Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (12) – Hoàng gia suy yếu thế nào?

Ở bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 11)“, tôi đã giới thiệu chi tiết về “Thời đại Nam – Bắc triều" bắt đầu từ năm 1334, khi mà Nhật Bản được chia làm 2 triều đại ở Kyoto và Nara.

Tái hợp vương triều

Ở Bắc Triều, võ sỹ Ashikaga Takauji được phong làm thủ lĩnh của giới võ sỹ và lập ra Mạc phủ Muromachi tại Muromachi, Kyoto. Bên cạnh đó, dù ở trận chiến nào họ cũng đánh bại đội quân của Nam triều.

Tượng đồng của Ashikaga Takauji – vị tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Muromachi, được đặt tại thành phố Ashikaga, tỉnh Tochigi

Năm 1392 – gần 60 năm kể từ khi Hoàng gia được chia thành Năm – Bắc triều, vào thời kỳ của Yoshimitsu – vị tướng quân thứ 3 của gia tộc Ashikaga, Thiên Hoàng thứ 4 của Nam triều là Gokameyama đã công nhận Thiên Hoàng thứ 6 của Bắc triều Gokomatsu là Thiên Hoàng chính thức, và thế là hai vương triều hợp thành một.

Các thế hệ sau gọi Thiên Hoàng Gokameyama là Thiên Hoàng thứ 98 và Thiên Hoàng Gokomatsu là Thiên Hoàng thứ 99.

Tuy nhiên, không phải tất cả thần dân của Nam triều đều tán thành với sự việc này, khoảng 100 năm sau đó, tàn quân đã từ chối đầu hàng và mở một trận đánh du kích, thế nhưng đó không phải là một trận chiến có quy mô lớn.

Hoàng gia suy yếu

Từ xưa đến nay, người đứng đầu trong lịch sử Nhật Bản thường là Thiên Hoàng. Tuy nhiên, vào năm 1192, khi mà Minamoto no Yoritomo lập nên Mạc phủ Kamakura, quyền lực chính trị thực chất thuộc về giới võ sỹ. Tình trạng này đã kéo dài suốt 140 năm.

Vào lúc đó, Thiên Hoàng Godaigo xuất hiện và trở thành thủ lĩnh, bắt đầu thực hiện tân chính Kenmu. Thế nhưng, Nhật Bản nhanh chóng bị chia làm Bắc triều và Nam triều, quyền lực chính trị lại một lần nữa rơi vào tay võ sỹ là Ashikaga Takauji. Hơn thế nữa, chính quyền của giới võ sỹ là Mạc phủ và nơi ở của Thiên Hoàng là Hoàng cung đều ở Kyoto, do vậy mà quyền lực của Thiên Hoàng ngày càng yếu đi qua mỗi thế hệ.

Đặc biệt là vào năm 1467, ngay sau khi Thiên Hoàng thứ 103 – Gotsuchimikado lên ngôi, “Chiến tranh Onin" xuất phát từ sự tranh giành quyền lực giữa các võ sỹ trong Mạc phủ đã kéo dài đến 11 năm liền. Cuộc chiến diễn ra trong nội thành Kyoto nên đến cả những căn nhà hay đền, chùa quanh khu vực của Thiên Hoàng cũng đều bị tàn phá nặng nề. Chính vì vậy mà Hoàng gia đã phải đối mặt với áp lực về tài chính, họ đã phải trải qua cuộc sống rất cực khổ, thậm chí có nguy cơ bị diệt vong. Thiên Hoàng – người mà từ xa xưa đến nay luôn thuộc về dòng dõi lâu đời, đứng trên bục cao của lịch sử Nhật Bản – lúc bấy giờ không chỉ đánh mất quyền lực mà còn mất luôn cả sự tôn nghiêm. Đây được cho là thời kỳ đen tối nhất của Hoàng gia trong lịch sử Nhật Bản.

Bức tranh miêu tả “Chiến tranh Onin". Chiến trường chính là nội thành Kyoto

Mặt khác, Mạc phủ Muromachi cũng chịu những tổn thất bởi “Chiến tranh Onin". Việc Mạc phủ không có sức mạnh ngăn chặn sự phân chia nội bộ các võ sỹ cấp dưới đã bị phơi bày. Từ sau “Chiến tranh Onin", các tướng quân giỏi trên toàn quốc quay sang chống lại nhau, Nhật Bản bước vào thời kỳ chiến tranh song phương. Trong vòng 100 năm cuối thời kỳ Muromachi, chiến tranh nổ ra trên khắp nước Nhật nên lịch sử đã gọi thời kỳ này là “Thời kỳ Chiến quốc". Cuối cùng, vào năm 1593, tướng quân thứ 15 là Ashikaga Yoshiaki đã bị đuổi ra khỏi Kyoto bởi chính thuộc hạ của mình là Oda Nobunaga. Cũng vào chính năm đó, Mạc phủ Muromachi chính thức bị diệt vong.

Tượng của Ashikaga Yoshiaki – tướng quân cuối cùng của Mạc phủ Muromachi, tại đền Toji-in, Kyoto

Thiên Hoàng đương nhiệm tại thời điểm Mạc phủ Muromachi diệt vong là Thiên Hoàng thứ 106 Ogimachi. Hoàng gia đã cầu cứu Oda Nobunaga, sau khi Nobunaga chết, họ đã được Toyotomi no Hideyoshi giúp đỡ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Vì vậy, tài chính của Hoàng gia dần được khôi phục, những quý tộc vốn thuộc phe Thiên Hoàng cũng dần quay trở lại, quyền lực của Hoàng gia lại trở nên mạnh mẽ.

Sau khi Hideyoshi qua đời, người đứng đầu là Tokugawa Ieyasu đã rời khỏi Kyoto, đặt trung tâm chính trị tại Edo (Tokyo ngày nay), từ đó thời kỳ Edo bắt đầu. Edo là một kỷ nguyên hòa bình kéo dài khoảng 260 năm. Trong suốt thời gian đó, trung tâm văn hóa – chính trị không nằm ở Kyoto mà là ở Edo. Ngược lại, Hoàng gia vẫn ở lại Kyoto và chiu sự giám sát của Mạc phủ. Chính vì vậy mà suốt quãng thời gian từ thời Chiến quốc đến thời Edo, Thiên Hoàng hầu như không xuất hiện trên vũ đài chính trị.