Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Atsuta ngày 5 tháng 6 tại tỉnh Aichi

Nếu bạn có dịp đến thành phố Nagoya, tỉnh Aichi vào ngày 5 tháng 6, chắc bạn sẽ thấy có nhiều người mặc Yukata lắm. Bạn biết tại sao không? Vì họ sẽ tham dự lễ hội diễn ra tại đền Atsuta đấy.

Đền Atsuta – nơi tổ chức lễ hội Atsuta

Đền Atsuta đã có từ rất lâu rồi.

Quang cảnh đền Atsuta

Theo thần thoại, vị Thiên Hoàng đầu tiên là con cháu của Thần trời – người đã xuống trần gian để cai trị Nhật Bản. Vị thần này đã mang theo 3 báu vật bao gồm thanh kiếm Kusanagi (草薙剣 – Thảo Thế kiếm), viên ngọc quý Yasakani no Magatama (八尺瓊勾玉 – Bát Xích Quỳnh Câu ngọc), và chiếc gương Yata No Kagami (八咫鏡 – Bát Chỉ kính), thường được gọi chung là “Tam chủng Thần khí". 3 báu vật “Tam chủng Thần khí" này vẫn thường được sử dụng trong lễ đăng quang của Thiên Hoàng đấy!

Trong số Tam chủng thần khí đó thì thanh kiếm Kusanagi đang được cất giữ tại đền Atsuta. Bởi vì đây là ngôi đền có “Kiếm" nên hay được dùng để thờ cúng các vị thần Võ thuật và các cuộc tranh tài, nên có được niềm tin của biết bao võ sỹ.

Lễ hội Atsuta

Lễ hội Atsuta từ ngày xưa đã được gọi là lễ thượng võ. Vì Thiên Hoàng cũng sẽ đến thăm lễ hội này, nên dù có là những nghi lễ được tổ chức trong đền thần đi chăng nữa thì cũng được tổ chức hết sức trang trọng trong bầu không khí nghiêm trang vô cùng.

Tại sảnh chính sẽ diễn ra nghi lễ một cách tĩnh lặng, còn trong khuôn viên đền và dọc hai bên đường sẽ tổ chức lễ hội vô cùng sôi nổi. Các bạn có thể thưởng thức nghệ thuật truyền thống của Nhật, trà đạo và ngâm thơ haiku đối ẩm, các màn biểu diễn nhạc cụ truyền thống Nhật, và kể cả các cuộc đấu võ đài và võ đạo nữa đấy.

Vào chiều muộn, cả khuôn viên được bao quanh bởi một bầu không khí đầy thu hút với ánh sáng của các chùm đèn lồng trang trí khắp nơi, chúng được gọi là Kentou Makiwara. Với mong muốn mọi người có sức khỏe tốt trong cả năm, nên nơi đây họ thắp 365 đèn lồng tương đương với số ngày trong một năm.

Khi đêm đến, 1000 quả pháo hoa sẽ được bắn lên từ khu vực công viên của đền Atsuta về phía Bắc đền cách chừng 500 mét, đây cũng là thời khắc cao trào của lễ hội.

Điểm nổi bật của đền Atsuta

Với mặt bằng rộng lớn, sẽ mất khoảng một tiếng để bạn đi hết quanh đền. Tôi cũng sẽ liệt kê dưới đây những gì mà tôi nghĩ bạn nhất định phải xem khi đến đến Atsuta!

Gian Bảo vật

Có rất nhiều báu vật quốc gia và các di sản văn hóa được cất giữ tại đền Atsuta, nhiều nhất trong số đó phải kể đến là kiếm Nhật. Bạn có thể không thưởng lãm được kiếm Kusanagi nhưng sẽ nhìn ngắm được nhiều kiếm Nhật dùng trong cúng tế được trưng bày tại đây.

Bức tường Nogunaga (信長塀)

Bức tường thành này được một lãnh chúa nổi tiếng tên là Oda Nobunaga cho xây dựng vào năm 1560 và còn trường tồn đến ngày nay. Nó thuộc một trong 3 bức tường thành lớn của Nhật Bản. Hai bức tường còn lại là tường thành Taikou ở Sanjusagendou thuộc Kyoto, và tường thành Oneri tại đền Ebisu ở Nishinomiya, tỉnh Hyogo.

Đèn đá Sakuma Tourou (佐久間燈籠)

Đây là một trong 3 đèn đá lớn của Nhật được xây từ một tảng đá dày hơn 7 mét bởi một võ sĩ tên Sakuma Katsuyuki vào năm 1650. Hai chiếc đèn đá còn lại hiện đang có ở đền Ueno Tosho-gu (上野東照宮) ở Tokyo, và chùa Nanzenji (南禅寺) ở Kyoto. Tất cả đều được Sakuma Katsuyuki xây nên.

Địa danh Đền Atsuta (熱田神宮)
Website https://www.atsutajingu.or.jp/jingu/
Điện thoại 052-671-4151
Địa chỉ 1-1-1 Jingu, Atsuta-ku, thành phố Nagoya
Bản đồ
Thời gian hoạt động Mở cửa 24 giờ
Lễ hội Atsuta diễn ra từ 10:00 ngày 5 tháng 6 trở đi (đến 20:00 thì có lễ hội pháo hoa)
Gian hàng sẽ mở từ chiều ngày 4 tháng 6
【Gian Bảo vật】 9:00 ~ 16:30
Ngày nghỉ: thứ Tư cuối cùng của mỗi tháng và ngày hôm sau, từ ngày 25 đến 31 tháng 12
Phí vào cổng Miễn phí
【Gian Bảo vật】
Học sinh cấp 3 trở lên: 300 yên, học sinh cấp 1-2: 150 yên