Truyện cổ tích Nhật Bản – Địa tạng Bồ tát Kasa Jizou
Những câu chuyện cổ tích Nhật Bản thường hay đi kèm với lời răn dạy “nếu làm điều tốt thì sẽ được đền đáp xứng đáng". Và 1 trong số đó chính là câu chuyện về “Địa tạng Bồ tát Kasa Jizou".
Tóm tắt câu chuyện
Ngày xửa ngày xưa, có cặp vợ chồng già sống trong 1 ngôi làng với mùa tuyết rơi dày. Gia cảnh nhà họ rất nghèo, khi Tết đến thì tới cả bánh mochi cũng chẳng có mà ăn. Vì vậy mà 2 vợ chồng đã cùng nhau làm nón lá Kasa để cụ ông mang ra phố bán kiếm tiền mua bánh mochi về ăn trong mùa Tết.
Nhưng buồn thay, ông lại không bán được cái nón lá nào. Ngoài trời thì tuyết lại bắt đầu rơi, nên ông cụ đành dọn hết nón và trở về nhà.
Trên đường về, ông bắt gặp rất nhiều bức tượng Địa tạng Bồ tát đứng dọc bên đường. “Tuyết rơi phủ đầy trên đầu tượng thế này hẳn phải lạnh lắm… “, cụ ông nghĩ vậy rồi lấy nón lá Kasa ra đội lên đầu tượng. Nhưng khi đến bức tượng cuối thì ông lại không đủ nón, nên ông bèn lấy chiếc khăn tay của mình để choàng cho bức tượng cuối cùng.
Sau đó, cụ ông tay không trở về nhà, còn cụ bà thì vẫn chào đón ông về rất nồng ấm. Bà không trách móc gì về chuyện ông chẳng bán được cái nón nào để có tiền mua bánh mochi, mà còn khen ông đã làm được việc tốt sau khi nghe ông kể việc mình đã lấy số nón không bán được ấy tặng hết cho Địa tạng Bồ Tát ven đường.
Tối hôm đó, khi ông bà đang ngủ thì bỗng giật mình vì có tiếng “Bịch!" lớn ngoài hiên nhà, nghe giống như là có thứ gì đó rất nặng vừa rơi xuống vậy. Khi mở cửa ra, cả 2 rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trước mắt mình có biết bao của ngon vật lạ từ trên rừng dưới biển, cùng biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, và thấp thoáng đằng xa là bóng của những bức tượng Địa tạng Bồ tát đang đội nón lá Kasa và chiếc khăn tay ông cụ đã tặng.
Giới thiệu về Địa tạng
Địa tạng tuy là 1 dạng Bồ tát trong Phật giáo, nhưng ở Nhật Bản thì lại được hợp nhất với thần Douso-jin trong Thần đạo và trở thành 1 hình thức Tôn giáo Dân gian được dân chúng biết đến rộng rãi.
Thần Douso-jin, hay còn được gọi là thần Sai (塞ノ神, đọc là “sai no kami"), là 1 vị thần chuyên bảo vệ những vị khách lữ hành, xua đuổi tai ương muốn xâm nhập vào buôn làng, và luôn được thờ phụng ở những ngã tư hay các khu biên giới của làng. Người ta thường tạc hình dáng thần Douso-jin thành hình Địa tạng Bồ tát khiến thần trở thành 1 vị thần “dễ dàng được người dân thăm viếng" và dần trở nên thân thuộc với tất cả người dân Nhật Bản.
Tượng Địa tạng Bồ tát có mặt ở khắp nơi trên đất Nhật, với đủ kích cỡ từ lớn đến nhỏ, từ những bức tượng lâu đời tới mức đã bị mài mòn mất cả hình dạng, đến những bức tượng mới được điêu khắc gần đây. Trong số đó vẫn còn có những địa phương luôn thay áo mới cho Địa tạng Bồ tát khi trời chuyển mùa, nên có thể nói rằng Địa tạng Bồ tát vẫn luôn được người dân Nhật Bản yêu mến cả trong thời đại sắc màu tôn giáo đang dần phai nhạt như hiện nay.