Bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ
Trước đây, tôi đã từng kể về những trải nghiệm của mình về việc cho con bú, nhưng tôi đã không thể cho con bú mẹ hoàn toàn ngay sau khi sinh. Vì thường thì “sữa mẹ bắt đầu tiết ra 2 hoặc 3 ngày sau khi sinh con", và sữa sẽ không tiết ra 1 cách tự nhiên mà không có 1 vài kích thích để sản xuất sữa.
Khoảng 20 giờ sau khi sinh, một nữ hộ sinh tại bệnh viện đã dạy tôi cách xoa bóp tuyến vú. Lúc đó vết mổ khi sinh còn đau, ngồi hay nằm ngủ còn thấy khổ sở, vậy mà tôi đã phải phải xoa bóp ngực mình cho đến khi ngực sưng đỏ lên. Tôi đã nghĩ rằng “Cứ tưởng 31 giờ đau đẻ là đỉnh điểm của sự khổ sở rồi, nhưng không ngờ vẫn còn nhiều thử thách quá… “. Đấy là lúc tôi cảm thấy mây đen vần vũ tương lai của tôi, người chỉ mới bắt đầu làm “mẹ".
Cuối cùng, tôi đã mất khoảng 1 tháng để có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Lý do là vì cần phải có thời gian để cơ thể của tôi tự giác (hay giác ngộ nhỉ?) rằng “Phải tạo sữa cho đứa bé này thôi!". Rồi phía em bé cũng phải cần có thời gian để học và biết được “Mình phải mút như thế này thì mới có thể bú được sữa từ ngực mẹ".
Trong 1 tháng, ngực tôi không thể cho sữa đều đặn, tôi đã khá suy sụp vì “Đã trở thành mẹ rồi mà vẫn không thể tiết sữa được, mình thật không đáng làm mẹ…" và thấy tội lỗi vì phải cho con bú sữa công thức.
Các bà mẹ gặp khó khăn khi cho con bú hoặc không thể cho con bú do trị liệu bằng thuốc vì bệnh của bản thân cũng đang chịu áp lực ngầm của việc “phải nuôi con bằng sữa mẹ". Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc nuôi dạy con giống như trò thi chạy 2 người 3 chân giữa “người nuôi dưỡng" và “người được nuôi dưỡng". Vì vậy không nhất thiết lúc nào cũng áp dụng cứng nhắc giống như lý thuyết chung trong các sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ em được.
Không chỉ việc cho con bú mẹ, mà đối với tất cả các vấn đề như cho con học cách đi vệ sinh hay học nói, mọi việc sẽ ít căng thẳng hơn nếu bạn có thể nhận ra và biết được lúc nào có thể áp dụng câu “Mỗi nhà mỗi cảnh" (họ có nguyên tắc của họ, ta có nguyên tắc của ta).
Đây chính là điều tôi muốn truyền đạt với tất cả mọi người!
Nếu không có vấn đề gì với việc tăng cân, tâm trạng, số lần tiểu tiện v.v… thì trẻ vẫn sẽ lớn lên với nguồn dinh dưỡng kết hợp sữa mẹ và sữa công thức hay chỉ có sữa công thức. Kể cả những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, nếu cảm thấy mệt mỏi vì phải thức dậy giữa đêm cho con bú, cũng có thể cho con bú sữa công thức chỉ vào ban đêm và nhờ người nhà hỗ trợ để có thể ngủ đủ giấc.
Như thế sẽ làm giảm căng thẳng và cải thiện việc tiết sữa của bản thân. Nuôi dạy con không phải là chuyện một sớm một chiều, vì vậy nếu mẹ không dành thời gian để hồi phục sau những mệt mỏi của bản thân thì sẽ không thể nuôi con trong trạng thái tinh thần và thể chất khỏe mạnh được.
Ngược lại, một số bà mẹ lại gặp khó khăn khi sữa ra quá nhiều. Sáu tháng sau khi sinh, con tôi gần như ngập chìm trong sữa mẹ (ngực tự tiết ra nhiều sữa hơn tốc độ và lượng sữa con bú). Chính là cảm giác thống khổ “Cơ thể mẹ đâu phải là máy móc đâu chứ!". Đây đúng là việc không thể hoàn toàn như mong đợi.
Chỉ cần quá giờ bú sữa một chút khi mà giấc ngủ trưa của con kéo dài thêm thì miếng lót sữa sẽ ướt đẫm hay ướt luôn cả quần áo. Thế là tôi lại tự trách mình “Lãng phí quá. Phải chi có thể tiết sữa theo kiểu tiết kiệm năng lượng (energy saving) một chút được thì tốt quá nhỉ!".
Theo thời gian, hầu hết những lo lắng về việc nuôi dạy con cái tương tự như những nỗi niềm của tôi cũng sẽ trở thành những câu chuyện để vui cười mà thôi.
Hỡi những bà mẹ đang cố gắng cho con bú ơi! Người mẹ đang đau đầu vì cho con bú sữa mẹ chắc hẳn là rất vất vả và cảm thấy khổ sở, nhưng con bạn sẽ chẳng mấy chốc mà sớm bước vào giai đoạn ăn dặm rồi dần dần sẽ tự mình ăn uống thôi. Thế nên bạn hãy cố gắng không để tâm trí và cơ thể căng thẳng mà tận hưởng từng ngày cùng con thơ với suy nghĩ cởi mở “Chỉ cần xuôi theo nhịp của mẹ và con là được rồi", bạn nhé!