Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (9) – Việc tham gia triều chính của giới võ sỹ

Tôi đã giới thiệu cho các bạn về cuộc chiến tranh giành quyền lực của Thiên Hoàng và giới quý tộc trong bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 8)“.

Trong thời kỳ đó, các quý tộc cố gắng đưa con gái mình trở thành vợ của Thiên Hoàng, và nếu đứa trẻ sinh ra trở thành Thiên Hoàng kế vị thì họ sẽ được nắm quyền lực trong tay. Ngược lại, Thiên Hoàng đã bảo vệ quyền lực của mình bằng cách nhường ngôi cho đứa con vẫn còn bé hay cháu của mình và trở thành Thượng Hoàng.

Chẳng mấy chốc, màn kịch chính trị giữa hoàng gia và quý tộc trở thành cuộc nội chiến. Tuy nhiên, hoàng gia và quý tộc lại không trực tiếp chiến đấu, mà vai trò cầm vũ khí do giới võ sỹ đảm nhiệm.

Sự trỗi dậy của giới võ sỹ

Sau mỗi trận chiến, hoàng gia và quý tộc đều ban thưởng và trao thứ hạng cho những võ sỹ đã tham gia trận chiến đó. Kết quả là, có những võ sỹ đã dần có được vị trí tương đương với quý tộc. Một trong số họ là Taira no Tadamori.

Taira no Tadamori

Kiyomori, con trai của Tadamori còn thăng tiến hơn nữa, cuối cùng đã trở thành võ sỹ đầu tiên được làm Thái Chính Đại Thần – chức quan phụ tá cho Thiên Hoàng. Và cũng giống như giới quý tộc, con gái của ông trở thành vợ của Thiên Hoàng thứ 77 Goshirakawa.

Con trai của họ lên ngôi Thiên Hoàng thứ 81 Antoku khi mới chỉ 2 tuổi, và người ông là Kiyomori trở thành người bảo hộ và nắm giữ quyền lực. Gia tộc Kiyomori là trường hợp đầu tiên mà võ sỹ lại có vị thế cao hơn giới quý tộc.

Sự cường thịnh của Taira no Kiyomori

Tuy nhiên, đây lại không phải là niềm vui của hoàng gia và quý tộc. Họ phái binh lính đến đối đầu với Kiyomori, nhưng vốn có xuất thân là võ sỹ nên dù là những trận chiến trực tiếp như thế cũng không hề hấn gì với ông.

Bao nhiên đoàn quân được gửi đi đều bị ông đánh bại. Ông xử tử hình hoặc lưu đày những quý tộc chủ mưu và võ sỹ cấp dưới của họ. Trong đó, có một võ sỹ tên là Minamoto no Yoritomo, lúc bấy giờ chỉ mới 13 tuổi, cha và anh của cậu người thì tử trận người thì bị tử hình, tuy nhiên do còn trẻ nên cậu được miễn, chỉ bị lưu đày đến thành phố Ito, tỉnh Shizuoka ngày nay.

Tượng đồng của Taira no Kiyomori

Tuy nhiên, khi trưởng thành, Minamoto no Yoritomo cùng các đồng minh của mình trên nơi lưu đày, đã một lần nữa đứng lên chống lại Kiyomori. Lúc bấy giờ, Kiyomori đang lâm bệnh nặng, lành ít dữ nhiều, nhưng Yoritomo đã cấu kết với Thượng Hoàng Goshirakawa tấn công con trai của Kiyomori.

Sự phản công của Minamoto no Yoritomo

Vào năm 1183, sau cuộc tấn công của Yoritomo, gia đình của Kiyomori đã dẫn theo Thiên Hoàng Antoku, lúc này chỉ mới 5 tuổi, bỏ chạy khỏi Kyoto trốn đến phía tây. Thượng Hoàng Goshirakawa sau khi cấu kết với Yoritomo, thành công trong việc đuổi cổ dòng họ Taira ra khỏi Kyoto, đã trao ngôi vị cho Thiên Hoàng Gotoba 3 tuổi.

Tượng gỗ Thượng Hoàng Goshirakawa tại một ngôi chùa mang tên Chokodo ở Kyoto

Yoritomo tiếp tục dồn gia tộc Taira vào đường cùng. Cuối cùng, vào năm 1185, toàn bộ thành viên còn lại của gia tộc Taira đã bị giết sạch tại eo biển Dannoura nằm giữa tỉnh Yamaguchi và Fukuoka.

Cuộn tranh cũ vẽ lại cuộc chiến tại Dannoura
Những bức tượng đồng được dựng tại chiến trường cũ Dannoura

Thượng Hoàng Goshirakawa sau khi không còn một kẻ thù chính trị nào, đã vui vẻ tận hưởng những năm cuối đời của mình tại Kyoto. Sau khi Thượng Hoàng băng hà, năm 1192, người có công lớn là Minamoto no Yoritomo đã được Tiên Hoàng Gotoba phong cho chức vụ Chinh Di Đại Tướng Quân (Seiitaishogun), thủ lĩnh của tất cả các võ sỹ, lập nên một kinh đô của giới võ sỹ ở Kamakura, tỉnh Kanagawa.

Kể từ đây, thời đại Kamakura bắt đầu.