Nhắc đến Nhật là phải nghĩ đến những loài thực vật tiêu biểu này (2)

Đất nước Nhật Bản vốn có thiên nhiên trù phú với rất nhiều loại thực vật khác nhau. Trăm hoa đua nở suốt 4 mùa. Trong loạt bài kỳ trước, chúng ta đã điểm danh 6 loại thực vật nổi bật tại xứ Phù Tang. Kỳ này xin giới thiệu cùng bạn thêm 6 loại cỏ cây tiêu biểu đại diện cho thiên nhiên đất nước con người Nhật Bản!

Violet (sumire)

Tại Nhật Bản, từ lâu hễ nói đến những loài hoa đồng nội người ta lại nhắc đến hoa sumire. Loài hoa này phân bố rộng rãi trên toàn thế giới với khoảng 800 loại khác nhau, trong đó có 60 loại chỉ có tại Nhật.

Một số loại hoa sumire nở vào mùa thu và giữa đông, nhưng bình thường mùa hoa sumire kéo dài vào khoảng tháng 4 – tháng 5.

Hoa sumire thường có sắc tím, cũng có loại màu trắng, hồng, vàng nữa. Nghe đâu vì có hình dáng giống một loại thước đo dùng mực (sumiire) của thợ mộc mà từ đó loài hoa ngày mới có cái tên “sumire".

Cây sumire cao tầm 5cm đến 20cm, và mặc dù nhỏ bé, sumire lại là một loài hoa kiên cường đầy sức sống, thời tiết nóng bức hay lạnh lẽo đều chịu được, thậm chí có thể len lỏi qua các kẽ nứt trên mặt đường mà sinh trưởng mạnh mẽ.

Tại Nhật, cái tên sumire xuất hiện lần đầu tiên trong tuyển tập thơ Manyoshu (Vạn Diệp Tập) ở thời Nara (710 – 794). Điển hình là bài thơ waka sau đây:

春の野に (Haru no no ni)

すみれ摘みにと (Sumire tsumi ni to)

来し我そ (Koshi ware so)

野をなつかしみ (No wo natsukashimi)

一夜寝にける (Hitoyone ni keru)

Tôi đi hái

Những bông hoa tím

Trên cánh đồng

Và tôi ở lại

Ngủ giữa mùa xuân

(Nhật Chiêu dịch)

Do thơ dùng tiếng Nhật cổ khác với tiếng Nhật hiện đại nên tôi sẽ giải thích ý nghĩa một chút. Đại ý là: Tôi đi hái hoa sumire trên cánh đồng mùa xuân, nhưng vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của hoa mà đã nán lại đến tối rồi ngủ luôn trên cánh đồng.

Đến tận bây giờ, nhiều người Nhật hiện đại vẫn còn cảm nhận được thứ tình cảm yêu mến không thể nói ra thành lời đó mỗi khi ngắm nhìn vẻ đẹp nhỏ nhắn, dễ thương, đằm thắm của hoa sumire.

Cúc (kiku)

Cúc là một loài hoa quý phái tượng trưng cho nước Nhật. Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Hoa Đại Lục, được truyền vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VIII – IX CN (thời Heian). Ban đầu người ta sử dụng hoa cúc như một vị thuốc, nhưng rồi dần dần chuyển thành hoa trang trí trong nhà.

Cúc được xem là một trong những biểu tượng của Nhật Bản vì gia huy của hoàng tộc chính là loài hoa kiku này. Người Nhật rất xem trọng dòng dõi gia tộc và mỗi gia tộc đều sử dụng một loài thực vật làm gia huy. Từ thời cổ đại, hoa cúc đã được xem là dấu hiệu của Thiên hoàng, đến bây giờ vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa đó.

Có hơn 350 loài cúc trên xứ Phù Tang. Hầu hết loài cúc nở dại trên các cánh đồng có hoa nhỏ nhắn, thân cao khoảng 1m trở lên. Nhưng cũng có những giống cúc lai tạo mới có đường kính hoa hơn 30cm, đa dạng về màu sắc lẫn chủng loại.

Cẩm tú cầu (ajisai)

Mùa hoa ajisai bắt đầu khoảng từ tháng 6 đến tháng 7. Thời gian này Nhật Bản bước vào mùa mưa rả rích mỗi ngày. Khác với khái niệm mùa mưa ở Việt Nam hay các nước Đông Nam Á, mùa mưa tại Nhật thường có những cơn mưa phùn nhỏ lất phất rơi cả ngày. Vào những lúc như vậy, người Nhật chẳng ai muốn bước ra ngoài cả. Nhưng gặp lúc hoa cẩm tú cầu nở rộ thì mọi chuyện lại khác hẳn!

Ajisai có rất nhiều màu sắc từ trắng, xanh, tím tới đỏ với hàng ngàn cánh hoa nhỏ chụm lại nở rộ thành dạng cầu. Một điểm thú vị là màu sắc của hoa thay đổi tùy thuộc vào tính chất đất trồng. Gặp đất chua hoa sẽ có màu xanh, gặp đất kiềm hoa sẽ thành màu đỏ. Điều này dựa vào phản ứng của các chất hoá học có trong hoa ajisai: gặp axit hoá xanh, gặp kiềm hoá đỏ. Thiên nhiên quả là kỳ thú phải không các bạn?

Bách hợp (yuri)

Bách hợp là một loài hoa vô cùng phổ biến, sinh trưởng rộng rãi từ châu Âu đến Bắc Mỹ, đặc biệt tập trung chủ yếu tại Bắc bán cầu, khu vực châu Á. Loài hoa này đa dạng về chủng loại, ước tính có khoảng 200 loại bách hợp khác nhau, 15 loài trong đó chỉ có tại Nhật Bản.

Bách hợp nở rộ trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Từ sâu trong đất thân cây vươn thẳng dậy, trên đầu cành những bông hoa có dáng tựa như chiếc loa kèn xòe bung với đủ sắc màu đỏ, vàng, trắng, cam lộng lẫy.

Vì hình dáng thanh cao này, người dân Nhật thường ví những cô gái đẹp như hoa yuri. Nhiều bà mẹ khi sinh con gái thường âu yếm đặt cho các bé những cái tên xinh đẹp như Yuri, Sayuri, Yurika, Yurina, Yurino, v.v..

Hoa yuri cũng xuất hiện cả trong Kinh Thánh. Nghe đâu trong thời của mình, vua Solomon, vị vua quang minh lỗi lạc của dân Israel, đã ví người phụ nữ mình yêu thương như đoá hồng hoang dãhoa bách hợp. Ngoài ra, Chúa Jesus cũng có lời dạy rằng: Vinh quang của vua Solomon to lớn đến đâu cũng không rạng ngời bằng những đoá hoa bách hợp. Điều này có nghĩa là những thành tựu của con người không bao giờ sánh bằng vẻ đẹp tự nhiên do Chúa Trời tạo ra.

Có thể thấy rằng dù ở phương Đông hay phương Tây, hoa yuri vẫn luôn là loài hoa xinh đẹp được người đời yêu mến.

Hướng dương (himawari)

Chữ himawari viết bằng chữ Hán sẽ là 向日葵 (Hướng Dương Quỳ) tức hoa hướng dương, loài hoa hướng về mặt trời.

Đúng như tên gọi, trong giai đoạn sinh trưởng, loài hoa có hình dáng như chiếc bờm sư tử này luôn hướng về phía mặt trời mà vươn thẳng. Còn quang cảnh nào diễm lệ hơn hình ảnh đồng hướng dương với những đoá hoa vàng rực rỡ khoe sắc dưới ánh mặt trời?

Tại Nhật, người ta thường lấy tên hoa hướng dương để đặt cho các công trình như trường học, nhà trẻ, nhà dưỡng lão, v.v. vì cái tên hướng dương đem đến cho không gian xung quanh cảm giác khỏe khoắn, sáng sủa như mặt trời.

Người Nhật cũng thường thân mật gọi những vệ tinh khí tượng bằng cái tên himawari, do sự liên tưởng rằng những vệ tinh luôn hướng về Trái Đất giống như cách hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời vậy.

Tùng (matsu)

Loài thực vật cuối cùng tôi muốn nhắc đến là cây tùng. Loài cây này phân bố rộng rãi trên khắp thế giới, từ miền miền lạnh giá bắc bán cầu ở Nga, Canada đến những vùng nóng nực cận xích đạo như Indonesia.

Từ lâu, cây tùng đã sinh trưởng trên đất Nhật và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, văn hoá Nhật Bản. Chẳng hạn tùng luôn là đề tài hấp dẫn trong các bức tranh Nhật, và là một loại cây luôn phải có trong các khu vườn Nhật Bản. Bản thân tôi khi bị buộc phải chọn một loài cây cổ thụ biểu tượng cho tinh thần Nhật Bản đã không do dự mà chọn ngay cây tùng.

Sự hiện diện của cây tùng luôn mang lại cảm giác hoan hỉ. Với tuổi thọ cao, cành lá luôn xanh tươi dù đang giữa đông, hình ảnh cây tùng gợi đến sự trường thọ và phồn vinh. Ngoài ra, nhờ khả năng thích nghi cao, cây tùng thường được trồng dọc các vùng bờ biển nhiễm mặn nặng mà các loài cây khác thường không sống nổi, tạo thành một lớp rừng phòng hộ che chở cho nhà cửa, ruộng đồng khỏi gió cát mịt mù của đại dương. Nhiều nơi tại Nhật vẫn còn sót lại các địa danh mang tên “… no Matsubara” (Cánh đồng tùng của vùng…), ở đấy có những cánh rừng tùng (matsubayashi) tuyệt đẹp có từ xưa đến nay.

Ngoài ra, nếu ghé thăm những cánh rừng akamatsu, bạn sẽ bắt gặp loại nấm matsutake mà người Nhật vô cùng yêu thích. Do có số lượng hạn chế nên hiện nay loại nấm này có giá thành khá đắt đỏ, nhưng nhờ có hương thơm tuyệt vời khi nướng trên than hồng cùng mùi vị tuyệt hảo trứ danh, người Nhật có thói quen phải ăn nấm matsutake ít nhất một lần mỗi độ thu về.

Đến đây tôi xin kết thúc phần 2 của loạt bài giới thiệu những loại thực vật tiêu biểu của Nhật Bản. Ngoài 12 loài đã kể, Nhật Bản vẫn còn rất nhiều loài cây hấp dẫn khác nữa. Có dịp tôi sẽ tiếp tục giới thiệu cùng bạn. Hi vọng qua những loài thực vật này, mọi người sẽ có thêm thật nhiều kiến thức bổ ích và sâu sắc về tinh thần và văn hóa nước Nhật.