Asakusa trong lịch sử Nhật Bản (1) – từ thời Asuka (năm 628) đến hết thời Chiến quốc (khoảng 1600)

Asakusa là vùng đất không chỉ được người dân Nhật Bản mà còn rất nhiều bạn bè trên khắp năm châu yêu mến. Loạt bài này xin giới thiệu đến các bạn tổng quan những chặng đường phát triển của Asakusa trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản. Phần đầu tiên nói về giai đoạn 1000 năm lịch sử Asakusa từ năm 628 CN cho đến năm 1600.

Có thể bạn thắc mắc tại sao chúng ta lại bắt đầu với mốc năm 628. Vì đây là năm chùa Sensoji và đền Asakusa được xây dựng, đánh dấu sự xuất hiện của tên gọi “Asakusa” trong lịch sử Nhật Bản cách đây 1400 năm.

Đương thời, nước Nhật đang ở thời đại Asuka (592 – 710), kinh đô nằm ở tỉnh Nara thuộc vùng Kinki ngày nay, nên Asakusa lúc này chỉ là một vùng thôn quê hẻo lánh cách xa trung tâm chính trị, văn hóa của Nhật Bản về phía đông.

Lúc bấy giờ, tương truyền có hai anh em ngư phủ Hinokuma Hamanari và Hinokuma Takenari một hôm giăng lưới trên dòng sông Sumida ngày nay, bắt được một vật trông như tượng người bằng gỗ. Hào trưởng vùng đất là Hajino Manakachi sau khi xem xét kỹ bức tượng nhận ra đó là tượng phật. Tin rằng việc tìm thấy bảo vật như thế chỉ có thể là do thần phật dẫn lối, ông bèn quy y cửa phật và tu sửa nhà mình thành một ngôi chùa làm nơi thờ phụng bức tượng. Đó chính là khởi đầu của chùa Sensoji.

Tranh vẽ cảnh hai chàng ngư phủ tìm thấy bức tượng gỗ

Cũng trong thời gian đó, đền Thần đạo Asakusa được xây dựng, thờ hai anh em ngư phủ và ông Hajino Manakachi, được người dân tôn làm “thần” vì đã có công tìm thấy tượng phật và lập nên chùa Sensoji. Như vậy, chùa Sensoji là nơi thờ cúng bức tượng Phật được ba người, còn đền Asakusa là nơi tôn vinh công lao của họ.

Nếu nghĩ kỹ, có lẽ bạn sẽ thấy có sự khác biệt vì một đằng là Phật giáo một đằng là Thần đạo. Ba người tìm thấy tượng phật đã thành Phật tử, nhưng đồng thời họ cũng thành “thần” trong Thần đạo. Nghe có vẻ hơi không hợp lý phải không? Nhưng người Nhật chẳng hề bận tâm điều đó. Với họ, cả hai tôn giáo đều đáng quý và cùng được trân trọng. Ngày nay, chùa Sensoji và đền Asakusa vẫn nằm cạnh nhau bình đẳng, hài hoà trong cùng khuôn viên. Qua đó, chúng ta có thể phần nào thấy được quan điểm của người Nhật về vấn đề tôn giáo.

Chùa Sensoji lúc mới xây xong

Mỗi khi đền chùa xây xong, người dân bắt đầu thường xuyên đến chiêm bái. Mà hễ đông người thì các hàng ăn uống, giải trí, dịch trạm, lữ quán cũng nhanh chóng mọc lên, phát triển dần thành phố thị. Những khu phố thị hình thành quanh khu vực đền chùa như vậy gọi là “monzen-machi” (phố phường trước cổng đền chùa). Asakusa trở thành một monzen-machi phát triển phồn thịnh và được dân chúng hết lòng yêu mến kể từ lúc này.

Một khoảng thời gian sau đó, kinh đô Nhật Bản vẫn ở các khu vực Nara và Kyoto thuộc vùng Kinki. Nhưng thời khắc lịch sử xoay vần cuối cùng cũng đến khi trung tâm chính trị Nhật Bản được dời về vùng Kanto phía đông xa xôi. Năm 1192, Tướng quân Minamoto no Yoritomo thành lập chính quyền Mạc phủ tại Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa ngày nay, đánh dấu sự bắt đầu của thời đại Kamakura.

Với vị trí không xa Kamakura bao nhiêu, vùng thôn quê Asakusa ngày nào đã trở thành chốn an cư của rất nhiều người. Hơn nữa, giới cầm quyền đương thời là những người sùng đạo nên rất coi trọng chùa Sensoji. Nhờ vậy, từ thời đại này về sau, Asakusa ngày càng phồn vinh hơn. Đây là thời kỳ đầu của Asakusa.

Tướng quân Minamoto no Yoritomo viếng thăm chùa Sensoji

Tuy nhiên, Nhật Bản sau đó bước vào một thời kỳ lịch sử vô cùng rối ren, bất ổn với những giai đoạn bình yên ngắn ngủi và chiến loạn liên tiếp xảy ra. Chùa Sensoji cũng trải qua nhiều lần bị thiêu rụi và xây lại. Đến năm 1338, kinh đô lại được dời về Kyoto, vùng Kanto không còn là trung tâm Nhật Bản nữa. Từ nửa sau thế kỷ XV, Nhật Bản rơi vào thời Chiến quốc kéo dài gần 100 năm: hầu như không có lúc nào yên ổn, chỉ có chiến tranh triền miên. Trong khi cả nước Nhật kiệt quệ trong khói lửa chiến tranh, tại Asakusa vẫn có các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí. Chắc hẳn sự tồn tại của Asakusa chính là “liều thuốc giảm đau” góp phần xoa dịu cuộc sống khổ cực của người dân thời bấy giờ.

Chiến trận thời Chiến quốc

Mãi đến nửa sau thế kỷ XVI, Tướng quân Tokugawa Ieyasu xuất hiện, thắng nhiều trận chiến, thống nhất toàn cõi Nhật Bản. Ông thành lập trung tâm chính trị ở Edo (nay là Tokyo), nắm quyền cai trị Nhật Bản, mở ra thời đại Edo. Thời Edo kéo dài 270 năm và hầu như không có chiến tranh, được người dân Nhật Bản ngợi ca là thời kỳ thái bình thịnh trị lâu dài trong lịch sử. Nhờ vậy mà văn hóa thời này nở rộ phong phú, thương mại cũng phát triển cực thịnh, mức sống của người dân được nâng cao. Theo dòng phát triển, Asakusa chào đón thời kỳ thứ hai. Chúng ta sẽ nói rõ hơn trong bài tới nhé!