Thần thoại Nhật Bản (2) – Amaterasu

Trong Thần thoại Nhật Bản (phần 1), tôi đã giới thiệu với các bạn về cặp vợ chồng thần đã sinh ra trời và đất là Izanagi và Izanami.

Sau khi Izanami chết, Izanagi đã sinh ra 3 vị thần có sức mạnh vô cùng đặc biệt. Thần Susanoo là một trong số đó, và được cha nhường cho quyền cai quản biển khơi.

Thế nhưng, Susanoo chỉ suốt ngày khóc lóc, nằng nặc đòi “Con muốn đi tới Suối vàng để gặp mẹ", làm cho biển sâu dậy sóng. Izanagi sau khi đã thoái vị và trao quyền cai quản các vương quốc cho các con, khi thấy cảnh đó thì đùng đùng nổi giận, đuổi Susanoo ra khỏi biển khơi.

Amaterasu và Susanoo

Thần Susanoo đi về hướng Suối vàng để tới gặp mẹ của mình. Trước khi tới đó, thần ghé qua thiên giới Takamagahara để chào chị mình là thần Amaterasu, người đang cai quản ở đó.

Lúc đầu, thần Amaterasu tỏ vẻ không tin tưởng người em trai của mình vì đã chểnh mảng việc cai quản vương quốc.

“Nếu em chứng minh được tâm mình trong sạch, ta sẽ cho em tới thiên giới."

Thần Susanoo tạo ra 5 vị thần nam từ vòng đeo cổ của thần Amaterasu. Thần Amaterasu tạo ra 3 vị thần nữ từ kiếm của thần Susanoo. Tuy nhiên thần Amaterasu đã nhận ra rằng mình chưa quy định việc làm thế nào để biết xem trái tim thần Susanoo có trong sạch hay không.

“Tạm thời thế này, hãy xem 3 vị thần nữ sinh ra từ đồ vật của em là con của em, còn 5 vị thần nam sinh ra từ đồ của ta thì là con của ta."

Nghe thấy thế, Susanoo nói ngay :"Vì trái tim ta trong sạch nên mới sinh ra con gái đó!"

Thần Amaterasu không nghĩ ra được cách nào để phản biện lại, đành phải tin thần Susaoo và cho phép anh ta lên Takamagahara.

Trong 5 vị thần nam vừa được sinh ra, có một người trở thành tổ tiên của Thiên Hoàng. Và 3 vị thần nữ được các vị thần trên trời ra lệnh cho xuống mặt đất để giúp Thiên Hoàng trong việc chính sự. Các vị thần nữ này được thờ ở đền Munakata-taisha, tỉnh Fukuoka. Vùng này từ thời cổ đại là khu vực trung tâm trong việc giao thương với nước ngoài.

Tên gọi Đền Munakata-taisha (宗像大社)
Trang chủ http://munakata-taisha.or.jp/
Số điện thoại 0940-62-1311
Địa chỉ 2331 Tashima, thành phố Munakata, tỉnh Fukuoka
Bản đồ

Hang đá Thiên đàng

Thần Susanoo sau khi được cho vào Takamagahara thì vô cùng phấn khích, làm mọi thứ mình muốn. Nào là lấp kênh dẫn nước cho đồng ruộng, nào là lấy phân làm ô bẩn đền thờ tổ chức các nghi lễ. Mỗi lần như vậy, Amaterasu đều ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng rồi tới một ngày thì cũng có người chết.

Thần Susanoo đã ném xác ngựa chết vào khu vực dệt vải để may kimono cho Amaterasu. Quá hoảng loạn, cung nữ dệt vải vô tình đâm con thoi vào người mình.

Thần Amaterasu vô cùng bàng hoàng, chui vào trong hang đá và lấy một hòn đá lớn để lấp cửa hang.

Vì thần Amaterasu là hiện thân của Mặt trời, nên khi không có thần thì cả thế gian chìm trong bóng đêm. Các vị thần trên Takamagahara tập hợp nhau lại nhằm thuyết phục thần Amaterasu ra khỏi hang. Thế nhưng dù có khuyên nhủ thế nào đi chăng nữa, thần Amaterasu cũng không chịu ra ngoài.

Và thế là thần Omoinokane, biểu tượng của tư duy và trí tuệ đã nghĩ ra một cách rất hay. Đầu tiên, thần lấy một chiếc gương rất to để ở phía trước tảng đá. Và rồi mọi người cùng nhau mở tiệc linh đình.

Thần Amaterasu thấy bên ngoài huyên náo, nhộn nhịp, bèn hỏi các thần bên ngoài “Các ngươi đang làm gì vậy?". Thế là các thần trả lời bằng một giọng vô cùng hào hứng “Mọi người mừng đón thần Thái dương mới đấy ạ!"

“Thần Thái dương mới là ai nhỉ?", thần Amaterasu tự hỏi và hé mở tảng đá ra rồi nhòm qua khe. Và thế là bà nhìn thấy một vị thần tỏa sáng. Thực ra đó chính là thần Amaterasu phản chiếu trong gương, nhưng bà không nhận ra, và mở khe đá ra lớn hơn chút nữa để nhìn cho rõ hơn. Nhân lúc đó, một vị thần khỏe mạnh kéo thần Amaterasu ra khỏi hang.

Và thế là ánh sáng đã trở lại trên thế gian. Thần Susanoo, sau khi đã gây ra bao chuyện tày đình thì bị đuổi khỏi Takamagahara.

Chiếc gương lớn được gọi là Yatanokagami, cùng với kiếm Kusanagino-tsurugi và đồ trang sức đeo cổ Yasakanino-magatama được gọi là “Tam chủng thần khí", được lưu truyền trong hoàng tộc cho đến tận ngày nay.

Gương Yatanokagami được cất giữ tại đền Ise-jingu thuộc tỉnh Mie, nơi thờ thần Amaterasu. Tuy nhiên, không chỉ khách tham quan mà đến cả trụ trì của đền Ise-jingu cũng không được thấy hiện vật. Người cuối cùng được nhìn thấy chiếc gương báu này được cho là Thiên hoàng Minh Trị vào năm 1868.

Tên gọi Đền Ise-jingu (伊勢神宮)
Trang chủ https://www.isejingu.or.jp/
Số điện thoại 0596-24-1111
Địa chỉ 1 Ujitachi-cho, thành phố Ise, tỉnh Mie
Bản đồ
Thời gian mở cửa 5:00 ~ 18:00
Tháng 10 ~ tháng 12: 5:00 ~ 17:00
Tháng 5 ~ tháng 8: 5:00 ~ 19:00