như thế, tôi chỉ có thể nghĩ về anh/em qua những âm thanh (tin đồn). Vào ban đêm tôi không thể ngủ và thức suốt. Và khi mặt trời mọc, những tâm tư của tôi cũng bốc hơi theo ánh mặt trời".
Chơi cùng thơ waka
Có một trò chơi bài sử dụng waka tên là Hyakunin Isshu (百人一首 = BÁCH NHÂN NHẤT THỦ). Trò này rất thích hợp để làm quà lưu niệm từ Nhật Bản vì nó hữu ích cho việc học tiếng Nhật và cũng có hình vẽ đẹp nữa.